Mở đầu cuộc gọi, vừa nghe tôi nhắc đến chuyên gia tâm lý - ThS Kiều Thanh Hà, chị Trang đã vội vã hỏi: “Mình gặp nhau nói chuyện trực tiếp được không em?”. Tôi nói tôi gọi từ TP.HCM.
Ở đầu dây bên kia, từ một căn nhà nghèo và buồn nào đó ở Hà Tĩnh tôi từng được biết qua báo mạng, chị Trang bật khóc: “Em ở Sài Gòn có biết tin bác Hà mất không?”. Những phút tiếp theo của cuộc chuyện trò chìm trong tiếng khóc, tiếng trẻ con ú ớ rồi la hét thất thanh từ đầu dây bên kia.
|
Bác sĩ Kiều Thanh Hà |
Facebook hôm nay như cũng chìm trong nước mắt. Mọi người đồng loạt đổi hình đại diện màu đen, cùng dòng tin “Vĩnh biệt bác sĩ Kiều Thanh Hà”. Trong tấm hình chụp bảng cáo phó từ tang lễ của chị, mọi thông tin về sự ra đi cũng tối giản bằng những ngày, giờ; nhưng, từng dòng tin từ hàng trăm tài khoản facebook được gửi đến chị từ 6 giờ sáng 22/8 ấy, vẫn liên tục kể thêm về từng mối ơn nghĩa, ân tình với “họa mi áo trắng”, “bác sĩ quốc dân”, “thiên thần của trẻ tự kỷ” vừa ra đi.
Lướt qua những thảng thốt lần lượt hiện lên trên mạng xã hội, tôi gọi cho chị Trang - như quờ quạng trong thế giới buồn thương ấy một mối quen biết chung để chia sẻ. Chị Trang là người mẹ được chị Hà cưu mang khi mang con từ Hà Tĩnh vào TP.HCM chữa bệnh tự kỷ mà tôi vô tình biết trên báo mạng cách đây vài tháng.
Rồi cuộc gọi như bật ra từ một trong vô số những sẻ chia ngắn ngủi trên thế giới mạng, một câu chuyện giống như một ngàn câu chuyện khác - về người phụ nữ vừa ra đi.
Chị Trang vừa kể vừa khóc. Lần đầu được trò chuyện với bác sĩ Kiều Thanh Hà, chị đang ở vực thẳm của một người phụ nữ mắc bệnh ung thư với nỗi lo “mình sắp chết”, lại nhận thấy đứa con trai lớn có dấu hiệu tự kỷ.
Cái đêm đầu tiên nhắn tin chia sẻ qua facebook, chị Trang vừa khóc vừa gõ vào khung chat tất cả những câu chuyện đời, cùng tuyệt vọng, hoang mang của mình với vị bác sĩ chưa từng gặp mặt - và cũng tự nhủ trước với mình rằng “có thể bác sĩ chẳng có thời gian để đọc tin”. Nhưng, Trang nhớ, bác Hà đã trả lời ngay sau đó, rồi dặn: “Nếu ở Hà Tĩnh không có ai cứu hai mẹ con, thì em hãy vào đây với bác”.
Chuyến đi Sài Gòn sau đó giống như một giấc mộng. Bởi, lúc đó, gia đình chị Trang đã kiệt quệ sau những lần chị xạ trị để chữa bệnh ung thư, chuyện chữa bệnh cho con trai là… không tưởng. Nhưng, từ vé xe, tiền trọ, tiền thuốc, tiền ăn uống của hai mẹ con suốt một tuần ở Sài Gòn, “bác sĩ Hà lo hết!”.
Trong một tuần lui tới Phòng khám và điều trị tâm lý trẻ do chị Hà phụ trách để được huấn luyện cách chơi với con, Trang còn được dự phần vào những lớp dạy nấu ăn, dạy múa, nhảy mà bác sĩ tổ chức miễn phí cho phụ huynh của trẻ tự kỷ. Rời khỏi Sài Gòn, về Hà Tĩnh bắt đầu hành trình can thiệp bệnh của con, thỉnh thoảng, niềm lạc quan cũng vơi đi như “quãng thời gian còn lại” trong ý thức và nỗi sợ hãi của người mẹ mắc bệnh nan y.
Tất cả những lần cận kề tuyệt vọng ấy, tưởng chừng sắp tìm đến “cái chết ân huệ” để giải thoát mình, chị Trang lại nhận được một cuộc gọi thăm hỏi của “bác Hà”. Lúc gia đình Trang khánh kiệt, hoàn toàn không còn khả năng duy trì sự sống cho mẹ (bằng thuốc) và sức khỏe cho con (bằng dinh dưỡng); chị Kiều Thanh Hà lại đứng ra kêu gọi, cùng mọi người dìu Trang vượt cơn nguy khó.
Cứ thế, bất chấp những ngại ngần của Trang vì từng chứng kiến sự bận bịu của “bác Hà”, người phụ nữ ấy vẫn chủ động dõi theo suốt từ ngày mẹ con Trang rời phòng khám, cho đến khi chị “biến mất khỏi thế giới mạng” chừng hai tháng trước, để vào bệnh viện cho đợt điều trị cuối cùng.
Và cuộc gọi của tôi, vô tình, trở thành một hồi âm buồn “từ Sài Gòn” cho người phụ-nữ-chịu-ơn ở vùng quê ấy.
Nhưng, ngay tại Sài Gòn, trên cuộc tương tác tức thì của mạng xã hội, lời vĩnh biệt vẫn thảng thốt vì nỗi cách trở vừa mới, bởi “nợ cô chưa kịp trả”, “những ngày cô tận tâm chỉ dạy chưa kịp đáp đền”. Kiều Thanh Hà mà người ta quen thấy trên báo, với những câu chuyện thơ mộng như huyền thoại của “bà tiên” và “những đứa trẻ tự kỷ”, như cổ tích của “một người phụ nữ mắc ung thư vẫn lạc quan ca hát, và tận hiến cho công việc” - lại xuất hiện đời thường hơn bao giờ hết, và thánh thiện, thần tiên hơn bao giờ hết.
“Trong ngăn tủ vẫn còn nguyên chai nước hoa chị tặng em, như vậy là chị vẫn còn bên em chị nhé, Quyền Lâm là tên chị gọi em rất lạ vì bạn trên FB mà đến được với nhau bằng tình thân - đâu được mấy người, nhớ lắm những ngày theo chị vô hóa chất, tóc không thể mọc nhưng chị đẹp vô cùng.” (facebook Lâm Thục Quyên).
Đinh Khánh Trinh đăng một tấm hình tươi tắn của chị, và nhắc “Hình này là lúc chị hát bài “Anh thì không” nè. Nhớ lắm…”.
Dòng trạng thái cũ của chị, nỗi niềm và tình yêu trẻ con thường trực trong chị - được Facebook Phạm Minh nhắc lại: “Có những lúc về công ty, các bé trèo lên người. Bác Hà đuối quá... nói, “Beo, Khoa ra kia ngồi, cho bác Hà nghỉ chút...”.
Rồi tối về nhà lại ân hận… Giờ không có đứa nào trèo lên lại nằm ở nhà nhớ các bé.Trẻ nhỏ. Dù là chậm phát triển nhưng trẻ luôn biết ai thương mình. Bác Hà ân hận quá Beo ơi, Khoa ơi. Thứ hai, bác Hà bù lại cho hai đứa nha? Hôn nhé? Đồ chơi nhé? Bánh nhé? Giờ nhớ hai đứa quá mà không biết làm sao?!”.
Những người bạn, dù chỉ một lần biết đến Kiều Thanh Hà, cũng có những chi tiết “lạ thường” để nhắc: “Em nhớ một lần ngồi chờ khám, em còn phát hiện bác Hà dán hình siêu nhân trước cửa phòng khám”.
Một phóng viên truyền hình từng “vỡ lòng” về phép ứng xử với những đứa trẻ đặc biệt trước phản ứng từ tốn của “bác sĩ Hà”, “tự thú”: “Lần ấy mình vô tâm nên trót lia ống kính qua những đứa trẻ đang ngồi chờ khám, làm bọn trẻ la khóc dữ dội. Bác Hà lúc đó đang bận bịu với các bệnh nhân trong phòng vẫn vội vàng chạy ra vỗ về tụi nhỏ, rồi nhẹ nhàng quay sang mình, nói “các em vừa mới được can thiệp thôi, nên mình cần lắng nghe và làm theo ý các em”.
Một đồng nghiệp của tôi, dẫu chưa một lần gặp Kiều Thanh Hà, chỉ lặng lẽ dõi theo chị qua những thông tin về trẻ tự kỷ, lại chia sẻ: “Mình đã từng trải qua những nỗi buồn lớn nhất cuộc đời, từng mất người thân, nhưng, chưa bao giờ cảm thấy mất mát đến thế…”.
Cũng trên trang facebook của chị, bên cạnh “dòng thời gian” vẫn chảy trôi từng phút với bao lời gan ruột của bè bạn, là dòng “giới thiệu bản thân” cố định do chính chị viết bên góc trái: “Hát hay, xinh gái, vui tính, hahaha”.
Và chị đã hát hay, xinh gái, vui tính cho đến những ngày cuối cùng, trên những dòng trạng thái “trốn bác sĩ để đăng facebook” của những ngày cuối cùng. Quay lại cái “dòng thời gian” đang trôi qua với những buồn tiếc kia - bạn bè của chị, vẫn đang thay nhau kể những câu chuyện thật đẹp đẽ, thần tiên, và trong lành nhất đời.
Trong lời vĩnh biệt chị, mỗi người đều mong chị được về với một thiên đường nào đó trong đức tin của họ. Nhưng, những ngày này - với tất cả những gì đẹp đẽ, trong lành đồng loạt được hồi tưởng - chị đã để lại những khoảnh khắc thiên đường ở chính nơi chị ra đi.
Sau thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư vòm họng, chuyên gia tâm lý - ThS Kiều Thanh Hà - Phòng khám Nhi Đồng TP.HCM, cộng tác viên thân thiết của báo Phụ Nữ đã trút hơi thở cuối cùng lúc 6g sáng ngày 22/8/2017.
Báo Phụ Nữ thành kính chia buồn cùng gia đình bác sĩ.
|
Minh Trâm