Bác sĩ hướng dẫn cách dùng cây ô môi làm thuốc

23/10/2020 - 20:11

PNO - Mỗi năm, cây ô môi cho trái một lần và tới năm sau khi cây ra bông (tháng 2 - 3) thì trái ô môi mới chín.

 

Bông ô môi rơi đầy trước ngõ

Bao kỷ niệm về tiềm thức trong tim

Cây bông ô môi (còn gọi là Bọ cạp nước, Bồ cạp nước, Cây cốt khí, Cây quả canhkina, Aac phlê, Krêête, Rich choupu, Brai xiêm, May khoum), tên khoa học Cassia grandis L.f.;  thuộc họ Vang - Caesalpinioideae.

Nhắc đến bông ô môi, nghĩ đến miền Nam

Cây bông ô môi quá đỗi quen thuộc với người dân quê, đặc biệt là ở Nam Bộ. Có lẽ vì vậy mà loại cây này gắn liền với tuổi thơ và kỷ niệm của một thời tươi trẻ. Bông ô môi không những ăn được mà còn làm dược liệu; nhưng hiện nay loại cây này không còn nhiều như trước nữa.

Cây thuộc thân gỗ to, cao 12-15m, vỏ thân nhẵn, cành mọc ngang. Cành non có lông màu gỉ sắt, cành già màu nâu đen. Lá kép lông chim chẵn, gồm đến 12 đôi lá chét. Hoa màu hồng tươi mọc ở nách những lá đã rụng.

Mỗi năm, cây cho trái một lần và tới năm sau khi cây ra bông (tháng 2 - 3) thì trái ô môi mới chín. Trái ô môi hình trụ, cứng màu nâu đen hơi cong, dài tới 50-60cm, có 50-60 ô, mỗi ô chứa 1 hạt dẹt, quanh hạt có lớp cơm màu nâu đen, vị ngọt, mùi hắc. Nhiều nước vùng Nam Mỹ trồng cây để lấy trái.

Trái khi còn non có màu xanh, đến già có màu nâu đen dài khoảng 3 – 4 cm và cong như lưỡi liềm, rất cứng và sần sùi, nham nhám. Khi róc vỏ trái ô môi ra thì có rất nhiều múi mỏng, màu đen, hình tròn và xương múi khá cứng nhưng vẫn nhai được với cơm quả vị chát, ngọt, thơm đặc trưng của ô môi.

Công dụng của trái ô môi

Trái, lá và vỏ cây ô môi đều dùng được. Lá và vỏ thu hái quanh năm, thường dùng tươi.

Riêng trái ô môi phải chọn những trái chín để lấy cơm quả. Trong cơm quả có đường, chất nhầy, tanin, dầu và chất nhựa, trong hạt có chứa chất béo. Trong lá có chất anthraglucozit và flavonozit. Nếu ăn trái ô môi thì có tác dụng nhuận tràng và xổ; trong khi lá sát trùng; vỏ giải độc.

Do đó, người dân thường dùng cây ô môi để điều trị chứng ghẻ ngứa, hắc lào; giúp nhuận tràng, chữa táo bón; điều trị thấp khớp, đau nhức xương khớp và tăng cường chức năng hệ tiêu hóa.

Cách dùng cây ô môi làm thuốc

- Trị lang ben, hắc lào, ghẻ ngứa và nước ăn chân tay: Lấy một nắm đọt lá non cây ô môi đem đâm cho nát rồi cho ít muối và phèn chua vào trộn lên cho đều. Sau đó, đắp trực tiếp hỗn hợp lên chỗ bị lang ben, hắc lào, ghẻ ngứa và nước ăn chân tay. Đắp liên tục 1 tuần sẽ giúp lang ben mờ đi, hết hắc lào, không còn ghẻ ngứa và chỗ bị nước ăn chân tay cũng sẽ lành.

- Tác dụng nhuận tràng: Lấy khoảng 10g đọt non lẫn già của lá ô môi rồi đun với khoảng 1,2 lít nước và uống mỗi ngày 3 lần sau khi ăn. Uống liên tục trong vòng 1 đến 3 tháng tùy theo tình trạng bệnh.

- Nấu thịt trái và hạt (1kg) với 1 lít nước rồi lọc và cô cách thủy đến thành cao thì dùng để làm thuốc chữa đau lưng, nhuận tràng hoặc chữa lỵ, tiêu chảy với liều 5-15g.

- Điều trị đau nhức khớp, giúp tiêu hóa tốt: Lấy 3 – 4 trái ô môi tách ra, lấy phần múi đem ngâm với 1 lít rượu (rượu trên 400). Ngâm khoảng 30 ngày thì dùng, ngày uống 2 lần mỗi lần khoảng 30ml. Uống trong vòng 1 tuần sẽ thấy kết quả tốt cho sức khỏe.

- Vỏ thân kinh nghiệm dân gian dùng đắp lên nơi rắn cắn và bọ cạp cắn.

Bông ô môi còn đây bao nỗi nhớ
Với cơn mưa chiều se buốt lạnh hồn tôi.

Bác sĩ CK2 Huỳnh Tấn Vũ

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI