Bác sĩ giả - tác hại thật đối với với bệnh nhân

08/12/2017 - 16:06

PNO - Việc giả làm bác sĩ có thể mang lại các tác hại ghê gớm cho bệnh nhân, cho uy tín của cơ sở y tế mà họ làm việc, và ảnh hưởng đến niềm tin của người bệnh vào ngành y.

Hồi tôi còn sinh viên, chúng tôi hay đi trực đêm tại phòng cấp cứu của bệnh viện. Thường thì sau một thời gian, mỗi đứa đều được một hay hai đàn anh "chấm", và sẽ theo các anh học chuyên khoa.

Bac si gia - tac hai that doi voi voi benh nhan
Bác sĩ Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM đang điều trị cho bệnh nhân

Tuy nhiên, ngay tại cấp cứu thì rất ít khi chúng tôi gặp được bác sĩ trưởng khoa. Vì ông chỉ làm việc giờ hành chính, còn chúng tôi lại chỉ đi trực ban đêm. Duy chỉ có một trường hợp, được bác sĩ trưởng khoa cấp cứu "chấm". Đó là vì bạn ấy thường chỉ đi phòng cấp cứu ban ngày mà không trực đêm như các bạn khác.

Sau vài lần "đụng độ" giữa chúng tôi và bạn hay trực ban ngày ấy, thì lộ ra một điều, không ai biết bạn ấy học lớp nào cả. Cuối cùng, chúng tôi xác định, bạn này là sinh viên giả. Cũng may mà bạn ấy chưa tỏ ra trình gì cao lắm, nên đàn anh chưa cho làm gì trên bệnh nhân.

Khi chúng tôi ra trường, một số bạn được phân công công tác về một khoa của một bệnh viện. Các bạn than về ông trưởng khoa của mình, rằng ông ấy dốt quá mức. Nhưng đó là một bác sĩ quân y chế độ cũ, tốt nghiệp y khoa ở Pháp. Phòng mạch của ông ấy thuộc hàng đắt khách nhất ở thành phố. Ông này có chiêu dùng corticoid cho mọi loại bệnh.

Không những phòng mạch đông, mà ông ta còn theo học khóa chuyên khoa cấp II và lấy được bằng chuyên khoa cấp II. Vì vậy mà tất cả các ý kiến của các bác sĩ, trong đó có các bạn tôi, nghi ngờ ông này là bác sĩ giả đều bị bỏ qua. Mãi đến sau này, ông ta bị xác định là bác sĩ giả, bị mất chức, và bị đuổi việc.

Có một bệnh viện thuộc hạng hàng đầu, ngay tại một khoa đầu sóng ngọn gió, tồn tại 1 bác sĩ giả hàng chục năm, mà không ai phát hiện. Chỉ đến khi anh ta xích mích với vợ, và khi cô vợ tố cáo, mọi sự mới vỡ lở.

Bac si gia - tac hai that doi voi voi benh nhan
Quyết định hủy chứng nhận khóa học của bác sĩ giả Trần Đức Nghĩa

Mới đây, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM đã ra quyết định thu hồi và hủy giấy chứng nhận hoàn thành khóa học chuyên khoa cơ bản đối với "bác sĩ" Trần Đức Nghĩa, sinh năm 1988, sử dụng bằng bác sĩ giả của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, tham gia khóa học của bệnh viện.

Trên thực tế, chất lượng bác sĩ của chúng ta không đồng đều, công việc của các bác sĩ đa phần là độc lập. Ngay cả khi hội chẩn hay bàn bạc, thường thì các bậc đàn anh hay người giỏi phát biểu, những người khác không bị bắt buộc có ý kiến. Từ đó, một số bác sĩ giả dễ "giấu mình", khó bị phát hiện là giả mạo, mà thường bị cho là yếu kém.

Chỉ khi nào các bác sĩ ấy leo lên vị trí cao, thường bị bắt buộc đưa ra ý kiến với các trường hợp khó, thì trình độ thực mới bị bộc lộ. Những lúc đó, người thầy thuốc cần thể hiện nền tảng kiến thức cơ bản lẫn kiến thức và khả năng lý luận chuyên sâu. Khó ai có thể học lỏm được những kiến thức đó.

Việc giả làm bác sĩ có thể mang lại các tác hại ghê gớm cho bệnh nhân, cho uy tín của cơ sở y tế mà họ làm việc, và ảnh hưởng đến niềm tin của người bệnh vào ngành y. Tuy nhiên, hiện nay, những trường hợp bị phát hiện giả mạo là bác sĩ, thường mới chỉ bị mất chức và đuổi việc.

Bac si gia - tac hai that doi voi voi benh nhan
Đại diện trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết không có nhân viên nào tên Trần Đức Nghĩa

Tôi vẫn thường thắc mắc, tại sao không truy tố tội giả mạo. Có người cho rằng, nếu muốn truy tố thì phải chứng minh thiệt hại. Trong trường hợp này, có cần bắt buộc phải chứng minh thiệt hại bằng cách xác định cụ thể bao nhiêu phần trăm sức khỏe của những người bệnh cụ thể bị mất đi hay không?

Nếu quan niệm ngành y là ngành đặc biệt, vì liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người, thì cần có những hành vi chế tài mạnh mẽ hơn với việc sử dụng bằng giả để hành nghề y.

Song song đó, ngành y cần phải có một quy trình có đủ độ tin cậy để đánh giá năng lực của các bác sĩ, điều dưỡng, từ đó có thể nhanh chóng phát hiện các trường hợp giả mạo.

Tiến sĩ - bác sĩ Võ Xuân Sơn
(Phòng khám Exson)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI