Bác sĩ gia đình được hồi sinh?

05/05/2020 - 06:07

PNO - Mùa dịch, nhiều người bệnh ngại đến bệnh viện, đặc biệt là người già vì sợ lây nhiễm bệnh, nên khi bệnh không nghiêm trọng, họ chọn cách mời bác sĩ đến nhà khám, hoặc chọn dịch vụ khám bệnh online… Đây chính là cơ hội cho mô hình khám chữa bệnh tại nhà, bác sĩ gia đình phát triển.

“Tôi đã có bác sĩ riêng”

Khám chữa bệnh tại nhà được nhiều bệnh nhân lựa chọn trong mùa dịch Ảnh: Phạm An
Khám chữa bệnh tại nhà được nhiều bệnh nhân lựa chọn trong mùa dịch Ảnh: Phạm An

Đó là câu trả lời đầy vẻ hài lòng của bà Nguyễn Thị D. (ở P.Bình Trưng Tây, Q.2, TP.HCM) mỗi khi có người hỏi thăm bệnh tình. Bà D. bị bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, đau khớp lâu năm không đi đứng được. Hơn hai năm nay, cuộc đời của bà gắn với chiếc giường tại nhà và giường bệnh viện (BV). Gần đây, vết thương ở mông lại bị lở nhưng bà sợ đến BV trong mùa dịch. Cháu của bà D. đã gọi điện thoại đến Đơn vị khám bệnh tại nhà của BV Quận 2. Chừng 30 phút sau, nhân viên BV gọi lại thông báo buổi chiều sẽ có bác sĩ (BS) đến khám. 

Đến khám cho bà D. là phó giáo sư - tiến sĩ - BS Cao Văn Thịnh, giảng viên Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, phụ trách Đơn vị khám bệnh tại nhà BV Quận 2. Nhờ khám bệnh tại nhà, BS Thịnh có nhiều thời gian hỏi thăm bệnh, thói quen ăn uống, sinh hoạt của bà D. Quan sát bà D. nằm trên giường bệnh, BS Thịnh phát hiện kiểu nằm bất động và vùng lưng, mông, chân in chặt trên nệm không thông thoáng nên dễ gây lở loét. Sau khi điều dưỡng rửa vết thương của bà D., BS Thịnh đã chỉ dẫn người nhà cách chăm sóc cho người bệnh, đặc biệt là cách kê gối ở vùng thắt lưng cho bà D. Sau lần khám này, vết loét của bà D. đã khô và đến nay vết loét không còn tái lại. 

Còn ông Nguyễn Minh T. (ở P.Linh Trung, Q.Thủ Đức) nhờ các BS tư vấn của BV đa khoa Quận Thủ Đức mà ông vào BV kịp giờ vàng của cơn đột quỵ. Trước đó, ông T. bị những cơn đau thắt ngực làm ông không ngủ được. Ông muốn đi BV, nhưng thấy cách ly nên cũng ngại. Qua hôm sau, cơn đau ngực tăng dần nên ông gọi điện thoại đến BV đa khoa Quận Thủ Đức nhờ tư vấn. Sau khi nghe ông T. kể, BS nghi ông đang có dấu hiệu của đột quỵ nên khuyên ông vào BV ngay. Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy, ông T. bị đột quỵ. Các BS đã can thiệp kịp thời nên ông T. may mắn thoát hiểm trong gang tấc.

Cung cầu gặp nhau

Bác sĩ khám bệnh tại nhà cho bệnh nhân. Ảnh: Phạm An.
Bác sĩ khám bệnh tại nhà cho bệnh nhân. Ảnh: Phạm An.

Trước nay, người dân chỉ quen với mô hình khám chữa bệnh tại BV. Nhưng đại dịch COVID-19 đang thay đổi phần nào thói quen, tư duy khám chữa bệnh này. Theo BV Quận 2, BV đa khoa Quận Thủ Đức - những đơn vị mạnh về dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà thì trong mùa dịch, lượng bệnh nhân gọi đến xin tư vấn và đặt dịch vụ khám bệnh tại nhà tăng đáng kể. BS Thịnh cho biết: “Hoạt động của chúng tôi là mô hình phục vụ, chỉ thu phí hỗ trợ 200.000 đồng/lần khám. Ngoài ưu điểm người bệnh không phải đến BV, khi BS đến nhà còn quan sát được sinh hoạt của người bệnh, hỗ trợ rất nhiều cho việc điều trị”.

Cũng vì sự tiện lợi trên, tại các trạm y tế phường xã, mô hình này cũng thu hút nhiều người dân. Bà Đào Thị Kiều Vân, Trưởng trạm Y tế P.1, Q.6, chia sẻ: “Trong thời gian cách ly xã hội, nhiều bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh mạn tính ngại đến BV nên đã gọi điện đến trạm và BS đã đến nhà khám cho người dân. Bà con rất yên tâm vì không phải đến BV mà còn được BS tư vấn tỉ mỉ”.

BS Thịnh cũng cho biết, qua mùa dịch này, có thể người dân sẽ có ít nhiều sự thay đổi trong thói quen khám chữa bệnh. Trực tiếp đến BV khám bệnh có lẽ không còn là sự lựa chọn duy nhất như bấy lâu, mà khám chữa bệnh tại nhà, BS gia đình sẽ được bệnh nhân quan tâm hơn. Đồng tình quan điểm này, phó giáo sư - tiến sĩ - BS Nguyễn Thanh Hiệp, Phó hiệu trưởng Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho rằng, đây là cơ hội của mô hình khám chữa bệnh tại nhà và BS gia đình. 

BS Nguyễn Thanh Hiệp nhấn mạnh: “BS gia đình được triển khai nhằm mục đích chăm sóc sức khỏe cho từng hộ bệnh nhân một cách toàn diện, liên tục và mang tính cộng đồng cao... BS gia đình sẽ là người chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Do đó, khi mô hình BS gia đình hoàn thiện, người dân sẽ dễ dàng sử dụng các dịch vụ BS gia đình khi có nhu cầu”.

BS Hiệp cũng cho biết thêm, khi mô hình BS gia đình hoàn thiện, hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, có nghĩa là ngoài việc được BS khám, chữa bệnh, người dân được hướng dẫn cách phòng bệnh và quan trọng hơn là được chăm sóc liên tục trong suốt cuộc đời vì hồ sơ sức khỏe được lưu tại trạm. Trong tương lai, khi công nghệ phát triển, người dân có thể tự bổ sung bệnh sử của mình để BS biết rõ bệnh, nhất là về các bệnh lý mạn tính không lây như cao huyết áp, tiểu đường... Khi đó, chỉ cần một cuộc gọi của bệnh nhân khai báo bệnh, các BS gia đình đã nắm rõ bệnh sử và tư vấn, điều trị thuận lợi hơn.

Trước đây, khi nói đến khám chữa bệnh tại nhà hay BS gia đình, nhiều người rất mơ hồ và hoài nghi. Nhưng trong mùa dịch này, đã có nhiều bệnh nhân như bà D., ông T... trải nghiệm và hài lòng. Dù cần lộ trình dài để hoàn thiện, nhưng đây là hướng đi phù hợp với xu thế chung trên thế giới trong chăm sóc sức khỏe người dân. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI