PNO - Tại TP.HCM, hoạt động của mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) ở các trạm y tế (TYT) đang hụt hơi, trong khi các phòng khám tư lại chưa mặn mà với mô hình này. Hiện, BSGĐ đang bị hiểu sai thành “BS nhảy dù”, “BS alô”.
Sáng 9/8, vợ chồng ông V.V.C. (74 tuổi) cùng đến TYT phường Bình Trưng Tây (Q.2) gặp BSGĐ để tư vấn định kỳ bệnh cao huyết áp, xương khớp. Ông C. kể: “Dù có thẻ BHYT nhưng mỗi tháng, vợ chồng tôi đều bỏ ra 30.000đ/người để được gặp BS Trần Thị Thùy, người phụ trách phòng khám BSGĐ của trạm, mới thấy yên tâm. Ở đây, người bệnh được lựa chọn BS quen thuộc vì BS đó nắm rõ bệnh của từng người. Người bệnh có hỏi nhiều thì BS vẫ n lắng nghe và tư vấn thấu đáo”.
Ngồi kế bên, bà N.T.T. (60 tuổi), một trong những bệnh nhân (BN) “ăn dầm nằm dề” tại TYT phường Bình Trưng Tây, tỏ vẻ đồng tình: “Tính tôi hay lo, lúc nào cũng cảm thấy trong người có nhiều bệnh. Chỉ cần thấy hơi khó thở hay đầy hơi là tôi lật đật đến gặp BSGĐ. Đến bệnh viện thì quá đông, chờ đợi lâu, BS lại khám vội vàng. Tôi từng đến bệnh viện cho an tâm nhưng nhân viên y tế nói tôi bị “bệnh tưởng”, nghe như bị giễu cợt, nên tôi tìm đến BSGĐ”.
BS Trần Thị Thùy cho biết, kể từ khi triển khai phòng khám BSGĐ (năm 2013) đến nay, số lượng BN đến trạm bắt đầu tăng nhẹ. BN chưa hiểu BSGĐ là gì, chỉ thấy bệnh là đến khám vì được BS khám tỉ mỉ, lắng nghe và trò chuyện. Mặt khác, người bệnh được lựa chọn BS khám bệnh. “Để thu hút BN đến với phòng khám BSGĐ, chúng tôi đã hạ giá khám từ 60.000đ/lượt do Sở Y tế quy định xuống còn 30.000đ. Thậm chí, gặp những trường hợp quá nghèo, nhất là những người mắc các bệnh như HIV, bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng khám còn miễn phí. Nhờ vậy, trạm có gần 50% BN trở thành khách hàng thân quen và luôn quay lại mỗi khi bị bệnh”.
BSGĐ ở Trạm y tế P.9, Q.10 đang khám cho bệnh nhân
TYT phường Bình Trưng Tây là nơi có số lượng BN đến khám BSGĐ vào loại nhiều nhất trên địa bàn quận 2. Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2016, trạm này có hơn 1.100 người đến khám, trong khi ba TYT có triển khai dịch vụ BSGĐ còn lại (gồm TYT An Phú, Bình Trưng Đông, Thảo Điền có chưa đến 100 người). Thế nhưng, theo BS Trần Thị Thùy, mô hình BSGĐ hiện nay chỉ mới thu hút được người nghèo, chứ không hấp dẫn với người có thu nhập khá trở lên. Bản thân các TYT quá ít máy móc, thiết bị nên người bệnh có thu nhập cao không muốn đến, vì họ thấy mất thời gian khi BSGĐ chỉ tư vấn thông thường, làm vài xét nghiệm đơn giản. Hơn nữa, BSGĐ ở trạm còn kiêm nhiệm quá nhiều công việc, từ công tác khám chữa bệnh phụ khoa, chích ngừa, đến chống dịch… không có thời gian nâng cao kiến thức.
Tương tự, BS Nguyễn Thị Kim Oanh, Trưởng TYT P.9, Q.10 chia sẻ, trước khi mô hình BSGĐ được triển khai thì TYT phường 9 đã chăm sóc cho bốn, năm hộ gia đình theo cách thức này. Tuy nhiên, từ nhận thức của người bệnh đến cả chính sách thực hiện mô hình này còn nhiều lỗ hổng. Hầu hết người dân nghĩ BSGĐ là BS riêng cho mỗi gia đình, khi có bệnh thì gọi BS đến nhà khám. Ngay cả ngành y tế cũng triển khai chưa đúng bản chất như tên gọi BSGĐ. Hiện các trạm mới khám được cho người có bệnh, còn người không có bệnh vẫn chưa chịu đến tư vấn, phòng ngừa như mô hình này ở các nước phát triển.
Mặt khác, Việt Nam chưa có quy định trẻ sau khi sinh ra tại các bệnh viện phụ sản thì được giao về cho các TYT phường quản lý thông tin. Nếu BSGĐ được theo dõi sức khỏe của trẻ ngay từ lúc sinh ra đến tuổi dậy thì, thì sau này BS dễ cảnh báo được những bệnh mà trẻ đó có nguy cơ mắc phải, loại thức ăn trẻ bị dị ứng, thậm chí nhắc lịch chích ngừa cho trẻ, loại vắc-xin nào, đồng thời theo dõi các bệnh di truyền trong gia đình để đưa ra những dự báo sớm hơn về bệnh trong tương lai.
Ông Nguyễn Hữu Th. (74 tuổi), một trong những BN quen thuộc của TYT phường 9 đồng tình: “BSGĐ giống như người thân trong nhà nên họ nắm rõ bệnh tình của mỗi thành viên gia đình. Do đó, vợ chồng tôi, cho đến con dâu, cháu nội… đều đến TYT để BS tư vấn kỹ hơn. Tôi thấy BSGĐ nắm kỹ chuyên môn không thua BS ở bệnh viện, nên khám ở trạm cho nhanh và gần nhà cho tiện”.
Đầu tư dàn trải, thụ động
Phó giáo sư - tiến sĩ - BS Nguyễn Thanh Hiệp, Phó hiệu trưởng, Trưởng bộ môn Y học gia đình, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch phân tích: “Việt Nam may mắn có hệ thống TYT phường/xã rất gần với dân nên thuận lợi để triển khai mô hình BSGĐ. Thế nhưng, hiện nay chúng ta đầu tư dàn trải, còn chạy theo thành tích; TYT nào cũng có đầy đủ máy siêu âm, X-quang, đo điện tim… nên các TYT có mô hình BSGĐ không được đầu tư đầy đủ. Nếu các TYT có BSGĐ cũng như các TYT bình thường, sẽ dễ dẫn đến thất bại. Theo tôi, mỗi quận/huyện chỉ cần chọn một TYT triển khai mô hình BSGĐ nhưng phải phát triển TYT đó giống như một phòng khám đa khoa, BS chỉ chuyên về dịch vụ BSGĐ mà không phải lo công tác dập dịch thì mô hình này mới thành công”.
TP.HCM hiện có khoảng 17.000 phòng mạch tư. Dự kiến vào năm 2017, Sở Y tế TP.HCM sẽ khuyến khích các phòng mạch tư tham gia mô hình BSGĐ vì đây cũng là các cơ sở y tế mà người bệnh lui tới thường xuyên. Thế nhưng nhiều phòng mạch không mặn mà với mô hình này. BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 1 - cho rằng, BS phòng mạch tư sẽ khó tham gia vì họ sợ bị ràng buộc các thủ tục hành chính rườm rà, đặc biệt là những BS đã có “thương hiệu”, có lượng BN đông.
Nếu tham gia vào mô hình này, họ phải thường xuyên báo cáo lên các cơ quan quản lý, vừa mất thì giờ, lại còn “lộ” tổng thu nhập từ việc khám bệnh. Chưa kể, việc khám bệnh của họ còn đi kèm bán thuốc, trong khi BSGĐ phải theo nguyên tắc chỉ được khám bệnh. Do đó, tốt nhất là để BS tự nguyện tham gia, rồi mới nhân rộng mô hình này”.
Theo BS Nguyễn Thanh Hiệp, mô hình BSGĐ giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm tải ở các bệnh viện tuyến trên. BSGĐ phải nắm thông tin người bệnh lúc chuyển viện và nhận phản hồi từ bệnh viện đã được chuyển lên. BSGĐ phải có nền kiến thức của một BS đa khoa, sau đó học tiếp sau đại học chuyên ngành gia đình - quản lý bệnh đa khoa, mới được hành nghề. BSGĐ là người đầu tiên tiếp xúc với người bệnh, có nhiệm vụ gọi điện, hỏi thăm, nhắc nhở cả người bệnh lẫn người chưa bị bệnh nằm trong khu dân cư mà mình được phân công quản lý, nhắc họ đến khám tầm soát, phòng bệnh và đồng hành cùng người đó đến lúc “nhắm mắt xuôi tay”.
Ngoài ra, trong một năm, BSGĐ sẽ chủ động xuống tận nhà “khách hàng” ít nhất một lần xem xét thói quen sinh hoạt, cách nấu ăn, lựa chọn thực phẩm, áp lực cuộc sống… để tư vấn, khuyến cáo phòng bệnh. Thế nhưng, người dân ngộ nhận BSGĐ là BS đến tận nhà bệnh nhân phục vụ cho người bệnh. Thực ra, đó là “BS nhảy dù”, “BS alô” chứ không phải BSGĐ; họ chỉ đến nhà người bệnh khi BN gặp khó khăn trong vận chuyển như tai biến, hôn mê…