Bác sĩ gây tê nói gì khi sản phụ liệt nửa người sau sinh?

20/01/2021 - 18:13

PNO - Sau sinh mổ, sản phụ bị liệt nửa người bên trái, phải tập vật lý trị liệu nhưng hơn 2 tháng, tình trạng vẫn không cải thiện.

 

Chị T. đang tập vật lý trị liệu. Ảnh: Facebook bệnh nhân T.
Chị T. đăng lên Facebook hình ảnh chị đang tập vật lý trị liệu. 

Sản phụ khai dị ứng thuốc tê sao vẫn gây tê?

Sản phụ N.T.T.T. (29 tuổi, quê Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) kể lại, vào ngày 2/11/2020, vợ chồng chị có đến Bệnh viện Phụ sản Mêkông (gọi tắt Bệnh viện Mêkông, địa chỉ 243A - 243B đường Hoàng Văn Thụ, phường 1, quận Tân Bình, TPHCM) để nhập viện sinh con. Lúc này, chị yêu cầu mổ lấy thai do thai lớn, đồng thời thông báo cho bệnh viện biết mình đang bị tiểu đường thai kỳ, tiền sử dị ứng thuốc tê, xương chậu hẹp.

Sau khi hoàn tất các thủ tục nhập viện, vợ chồng chị được đưa đi nhận phòng để lưu trú chờ sinh tại bệnh viện. Tại đây, nữ hộ sinh có đến hỏi tình trạng của chị T. như thế nào. Sau khi chị thông báo là mình từng bị dị ứng thuốc tê trước đó nên đã được nữ hộ sinh dán sticker lưu ý từng bị dị ứng thuốc tê.

Sau đó, thai phụ được đưa lên phòng tiền phẫu. Tại đây, chị T. một lần nữa cho biết mình có tiền sử 2 lần bị dị ứng thuốc tê khi mổ chân và nhổ răng nên đã yêu cầu gây mê.

Sau khi êkip tiến hành hội chẩn tiền phẫu, chị T. được thông báo bác sĩ sẽ gây mê để mổ lấy thai. Tuy nhiên, khi vào phòng mổ, bác sĩ L.Q.H. thực hiện gây mê trong phòng mổ đã tự ý đổi từ phương án gây mê sang gây tê, bỏ qua tiền sử dị ứng thuốc tê của bệnh nhân, bỏ qua kết quả hội chẩn tiền phẫu.

Sau khi tiêm thuốc tê vào tủy sống, chị T. cho biết mình bị co giật mạnh, nôn mửa. Sản phụ hạ sinh bé gái nặng 3,7 kg. Sinh con được 2 tiếng đồng hồ, chị T. tiếp tục nôn ói. Sau ca phẫu thuật mổ lấy thai, sản phụ được đưa ra phòng hồi sức và phát hiện mình bị liệt nửa người bên trái, hoàn toàn không cử động được. Các bác sĩ có gọi chồng chị T. đến để báo về tình trạng hậu phẫu của chị T.  nhưng không đề cập đến vấn đề tự ý gây tê làm biến chứng nghiêm trọng.

Sau đó, Bệnh viện Mêkông nghĩ đến khả năng chị bị phản ứng thuốc tê nên hội chẩn với Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Sản phụ T. được chuyển sang  Bệnh viện Nhân dân Gia Định vào lúc 19 giờ 56 phút ngày 2/11/2020 và tới 16 giờ ngày 4/11/2020 thì xuất viện. Bác sĩ khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định chẩn đoán sản phụ bị liệt nửa người bên trái có hồi phục. Phương pháp điều trị nội khoa, tái khám ngay khi bị mệt nhiều.

Đến ngày 17/11/2020, trong phiếu theo dõi vật lý trị liệu của Bệnh viện Mêkông ghi nhận về tình trạng sức khỏe chị T. như sau: “Lực cơ tay và chân yếu”, “Điều hợp mắt tay, 2 tay kém”, “Giảm cảm thụ bản thể”; “Mất cảm giác”... nên sản phụ được lên phương án tập luyện trong tư thế nằm. Kỹ thuật vật lý trị liệu áp dụng cho chị T. gồm các bài tập chức năng sử dụng 2 tay với đồ vật; tập chức năng bàn tay yếu, tập bàn tay, huấn luyện lại cảm giác.

Chị T. bức xúc vì cho biết mình có tiền sử dị ứng với thuốc tê nên trước khi sinh đã đề nghị bệnh viện được gây mê. Tuy nhiên, bác sĩ gây mê đã bỏ qua yêu cầu của chị, vẫn tiếp tục gây tê. 

Bác sĩ gây tê nói gì?

Chồng sản phụ T. phản ảnh: "Trong quá trình 49 ngày nằm tại Bệnh viện Mêkông (4/11/2020 – 21/12/2020), vợ tôi được đưa đi tiến hành nhiều phương pháp như: siêu âm, chụp X-Quang, MRI, đo điện cơ... tại Bệnh viện Nhân dân 115, các kết quả trà về đều bình thường. Gia đình tôi có để cập đến nguyên nhân có phải vợ tôi bị như vậy là do dị ứng thuốc tê hay không? Nhưng các bác sĩ từ chối trả lời câu hỏi của tôi. Đến nay, vợ tôi vẫn phải đối mặt với việc không điều khiển được nửa người bên trái, cũng như sang chấn tâm lý, mất ngủ hoảng loạn hàng đêm".

Bác sĩ L.Q.H. – người trực tiếp gây tê cho chị T. khi gặp gỡ gia đình vào ngày 20/11/2020 đã gửi lời xin lỗi và trình bày như sau: “Tôi có xem tiền căn của chị T., tôi cũng rất băn khoăn trong việc chọn lựa phương pháp. Do gây mê sẽ ảnh hưởng thuốc đến em bé nên tôi tiến hành kiểm tra thuốc tê, không phát hiện vấn đề gì.

Do đó, tôi quyết định phương pháp gây tê. Sau khi gây tê, bệnh nhân bị nôn ói chứ không nổi ban nên không phải dị ứng thuốc tê. Sau mổ lấy thai, tôi có tiếp xúc T., thấy phản ứng tốt và hội chẩn chuyển sang Bệnh viện Nhân dân Gia Định”.

Đại diện Bệnh viện Phụ sản Mêkông cho biết bác sĩ H. sau ca tai biến đã xin nghỉ việc.

Chiều 20/1, trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, bác sĩ Lê Minh Nguyệt – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Phụ sản Mêkông cho biết: “Câu chuyện của bệnh nhân T. là một trong những tai biến y khoa. Bệnh nhân có thông báo 2 lần mình bị dị ứng với thuốc tê. Tuy nhiên, bác sĩ H. – người chịu trách nhiệm gây mê – hồi sức cho chị T.  lại nhận định khác.

Xuất phát từ một lần chị T. bị liệt nửa người thoáng qua lúc mang thai 30 tuần, bác sĩ H. cho kiểm tra dị ứng nhưng không phát hiện dị ứng thuốc tê nên vẫn chỉ định gây tê cho sản phụ. Đây là do phán đoán không đúng của bác sĩ. Bệnh viện xin nhận lỗi với người bệnh. Cái còn lại là tích cực hỗ trợ cho người bệnh. Bệnh viện không trốn tránh trách nhiệm, cũng đã báo cáo sự việc cho Sở Y tế TPHCM. Bác sĩ H. cũng đã nhận lỗi của mình khi thay đổi thuốc từ gây mê sang gây tê”.

Đại diện Bệnh viện Phụ sản Mêkông cho rằng đây là lần đầu tiên bệnh viện gặp trường hợp bác sĩ trong phòng mổ thay đổi chỉ định phương pháp vô cảm khác với chỉ định của bác sĩ tiền mê. 

Tuy nhiên về nguyên nhân chính xác khiến sản phụ bị tai biến thì theo bác sĩ Nguyệt vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân. Phán đoán ban đầu là bệnh nhân phản ứng với thuốc tê nhưng các bệnh viện tới nay vẫn không biết chính xác lý do. Bác sĩ tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định cũng không phát hiện tổn thương não, tổn thương cơ. Trước đó, chị T. có tiền sử trầm cảm. Trong thời gian nằm tại Bệnh viện Phụ sản Mêkông, chị T. có triệu chứng ảo thanh và sau khi điều trị đã không còn triệu chứng này.

Hội đồng chuyên môn của Bệnh viện Phụ sản Mêkông họp về trường hợp chị T. vào ngày 24/11/2020 đưa ra các kết luận: “Phương pháp gây tê tủy sống cho sản phụ là chưa phù hợp. Tình trạng yếu nửa người chưa tìm được nguyên nhân thực thể. 

Hiện chưa có bằng chứng tác dụng phụ của thuốc tê gây yếu nửa người. Người bệnh bị rối loạn trầm cảm có loạn thần điều trị không liên tục. Đây là trường hợp khó khai thác tiền sử làm bác sĩ gây mê khó khăn trong việc quyết định phương pháp vô cảm. Bệnh viện đã mời hội chẩn các chuyên gia nội thần  kinh, tâm thần, vật lý trị liệu đưa ra nhận định không phát hiện tổn thương thực thể về não, tiếp tục điều trị thuốc chống loạn thần, tập vật lý trị liệu”.

Bệnh viện Phụ sản Mêkông cam kết không bỏ rơi bệnh nhân T., sẵn sàng hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình hồi phục. Bệnh viện cũng nhận lỗi đã chậm trễ cung cấp tóm tắt bệnh án cho chị T.  

Đại diện BV phụ sản Mekong trả lời báo chí chiều 20/1/2021 về trường hợp chị T.
Đại diện BV phụ sản Mêkông trả lời báo chí chiều 20/1/2021 về trường hợp chị T.


Hiếu Nguyễn

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI