Bác sĩ kinh ngạc khi lần đầu tiên thấy khối u “dị thường”

21/08/2020 - 16:09

PNO - Theo PGS.TS Trần Minh Trường, mấy mươi năm làm nghề y, đã xử lý không biết bao nhiêu khối u cho bệnh nhân, nhưng ông vẫn kinh ngạc trước khối u xơ vòm mũi họng “dị thường” của bé T..

Gương mặt của bé T. sau khi được phẫu thuật
Gương mặt của bé T. sau khi được phẫu thuật

Trưa 21/8, PGS.TS Trần Minh Trường – Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cho biết, bệnh viện này đã phẫu thuật, xử lý khối u xơ vòm mũi họng khổng lồ, “dị thường” cho bé B.H.T. (13 tuổi, ở Tây Ninh). Khối u này đã “đeo bám” vùng hầu họng của bé suốt 4 năm nay, phát triển mạnh và xâm lấn qua nơi khác gây nhiều biến chứng nặng nề.

Theo đó, ngày 8/7/2020, bé T. được gia đình đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng khó thở, chảy máu mũi, khối u to có kích thước hơn 10x10cm, không gây đau nhưng cứng và dai gây biến dạng mặt, chèn ép má, ổ mắt phải khiến bé phải thở bằng miệng, ăn uống khó; trẻ suy dinh dưỡng, chỉ nặng 26kg.

Sau khi thăm khám, nội soi và làm các xét nghiệm, bác sĩ phát hiện khối u đã hoại tử, bịt kín vùng vòm mũi sau 2 bên và thòng xuống hầu họng, bít kín toàn bộ hốc mũi khối xương hàm trên, hố dưới thái dương, chân bướm hàm, đẩy lệch, biến dạng xương hốc mắt, gò má bên phải của bé.

Qua sinh thiết, bác sĩ nhận định bé T. bị mô sợi mỡ viêm mãn tính. Nếu để lâu, khả năng khối u sẽ xâm lấn lên não, phá sàng sọ bên, gây rách màng não tủy, rách mạch máu và nguy cơ tử vong rất cao. Qua nhiều cuộc hội chẩn, bác sĩ quyết định phẫu thuật xử lý khối u cho bé T.. Tuy nhiên, bệnh nhi bị suy dinh dưỡng nặng, khối u “bám rễ” nhiều nơi, chỉ cần một sơ suất nhỏ sẽ không thể cứu được.

TS.BS Trần Anh Bích – Phó khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trước các triệu chứng, sự xâm lấn và kích thước khối u, ban đầu ê-kíp không nghĩ bé T. bị u xơ vòm mũi họng. Nhưng khi mở, thám sát vùng mổ, các bác sĩ nghi ngờ có thể bé bị u xơ vòm mũi họng hiếm gặp nên lấy mẫu sinh thiết. 

“Qua 3 lần thực hiện sinh thiết, chúng tôi mới dám kết luận đây là u xơ vòm mũi họng, nhưng khối u đã lan đến các vùng lân cận, thậm chí lan ra da. Muốn mổ xử lý trọn khối u xơ này sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nguy cơ tử vong do chảy máu, bởi u xơ bám chặt các mạch máu lớn, bắt buộc ê-kíp phải vừa mổ vừa cầm máu, truyền máu liên tục cho bé.

Thậm chí có từng giai đoạn, ê-kíp phải tạm dừng mổ để truyền máu, nâng huyết áp cho bệnh nhi rồi mới có thể tiếp tục. Tổng cộng trong và sau mổ, bé T. được truyền 26 đơn vị máu mới ổn định” - bác sĩ Bích chia sẻ.

Sau nhiều giờ đồng hồ căng thẳng, các bác sĩ đã xử lý cắt lọc khối u nặng 205g cho bé T., giúp gương mặt bệnh nhi cân đối hơn.

Hiện bé đã ăn uống bình thường trở lại, thở tốt, tự tin hơn khi tiếp xúc với mọi người. Bé không bị biến chứng về sau và đi học trở lại.

Tuy nhiên, để phòng ngừa khối u tái phát, bé cần được thăm khám định kỳ theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Bác sĩ Trường khám lại vết mổ cho bé T.
Bác sĩ Trường khám lại vết mổ cho bé T.

Nghe bác sĩ nói, anh Bùi Hữu Dũng (51 tuổi, cha ruột của bé T.) mừng rỡ: "Từ nay con trai tôi sẽ không còn mệt mỏi, mặc cảm nữa".

Anh Dũng nhớ lại, đầu năm 2016, bé T. bị sưng mặt, nghẹt mũi, thường bị chảy máu cam nhưng gia đình chỉ nghĩ bé bị nóng, sưng răng nên đến hiệu thuốc gần nhà mua thuốc cho con uống. Uống thuốc được khoảng 2 tháng, bé T. không khỏi bệnh mà chảy máu cam ngày một nhiều, phần mặt bên phải cũng sưng to thấy rõ. 

“Lúc đó, tôi đưa T. đến bệnh viện ở tỉnh khám, bác sĩ không chẩn đoán được bệnh nên tôi tiếp tục đưa con trai lên TPHCM tìm bệnh. Tôi và con đi gần hết các bệnh viện tại thành phố nhưng sau khi khám, bác sĩ cũng nói về theo dõi, bé T. cũng không có toa thuốc. 

Đến năm 2018, con tôi được lấy mẫu xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bé bị khối u nguy hiểm không thể mổ được vì vị trí khối u toàn mạch máu lớn, khả năng bé phải sống cùng khối u quái ác này. Tôi và con chỉ biết đi khám, theo dõi khối u theo lịch hẹn, cho đến khi bé ngày càng chảy nhiều máu cam, có lúc tôi bất lực nhìn con đau đớn mà không thể cầm máu được, bác sĩ khuyên tôi đến Bệnh viện Chợ Rẫy” - anh Dũng nói.

PGS.BS Trần Minh Trường cho biết: “Mấy mươi năm trong nghề, cả tôi và các bác sĩ của bệnh viện gặp vô số khối u to nhỏ, nhưng cũng phải kinh ngạc trước khối u xơ vòm mũi họng của bé T. vì độ khổng lồ, sức tàn phá và xâm lấn khủng khiếp của nó. Phải gọi đây là một khối u… dị thường mà lần đầu Bệnh viện Chợ Rẫy gặp phải.

Chúng tôi thực hiện vô số cuộc hội chẩn, kết nối nhiều chuyên khoa để lên phương án phẫu thuật cho bé. Thậm chí phải thông báo cho gia đình lên gặp bé trước khi cho T. vào phòng mổ bởi chỉ cần một “rễ” nhỏ của khối u bám chặt vào mạch máu, xử lý không tốt, máu sẽ chảy không ngừng và bệnh nhi tử vong ngay. Nói chính xác, ngoài chuẩn bị kỹ, ê-kíp đã có chút may mắn khi phẫu thuật lấy trọn toàn bộ khối u này cho bé”.

Theo bác sĩ Trường, u xơ vòm mũi họng chỉ xảy ra ở nam giới, đa số là các bé trai trong giai đoạn dậy thì (13-17 tuổi), căn bệnh gây xơ vữa tạo thành một khối mạch máu phía trong vòm mũi họng. Nếu một bé trai bị nghẹt mũi, chảy máu mũi tái đi tái lại nhiều lần, gia đình nên đưa bé đến các cơ sở y tế có chuyên khoa để được khám và phát hiện bệnh kịp thời. Phát hiện sớm, khối u nhỏ thì việc xử lý sẽ dễ dàng, ít biến chứng hơn bằng phương pháp phẫu thuật nội soi. 

U xơ vòm mũi họng khi đã được xử lý, chữa trị, bệnh nhân cũng cần được khám bệnh theo chỉ định của bác sĩ, mặc dù tỉ lệ tái phát bệnh chỉ chiếm 10%.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI