Bác sĩ làm “chân rết” cho các nhà phân phối chui

25/08/2015 - 18:23

PNO - Nhiều loại thuốc nhập lậu, thuốc xách tay được tuồn về bán với giá “cắt cổ” nhiều bác sĩ, dược sĩ trở thành “chân rết” cho các nhà phân phối chui.

Bac si lam “chan ret” cho cac nha phan phoi chui
Các loại thuốc nhượng quyền có hoạt chất Sofosbuvir được rao bán ở Việt Nam

Nhiều loại thuốc uống thế hệ mới điều trị bệnh viêm gan siêu vi C (viết tắt viêm gan C) có thể hỗ trợ hoặc thay thế hoàn toàn các loại thuốc chích hiện nay, giúp trị bệnh hiệu quả hơn đến 90%, trong khi thuốc chích chỉ có hiệu quả 50%.

Giới y học ví các loại thuốc này như thần dược và đang sử dụng rộng rãi ở Mỹ, các nước châu Âu nhưng Việt Nam lại chưa cho phép lưu hành nhiều loại thuốc nhập lậu, thuốc xách tay được tuồn về Việt Nam, bán với giá “cắt cổ”.

Giá thuốc từ “trên trời”

Từ năm 2013, các loại thuốc uống thế hệ mới điều trị viêm gan C như: Sofosbuvir, Simeprevir, Daclatasvir, Ledipasvir… đã được thử nghiệm thành công và đang sử dụng rộng rãi ở Mỹ, châu Âu, giúp điều trị bệnh đạt hiệu quả hơn 90%; tuy nhiên giá thuốc quá cao, một liệu trình điều trị 12 tuần là 80.000 - 90.000 USD.

Để có thuốc giá rẻ cho người bệnh, Mỹ đã nhượng quyền một loại thuốc có hoạt chất Sofosbuvir cho bảy công ty dược của Ấn Độ sản xuất, với nhiều tên thương mại khác nhau và giá thuốc đã giảm từ 10 - 15 lần so với giá gốc. Nhiều quốc gia sử dụng phác đồ điều trị có sử dụng thuốc Sofosbuvir nhượng quyền trong 12 tuần, giờ đây chỉ còn 900 USD (khoảng 21 triệu đồng theo thời giá hiện nay).

Thông tin về thuốc Sofosbuvir điều trị viêm gan C có giá rẻ khiến người bệnh phấn khởi, đặc biệt khi Việt Nam có đến 3% dân số nhiễm bệnh. Thế nhưng, hiện Sofosbuvir và các thuốc thế hệ mới vẫn chưa được phép lưu hành, vì theo Luật Dược “một loại thuốc mới phải được sử dụng ít nhất 5 năm ở nước sản xuất mới được xem xét cấp phép nhập khẩu”.

Việc Bộ Y tế cứng nhắc, chậm chạp trong xét duyệt thuốc mới đã làm nảy sinh tình trạng thuốc Sofosbuvir nhập lậu bán tràn lan cho người bệnh với giá trên trời mà không ai kiểm tra chất lượng. Những loại thuốc không rõ nguồn gốc không chỉ có mặt ở các quầy thuốc Tây mà ngay cả BS, DS cũng tham gia bán thuốc.

Cầm toa thuốc của chúng tôi đưa, thấy chỉ ghi tên hoạt chất Sofosbuvir mà không có tên thuốc thương mại, DS Ph. (chủ một nhà thuốc lớn ở Q.9) thắc mắc: “Bà cụ khám ở bệnh viện (BV) nào mà BS không ghi thẳng tên thuốc, lại chỉ ghi hoạt chất? Chắc do quen với BS, chứ tôi thấy BS thường kê luôn tên thuốc”.

DS Ph. báo giá: “Hiện trên thị trường có bốn-năm mặt hàng thuốc có cùng hoạt chất Sofosbuvir 400mg như: Hece., My., Hep., Sofos… nhưng đều là hàng xách tay. Nhà thuốc bán ra cho người tiêu dùng loại Hece., My. 10 triệu đồng/lọ 28 viên uống trong một tháng; mắc hơn là Hep., Sofos. với giá 16 triệu đồng/28 viên…”.

Chúng tôi tỏ ý thắc mắc về chất lượng thuốc thì vị này phân bua: “Nếu khách mua từ lọ thứ hai trở đi thì giá thuốc Hep. và Sofos. còn 15,5 triệu đồng/lọ; riêng hai sản phẩm còn lại đã rẻ rồi nên không giảm thêm được nữa. Về chất lượng thuốc, khó đảm bảo 100%. Thực ra, Nhà nước chưa cho phép nhập khẩu nên tất cả là hàng xách tay, bất kể thuốc mua ở đâu. Ngay cả BS cũng lấy thuốc của tôi bán cho BN”.

Thông qua một BN đang điều trị viêm gan C, sáng 18/8, chúng tôi đến gặp BS N.D.T. ở BV 175 TP.HCM. Sau khi xem giấy tờ và hỏi thăm bệnh sử, BS T. cho biết: “BN bị vi-rút viêm gan C type 2, nếu không dùng được thuốc chích thì chỉ cần uống thuốc Sofos. 400mg (hoạt chất Sofosbuvir) cùng với thuốc He. 800mg (hoạt chất Ribavirin).

Chỉ cần uống trong 12 tuần là hết bệnh; theo đó một ngày uống một viên Sofos. và hai viên He. Vì type 2 điều trị đơn giản nhất nên chi phí điều trị là 75 triệu đồng”. Tính giá thuốc Sofos. 400mg mua từ DS Ph. thì cũng chỉ có 15,5 triệu đồng/lọ 28 viên, còn thuốc He. 800mg chỉ là 5.000đ/viên.

Như vậy với phác đồ này, một tháng BN viêm gan type 2 chỉ uống ba lọ Sofos. và 180 viên He. cũng chưa tới 48 triệu đồng. Nếu tính thêm các chi phí xét nghiệm số lượng virút còn lại trong máu sau mỗi tháng dùng thuốc cũng không quá 55 triệu đồng.

Thấy BN e dè giá quá cao mà chất lượng thuốc chưa được khẳng định rõ ràng, BS T. nói chắc như đinh đóng cột: “Không hết uống làm gì? Không cần phải đi đâu mua thuốc, nhà thuốc BV cũng không bán, lấy thuốc từ tôi”, rồi BS T. viết vội giấy cam kết sẽ hoàn trả lại 50 triệu đồng nếu không hết bệnh.

Ngoài ra, BS này còn phối hợp với BS H.T.K.A. và Công ty dược K.H.V. lập ra một trang web để BN viêm gan C đăng ký điều trị với nhiều nội dung hứa hẹn: “Để được điều trị khỏi hẳn viêm gan C mạn với số tiền 99 triệu đồng, cần đăng ký vào chương trình “Vì một tương lai không có xơ gan và ung thư gan cho 20.000 BN viêm gan C mạn”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI