Bác sĩ “giải oan” cho cô gái bị nói tâm thần, "ma ám"

05/11/2024 - 13:25

PNO - Hơn 20 năm, cô gái ngoài đôi mươi bị mọi người cho rằng mắc bệnh tâm thần, “ma ám” khiến cuộc sống đi vào bế tắc, cho đến khi gặp bác sĩ.

Đó là lời tâm sự của bà Huỳnh Thị Kim Tiến, mẹ của bệnh nhân N.H.M.T. (24 tuổi, ở Nha Trang) khi T. được các bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM điều trị thành công căn bệnh Wilson – một căn bệnh về gene hiếm gặp.

Theo bà Tiến, từ bé, T. đã có nhiều dấu hiệu của bệnh tăng động, không tự chủ. Thương con, bà Tiến vẫn cho em đi học như những đứa trẻ cùng xóm, cho đến khi T. lên lớp 6, em không thể tập trung, học hành sa sút, thường than đau đầu, mệt mỏi.

Bà Tiến đưa con đến bệnh viện địa phương thăm khám, T. được chẩn đoán thiểu năng trí tuệ, chậm phát triển tâm thần. Từ đó, em bị mọi người trêu chọc nên nghỉ học, thường ngồi im lặng trong nhà.

Bà Tiến đưa con đi trừ tà vì nghĩ chị T. bị ma ám - Ảnh Phạm An
Bà Tiến đưa con đi "trừ tà" vì nghĩ chị T. bị "ma ám" - Ảnh Phạm An

“Điều trị cho con nhiều năm không hết, nên tôi cũng nghĩ con gái có vấn đề tâm linh, đưa đến thầy lang, thầy pháp nhưng vẫn không khá hơn”, bà Tiến nói.

Gia đình càng đưa con đi chữa trị, tình trạng chị T. càng nặng thêm, cho đến khi người bệnh chỉ nằm yên, không tự ngồi hay đi đứng được, nuốt khó, gầy guộc, ít nói,… bà Tiến mới đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cứu chữa.

Tiếp nhận chị T. trong tình trạng gần như kiệt quệ về thể xác, tinh thần không tỉnh táo, không tiếp xúc được, cùng nhiều rối loạn về thần kinh,… qua thăm khám bệnh sử, chị T. chưa từng bị chấn thương đầu, không có tiền căn bệnh về não. Qua các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, chụp MRI não bác sĩ phát hiện chị bị tăng tín hiệu vùng nhân bèo, đối xứng 2 bên, ngưng tụ chất đồng,… bác sĩ nghi ngờ chị mắc bệnh Wilson nên thực hiện thêm xét nghiệm di truyền, ghi nhận chị Wilson do đột biến gen, chẩn đoán bệnh Wilson thể gan, thần kinh.

Bác sĩ Phước thăm khám lại cho chị T. trước khi chị được xuất viện về nhà - Ảnh Văn Đạt
Bác sĩ Phước thăm khám lại cho chị T. trước khi chị được xuất viện về nhà - Ảnh Văn Đạt

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Hữu Phước, Phó khoa Viêm Gan, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cho biết do triệu chứng của bệnh Wilson liên tục thay đổi như tăng men gan kéo dài chưa rõ nguyên nhân, nếu bệnh nhân bị tích tụ đồng trong mô gây tổn thương đa cơ quan nếu lắng động đồng trong não gây rối loạn vận động, rối loạn trương lực cơ, run, khó nuốt, rối loạn tâm thần,… Ngoài ra người bệnh có thể thiếu máu tán huyết, rối loạn kinh nguyệt,.. nếu không điều trị kịp, bệnh nhân có nguy cơ tử vong.

Sau khi được chẩn đoán đúng bệnh, bác sĩ đã lên kế hoạch, tích cực điều trị suốt 1 năm, hiện tại chị T. đã dần hồi phục. Chị đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt, hết sặc nghẹn, nói chuyện rõ ràng, rành mạch, đi lại được, đã hết các dấu hiệu về tâm thần, “ma ám”, sinh hoạt trở lại bình thường,…

“Sau khi được “giải oan”, chất lượng sống của chị T. đã được nâng lên, chị hòa nhập cùng gia đình, người thân. Việc uống thuốc an thần trong thời gian dài không làm khó khăn trong quá trình điều trị. Chị T. có thể xuất viện về nhà, để kiểm soát bệnh, chúng tôi đã cho chị uống thuốc có hàm lượng kẽm cao, năng tích tụ đồng, người bệnh cần tái khám đúng theo lịch hẹn trong giai đoạn đầu”, bác sĩ Phước nói.

Bà Tiến nói: Có bệnh thì vái tứ phương, hơn 20 năm nay tôi đưa con tôi đi rất nhiều bệnh viện, kể cả thầy lang, thầy pháp - Ảnh Phạm An
Bà Tiến nói: "Có bệnh thì vái tứ phương, hơn 20 năm nay tôi đưa con tôi đi rất nhiều bệnh viện, kể cả thầy lang, thầy pháp" - Ảnh: Phạm An

Bác sĩ Phước khuyến cáo, bệnh Wilson thường có biểu hiện lâm sàng sớm, tuổi trung bình gặp các triệu chứng về gan, mật là 12 tuổi. Thêm phần, nếu người trẻ có các rối loạn về tâm thần, vận động, men gan tăng nhanh,… mà không rõ nguyên nhân, nên nghĩ đến bệnh Wilson và đi khám, tầm soát, điều trị sớm, tránh các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI