Bác sĩ kể về "phép màu" cứu bé gái hấp hối sau khi uống dầu thắp sáng bàn thờ

23/02/2021 - 12:21

PNO - Trong những ngày tết, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận 2 trẻ cấp cứu sau khi uống dầu thắp sáng. Có một trẻ đã hấp hối sau đó được cứu sống khi dùng kỹ thuật ECMO.

 

Bé gái 15 tháng tuổi ở quận  Bình Tân, uống nhầm dầu hỏa thắp sáng (loại dầu không hôi, có màu vàng)
Bé gái 15 tháng tuổi ở quận Bình Tân, uống nhầm dầu hỏa thắp sáng (loại dầu không hôi, có màu vàng)

Một bé gái 15 tháng tuổi (người dân tộc Ê đê, tạm trú ở quận Bình Tân) đã trải qua cơn thập tử nhất sinh sau khi uống nhầm dầu thắp sáng (có chứa chất paraffin). Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) phải dùng đến kỹ thuật lọc máu màng ngoài cơ thể ECMO mới cứu được bé.

Gia đình cho biết, chiều 7/2 (26 tết), sau khi thắp đèn dầu cho ông Địa, bà nội của bé để chai dầu thắp sáng lên trên bàn thờ nhưng có vặn nắp. Bé gái 15 tháng tuổi có tính hiếu động nên đã chụp lấy và uống hết một nửa lượng dầu trong chai. Các bác sĩ nhận định có thể bé đã uống đến 100ml, một lượng rất lớn chất độc đã vào cơ thể bé.

Nghe con gái nhợn ói, người mẹ chạy vào phát hiện, theo phản xạ tự nhiện, chị móc họng cho con ói. Bé bắt đầu ho, sặc, đừ, thở mệt, môi tái nên được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Các bác sĩ BV Nhi đồng 1 thử áp dụng kỹ thuật ECMO lần đầu tiên và đã cứu được bé
Các bác sĩ BV Nhi Đồng 1 thử áp dụng kỹ thuật ECMO lần đầu tiên và đã cứu được bé

Theo ghi nhận của bác sĩ cấp cứu, bé nhập viện lúc 15 giờ 20 phút ngày 7/2 trong tình trạng đừ, môi tái, nồng độ máu trong oxy SpO2 90% (mức bình thường là 95 – 97%),  thở co kéo, phổi ran ẩm. Ngay lập tức bé được thở oxy, chụp X-quang phổi ghi nhận tình trạng viêm phổi hít. Sau vài giờ nhập viện, bé suy hô hấp nặng dần và được thở NCPAP (thở oxy) nhưng tình trạng không cải thiện, tổn thương phổi lan tỏa 2 bên, tím tái nên bé được đặt nội khí quản thở máy sau 24 giờ nhập viện.

Dù được thở máy với thông số hỗ trợ tối ưu kết hợp với nằm sấp nhưng tình trạng suy hô hấp của bé nặng dần và chắc chắn sẽ tử vong nếu không có biện pháp điều trị nào khác. Ngay lập tức, tối 9/2 (28 tết), các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực đã hội chẩn và quyết định thực hiện ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo) nhằm cải thiện tình trạng suy hô hấp, giúp cho phổi của bé được nghỉ ngơi và có thời gian hồi phục.

PGS.BS Phạm Văn Quang – Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng 1 - nhớ lại: “Đêm 28 tết, chúng tôi cảm thấy như có một phép màu vì chỉ sau 5 phút chạy ECMO, bé gái từ tím tái, hấp hối đã hồng hào trở lại. Trước khi thử phương pháp này, chúng tôi xem thử trong y văn, ghi nhận tỷ lệ thành công đến 70% nên mới dám thực hiện... Dự kiến bé sẽ được xuất viện trong vài ngày tới”.

Đây là lần đầu tiên các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 dùng kỹ thuật ECMO để cứu trẻ em bị ngộ độc xăng dầu. Trước khi có kỹ thuật này, nếu tất cả các phương pháp khác không hiệu quả, trẻ sẽ không cứu được.

Theo lý giải bác sĩ Phạm Văn Quang, khi trẻ uống phải xăng, dầu (trong đó có dầu thắp sáng paraffin), chất hóa học sẽ tác dụng ngay lập tức nếu đi vào phổi. Những chất này nếu vào phổi sẽ phá hủy các phế nang gây xẹp phổi, làm mất chức năng hô hấp. Chính vì vậy, trẻ nhanh chóng tím tái, lừ đừ do không còn oxy cung cấp cho phổi. Tuy nhiên, việc chất độc trong dầu thắp sáng paraffin vào phổi nhanh chóng chính là do kỹ thuật sơ cứu sai.

Trường hợp bé gái 15 tháng tuổi, chính việc dùng tay móc họng để bé ói ra dầu đã khiến bé hít phải lượng lớn lượng dầu vào phổi, từ đó dẫn đến tình trạng viêm phổi hít nặng, không thể cứu sống bằng các phương pháp cũ.

Bác sĩ Quang khẳng định, nếu trẻ uống nhầm xăng, dầu, cha mẹ hay nhân viên y tế không được móc họng cho trẻ ói vì sẽ làm trẻ bị ngộ độc nặng hơn. Cách xử lý tốt nhất là cho trẻ nằm đầu cao, chỗ thoáng để có nhiều oxy, sau đó đưa đến bệnh viện.

Một bé trai 3 tuổi, quận 8 vào ngày 28 tết cũng ngộ độc sau khi uống dầu thắp sáng paraffin. Sự khác biệt là bé trai 3 tuổi không bị móc họng để ói nên đã được cứu sống sau khi cho thở oxy áp lực dương, không cần dùng kỹ thuật ECMO.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI