Bác sĩ kể lại giây phút tiếp nhận 2 chị em bị ngộ độc do ăn pate Minh Chay

01/09/2020 - 16:52

PNO - Từ giữa tháng 7, hai chị em ở Long An đã rơi vào tình trạng ngộ độc nặng sau khi ăn pate Minh Chay.

TS.BS. Nguyễn Văn Hảo – Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tại cuộc họp báo do Trung tâm báo chí TP.HCM tổ chức chiều 1/9
TS.BS Nguyễn Văn Hảo – Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM tại cuộc họp báo do Trung tâm báo chí TPHCM tổ chức chiều 1/9.

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Hảo, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM đã thông tin về 2 nạn nhân bị ngộ độc Botulinum sau khi ăn pate Minh Chay, tại cuộc họp báo do Trung tâm báo chí TPHCM tổ chức chiều 1/9. 

Đáng chú ý, 2 nạn nhân này được đưa vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM từ giữa tháng 7. Tuy nhiên, phải sau vài tuần, các bác sĩ mới phát hiện ra nguyên nhân thật sự, sau khi nghe thông tin về một số ca có triệu chứng tương tự đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Theo đó, vào khoảng giữa tháng 7, một phụ nữ 57 tuổi ở thành phố Tân An, tỉnh Long An được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM. Người phụ nữ này bị sụp mi, nói khó, nuốt khó, nuốt sặc sau đó khó thở, phải thở máy. Nhận định ban đầu của các bác sĩ là bệnh nhân bị bệnh lý do nhiễm trùng thần kinh. Tuy nhiên, các bác sĩ đã phải thay đổi chẩn đoán vì sau đó một ngày, một phụ nữ 54 tuổi – là em ruột của bệnh nhân, cũng vào bệnh viện với triệu chứng tương tự.

Lúc này, các bác sĩ “nghiêng” về tình trạng ngộ độc hơn là bệnh lý vì triệu chứng của hai bệnh nhân rất giống nhau. Tuy nhiên, điều gì gây ra tình trạng ngộ độc này thì vẫn chưa tìm ra. Cùng thời điểm đó, tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo cũng tiếp nhận vài trường hợp có triệu chứng tương tự đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Khi “ráp” những đầu mối thông tin lại, các bác sĩ quyết định truy tìm từ nguồn thức ăn của 2 bệnh nhân. Từ đó, "thủ phạm" bị phát hiện ra là món pate Minh Chay mà cả 2 chị em cùng ăn.

Trong khi người em gái đã cai máy thở sau hơn 1 tháng, người chị vẫn trong tình trạng liệt tay chân, hầu như không nhúc nhích.

Tình trạng này, theo tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo là do độc tố Botulinum của vi khuẩn Clostridium Botulinum typ B đã tấn công vào cơ thể. Tế bào thần kinh bị phá hủy, phải sau khoảng 2 tháng, cơ thể người bệnh mới tái tạo lại được tế bào bị tấn công.

Một số sản phẩm của công ty Lối sống mới bị thu hồi tại TP.HCM, trong đó có loại pate Minh Chay
Một số sản phẩm của Công ty Lối sống mới bị thu hồi tại TPHCM, trong đó có loại pate Minh Chay

Chính vì vậy, theo tiến sĩ Hảo, huyết thanh kháng độc tố Botulinum nếu dùng, chỉ có thể phát huy tác dụng trong vòng 3 ngày sau khi bị ngộ độc. Hiện tại, do tình trạng ngộ độc này quá hiếm gặp ở Việt Nam và ngay cả trong y văn thế giới nên Việt Nam chưa có sẵn huyết thanh giải độc.

Tỷ lệ tử vong khi ngộ độc Botulinum của vi khuẩn Clostridium Botulinum typ B lên đến 20%.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo cảnh báo, loại ngộ độc này có thể không có các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm thông thường như tiêu chảy hay buồn nôn. Người dân cần chú ý tránh sử dụng các sản phẩm của Công ty Lối sống mới đã bị Bộ Y tế cảnh báo, hoặc tránh dùng các thực phẩm đóng hộp với vỏ bị phồng hay móp méo.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI