Bác sĩ khóc vì cơ quan bảo hiểm y tế chưa trả tiền vượt dự toán khi Tết đến

30/12/2020 - 17:27

PNO - Bác sĩ nghẹn ngào: “Anh em ngành y tế cực kỳ khó khăn. Chúng tôi ai cũng cần tiền vì năm hết Tết đến. Kiểu này thua rồi”.

 

Bác sĩ Phạm Tấn Đức - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa
Bác sĩ Phạm Tấn Đức - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa

Lo không còn bệnh nhân tới khám

Chiều 30/12, bác sĩ Phạm Tấn Đức - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa nghẹn ngào khóc khi phát biểu với lãnh đạo Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế tại hội nghị tập huấn về thực hiện thông tuyến bảo hiểm y tế tổ chức tại TPHCM.

Phát biểu về những vướng mắc trong thanh toán bảo hiểm y tế, bác sĩ Phạm Tấn Đức khẳng định: “Thông tư 30/2018 ban hành ngày 30/10/2018 đang làm chúng tôi khó khăn. Muốn kê thuốc nào thì phải có chẩn đoán kèm theo, nếu không bảo hiểm y tế sẽ xuất toán. Nhưng có người sau khi hết bệnh, xuất viện, trong hồ sơ bệnh án có từ 7 đến 10 chẩn đoán”.

Về vấn đề thông tuyến sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2021, bác sĩ Đức nói: Chỉ thị 25 ngày 21/12/2020 của Bộ Y tế đang bỏ rơi cơ sở khám bệnh tuyến huyện, xã; chỉ quan tâm đến cơ sở khám bệnh tuyến tỉnh.

“Thông tuyến lần này, bệnh viện tuyến tỉnh chắc sẽ mừng và lo. Mừng vì nhiều người đến khám nên tăng thu. Lo bị vỡ trận không đủ kinh phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đến cuối năm. Nhưng với cơ sở tuyến huyện như chúng tôi thì rất lo. Không biết sau ngày 1/1/2021, có còn bệnh nhân không. Đặc biệt là các trường hợp thuộc chuyên khoa Ngoại hay Sản. Bởi lẽ tuyến trên có bác sĩ giỏi, điều dưỡng giỏi, phương tiện chẩn đoán tốt hơn, thuốc tốt hơn”, bác sĩ Đức trăn trở.

Tiến sĩ Lê Văn Khảm – Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế phản hồi câu chuyện của bác sĩ Đức: “Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội hoàn toàn không quy định phải có chẩn đoán thì mới được kê thuốc, chỉ quy định là kê toa thuốc phải phù hợp với chẩn đoán và điều trị”. 

Về chỉ thị 25 hướng dẫn về thông tuyến 2021, tiến sĩ Lê Văn Khảm cho biết trong Chỉ thị 25 có 5 dòng nói về y tế cơ sở. Sở dĩ Chỉ thị nói ngắn gọn vì đã có nhiều đề án, giải pháp bàn về nâng cao chất lượng y tế cơ sở.

Không có tiền công ty dược không bán thuốc

Bác sĩ tại tuyến huyện đối diện với nguy cơ không còn bệnh nhân sau khi thông tuyến tỉnh băt đầu từ 1/1/2021
Bác sĩ tại tuyến huyện đối diện với nguy cơ không còn bệnh nhân sau khi thông tuyến tỉnh bắt đầu từ 1/1/2021

Bác sĩ Đức nói mình đã 32 năm làm bác sĩ ở tuyến huyện, rồi ông nghẹn ngào: “Tôi từng mơ ước có máy CT 32 lát cắt nhưng cơ chế không cho mua vì bệnh viện tuyến huyện không được mua. Đã thế, bảo hiểm y tế chỉ ứng 80% dự toán, treo lại 20%. 

Số tiền vượt dự toán họ cũng không trả. Hỏi tỉnh, tỉnh chỉ ra Hà Nội chứ tỉnh không có quyền. Chúng tôi dù là trung tâm y tế huyện nhưng ngân sách cấp rất thấp. Bảo hiểm y tế không thanh toán 20 tỷ đồng cho chúng tôi. Chúng tôi giờ không có gì để trả tiền thuốc, không có gì trả tiền lương.

Tương lai của cơ sở y tế cực kỳ khó khăn. Với các công ty dược, nếu không trả tiền thuốc thì họ dọa ngưng cấp thuốc. Chúng tôi giờ rất cần tiền. Năm hết Tết đến. Kiểu này thua rồi”.

Liên quan đến dự toán giao cho các cơ sở khám chữa bệnh, tiến sĩ Lê Văn Khảm cho biết: việc giao dự toán đã báo cáo Quốc hội. Quốc hội đã nhận ra việc giao dự toán là không có căn cứ pháp  lý, gây ảnh hưởng đến quyền lợi bệnh nhân, ảnh hưởng hoạt động của bệnh viện.

Do đó, vào ngày 26/12/2020, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không thực hiện giao dự toán nữa. Hiện tại, ngành y tế đang chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Theo bác sĩ Phan Văn Toàn – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế, nhiều khả năng là năm 2021 sẽ không còn việc giao dự toán nữa. Lý do là thông tuyến sẽ làm tăng số lượng khám, chữa bệnh ở các thành phố lớn như TPHCM và Hà Nội.

Hiếu Nguyễn

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI