Bác sĩ dùng ‘tất cả công lực’ đóng cửa tử đưa bé gái trở về

26/07/2019 - 15:00

PNO - Tiếp nhận bé T. trong tình trạng sốt cao, lơ mơ, tay chân lạnh, gần như ngưng tim ngưng thở nghi do viêm cơ tim tối cấp, bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 huy động tất cả nhân lực, thuốc, máy móc hồi sức tích cực.

Bác sĩ Nguyễn Trí Hào – Phó khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - nhớ lại: Lúc đó khoảng 9 giờ tối 17/7, Bệnh viện Nhi Đồng 1 nhận được cuộc điện thoại khẩn cấp từ Bệnh viện Quận Tân Phú TP.HCM báo tin chuẩn bị chuyển bé L.P.T., 8 tuổi, đang nguy kịch, có dấu hiệu ngưng tim ngưng thở do rối loạn nhịp tim.

23 giờ, các loại máy móc được huy động xuống khoa Cấp cứu nhưng khả năng cấp cứu trở nên khó khăn khi bé T. sớm rơi vào hôn mê, tay chân lạnh, da tái nhợt, tim rối loạn nhịp, rung thất, sốc tim.

Bac si dung ‘tat ca cong luc’ dong cua tu dua be gai tro ve
Bé T. đang dần hồi phục tại bệnh viện

Khi thăm khám, bác sĩ Nguyễn Trí Hào nhận định: có thể bé T. bị viêm cơ tim tối cấp, nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào. Ngay lập tức, ê-kíp bác sĩ đặt nội khí quản, hồi sức tích cực bằng thuốc vận mạch, đặt máy tạo nhịp tim… bật báo động đỏ liên viện, nhờ bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ hội chẩn.

Bác sĩ Phạm Văn Quang – Trưởng khoa Hồi sức tích cực & Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 – cho biết: “Thông thường, sau khi chạy ECMO khoảng 2 giờ người bệnh sẽ qua nguy hiểm, nhưng bệnh bé T. quá nặng, luôn chảy máu bên trong cơ thể.

Bệnh nhi liên tục bị rung thất và ngưng tim nên bác sĩ cho chạy máy ECMO đến 24 tiếng đồng hồ, kèm theo đủ loại thuốc, máy móc về tim. Tất cả “công lực” đều dành cho bé và phải thực hiện cùng lúc với hy vọng cứu sống bé vì lúc này dấu hiệu sống gần như không còn”.

Sau hội chẩn, các bác sĩ vừa sốc tim, vừa chạy máy ECMO để hỗ trợ tim, phổi, chủ động hạ thân nhiệt bé T. xuống để tránh tổn thương não, bảo vệ gan, thận cho bé. 

Ngày 18/7, bác sĩ vui mừng khi thấy bé cử động chân, chớp mắt. Bé T. đã hồi sinh, cũng không bị biến chứng não.

Tuy nhiên trong 5 ngày liên tục, bé T. vẫn còn rung thất, ngưng tim, mạch rối loạn, tay chân lạnh, bác sĩ phải thay nhau theo dõi bé sát sao để "cửa tử" không mở lại lần nữa. 

Ngày 25/7, bé T. phục hồi một cách thần kỳ, không còn thở máy. 

Các bác sĩ của ê-kíp cho rằng, ngoài chạy đua với thời gian, bé T. còn rất may mắn. “Do trước nhập viện 3 ngày, bé T. sốt 38 độ C với biểu hiện bệnh giống sốt siêu vi. Lúc đầu bé còn tỉnh táo, nhanh nhẹn nhưng sau đó nôn ói, khó thở, mệt lả, ngay cả bác sĩ cũng dễ nhầm lẫn với sốt xuất huyết, khả năng bỏ qua kiểm tra tim rất cao.

Tuy nhiên, bác sĩ của Bệnh viện Quận Tân Phú đã nhanh trí phát hiện kịp thời bé T. bị rối loạn nhịp tim. Nếu trễ thêm 15 phút, bé chắc chắn tử vong”, bác sĩ Hào chia sẻ.

Mẹ bé T. kể: "Tôi chỉ nghĩ con mình sốt chứ không ngờ cháu bị nặng đến vậy. Lúc vào bệnh viện, bé hơi yếu, mệt nhưng vẫn nói chuyện với mẹ, nhưng mấy phút sau bác sĩ kêu chuẩn bị tinh thần, tiên lượng xấu khiến chân tay tôi bủn rủn. May mà bé được cứu kịp, nghĩ lại vẫn thấy sợ lắm". 

Bac si dung ‘tat ca cong luc’ dong cua tu dua be gai tro ve
Bác sĩ của bệnh viện cho biết, sau khi hồi phục, người mắc viêm cơ tim có thể bị tái phát bệnh

Theo bác sĩ Hào, hầu hết bệnh viêm cơ tim do vi-rút gây ra sẽ tấn công rất nhanh, khả năng tử vong cao. Bệnh có thể xảy ra với bất kỳ người nào, nhưng đa số rơi vào các bé từ 6 tháng đến 12 tuổi, hoặc thiếu niên khoảng 16 tuổi.

Ban đầu, người mắc viêm cơ tim chỉ bị sốt nhẹ, nôn ói, đau bụng, đau họng nên bác sĩ dễ nhầm lẫn với bệnh sốt, bệnh về tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu bé mệt lả, không nhanh nhẹn, kèm khó thở, người thân phải nghĩ ngay đến bệnh viêm cơ tim cấp

Về bác sĩ, nên siêu âm tim, kiểm tra vận mạch, nhịp tim cho người bệnh, nếu bóng tim to, nhịp rối loạn phải thực hiện cấp cứu ngay do bệnh rất cấp thời.

Viêm cơ tim cấp là bệnh rất ít gặp, mỗi năm Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận khoảng 5-7 ca. Có thể bệnh diễn tiến quá nhanh, người nhà không kịp đưa đến bệnh viện. Trong các ca tử vong không rõ nguyên nhân, khi thực hiện khám nghiệm có đến 10% bé bị viêm cơ tim. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI