PNO - Mới đây, một MC chia sẻ rằng tới 30 tuổi anh vẫn ngủ chung với mẹ và cảm thấy cuộc sống ngột ngạt vì bị mẹ kiểm soát quá chặt. Thực ra câu chuyện trên không hề hiếm ở nước ta.
Liên quan tới chủ đề yêu con hãy để con độc lập, chúng tôi đã có buổi trao đổi với thạc sĩ - bác sĩ Đinh Thạc, Trưởng khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) để có cái nhìn tổng thể về hậu quả của việc bảo bọc, nuông chiều con cái thái quá của phụ huynh.
Bác sĩ Đinh Thạc
Càng yêu, con càng xa
Phóng viên: Trong quá trình khám và điều trị tâm lý trẻ, bác sĩ có hay gặp các trường hợp bất ổn do bị cha mẹ can thiệp và kiểm soát cuộc sống quá mức? Thạc sĩ - bác sĩ Đinh Thạc: Từ đầu năm tới giờ, tôi gặp khoảng bảy trường hợp như vậy. Bảy trường hợp không thể đại diện cho tất cả, bởi thường chỉ khi xảy ra sự cố rất nghiêm trọng đe dọa tới chất lượng sống của trẻ, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến mạng sống của trẻ, phụ huynh mới đưa con đi khám tâm lý. Còn lại họ thường cố giấu giếm. Tâm lý chung không ai thích con cái kể xấu mình với người khác, kể cả chia sẻ với bác sĩ.
Trường hợp nghiêm trọng nhất mà tôi ấn tượng là câu chuyện của bé gái P.T.T.D., học lớp Mười, ngụ tại TP.HCM. Mẹ của D. kiểm soát con quá chặt từ miếng ăn, giấc ngủ đến các mối quan hệ bạn bè. Thậm chí cô bé kể mẹ còn ngủ chung với mình để giám sát không cho xài điện thoại nhắn tin, liên lạc với bạn. Ai là bạn của D. cũng bị mẹ điều tra kỹ càng. “Mẹ không muốn con có nhiều bạn, mẹ luôn lo sợ bạn sẽ lôi kéo làm con hư hỏng”, D. thở dài. Đỉnh điểm là cô bé đã rơi vào trạng thái trầm cảm nặng, viết thư tuyệt mệnh nói rằng sẽ giết các em mình rồi tự tử để giải thoát khỏi cuộc sống này. Rất may, D. chưa kịp thực hiện hành vi trên thì gia đình bắt được lá thư, mẹ D. vội vàng đưa con đi khám tâm lý.
Sau khoảng mười ngày trị liệu, uống thuốc, tình trạng của bệnh nhân ổn định nhưng người cần đả thông và điều trị nhất lại là mẹ của cô bé. Tôi đã phải giải thích cho người mẹ ấy hiểu rằng yêu con thì đừng áp đặt và kiểm soát con mà nên tôn trọng thế giới riêng của con. Nếu cha mẹ lo lắng cho con, hãy đứng từ xa dõi theo và can thiệp thật khéo léo khi cần thiết. Người mẹ vì quá yêu thương, lo lắng cho con nhưng tự cho mình quyền vượt qua giới hạn, can thiệp quá sâu làm mất đi khoảng trời riêng của con, tới lúc con không thể chịu nổi phải thốt lên: “con ghét mẹ”, “con không muốn mẹ làm thế” thì khi ấy người mẹ sẽ vô cùng tổn thương và đau lòng, bởi yêu con mà lại thành đẩy con ra xa mình.
* Con cái lớn vẫn ngủ chung với cha/mẹ sẽ gây ra những ảnh hưởng gì trong việc phát triển về tâm lý và hình thành nhân cách của trẻ sau này, thưa bác sĩ?
- Tôi biết một trường hợp tới nay cậu con trai học cấp III rồi mà vẫn ngủ chung với mẹ. Đi đâu hai mẹ con cũng dính như sam. Quan sát, tôi nhận thấy cậu bé đó rất chậm, không độc lập, thiếu đi sự nhanh nhạy, hòa đồng như những trẻ đồng trang lứa khác. Tháng nào tôi cũng khám cho các trường hợp trẻ mới học lớp Một, lớp Hai mà đã có các hành vi khiến phụ huynh phải lo lắng như thủ dâm, để ý bạn khác giới. Hoặc ở những trẻ lớn hơn như 14 - 15 tuổi thì vấn đề thường gặp là không thể tự mình trải qua các kỳ thi, gặp khó khăn khi hòa nhập, chậm chạp trong giao tiếp và bị lệ thuộc vào mẹ khi phải đưa ra quyết định nào đó. Đặc điểm chung của những bệnh nhi này là vẫn ngủ chung với cha mẹ.
Trẻ ngủ riêng từ sớm sẽ tự tin, nhanh nhẹn hơn
* Theo bác sĩ, vào thời điểm nào cha mẹ cần bắt đầu tách con ra để con dần có sự độc lập? Các giai đoạn tách con khỏi mẹ cần diễn ra thế nào để tốt nhất cho trẻ?
- Đối với trẻ em, ta chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là nhũ nhi (từ khi chào đời tới 12 tháng tuổi). Ở giai đoạn này, trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của cha mẹ.
Tiếp đến là giai đoạn từ 12 tới 24 tháng tuổi. Lúc này, trẻ phát triển các vận động ngồi, đứng, đi, tiếp xúc và nhận biết xung quanh. Khi trẻ hai tuổi, cha mẹ phải tập cho con tự cầm muỗng ăn, tự đi vệ sinh (đánh dấu những hành động độc lập đầu tiên của trẻ).
Giai đoạn thứ ba là từ hai tuổi tới lúc trẻ học mẫu giáo. Đây là thời điểm hình thành nhân cách, quyết định tính tự lập của trẻ (đặc biệt về thể chất và tâm sinh lý).
Cũng tại giai đoạn này, có một thuật ngữ gọi là khủng hoảng tuổi lên ba. Tuổi lên ba, trẻ rất sợ bị tách rời khỏi cha mẹ. Ở giai đoạn này, trẻ sợ đi nhà trẻ, sợ ngủ riêng. Vì xót con khi thấy con khóc lóc, làm nũng mà người mẹ mủi lòng lại cho con ngủ chung, kè kè sát bên con. Đây là một phản xạ tự nhiên của cha mẹ. Họ nghĩ rằng ở cạnh con sẽ che chở con và làm con cái yên tâm hơn. Tuy nhiên, phụ huynh lại không biết rằng trẻ từ ba tuổi rất tò mò, có xu hướng bắt chước những gì chúng thấy. Khi ngủ chung với cha mẹ, đôi khi người lớn có hành động tình cảm thì trẻ học theo.
Chính điều này khiến nhiều bé có sự lệch lạc về hành vi và tính dục. Không chỉ thế, đa số ghi nhận cho thấy những đứa trẻ sống trong gia đình không có đầy đủ cha mẹ, ngủ chung với mẹ có thể lệch lạc về giới tính. Chẳng hạn một bé trai sống với mẹ, ngủ chung với mẹ từ bé tới lớn sẽ có xu hướng thích chơi với bạn đồng giới, có tình cảm nhiều hơn với các bạn nam như để khỏa lấp đi sự thiếu thốn tình cảm của người cha.
Thời gian chuẩn nhất tập cho trẻ ngủ riêng là khi trẻ ba tuổi. Đầu tiên, cha mẹ hãy tách bé ra một chiếc giường/nôi riêng nhưng vẫn đặt trong phòng cha mẹ. Sau 2 - 3 tuần cho trẻ quen với việc không có hơi cha mẹ thì tách trẻ ra phòng riêng (cố gắng bố trí phòng trẻ gần phòng cha mẹ). 2 - 3 tuần sau nữa, trẻ sẽ phải tự làm các việc để chuẩn bị cho giấc ngủ của mình (đánh răng, đi vệ sinh…). Để trẻ cảm thấy hứng thú với việc ngủ phòng riêng, cha mẹ hãy cho trẻ trang trí phòng theo sở thích của trẻ. Nếu kiên quyết làm theo các bước như trên thì mất từ 2 - 3 tháng, bạn sẽ tạo được nền nếp ngủ riêng cho bé. Một đứa trẻ ngủ riêng từ sớm sẽ rất có lợi về sau, khi đi học trẻ sẽ hòa nhập nhanh hơn, tự tin, nhanh nhẹn hơn trong giao tiếp và học tập.
* Con quen hơi mẹ đã nghe nhiều nhưng mẹ quen hơi con lại là thực tế cần nhìn nhận. Có những bé đã ra ngủ riêng rồi nhưng vì người mẹ quá nhớ con, đêm lại sang ngủ với con hoặc có trường hợp con đã lớn, muốn có không gian riêng nhưng bà mẹ hoặc ông bố lại có cảm giác hụt hẫng, cho rằng con không yêu thương, bỏ rơi mình nên tự dằn vặt bản thân và con cái. Bác sĩ có lời khuyên gì cho các ông bố, bà mẹ khi ở trạng thái tâm lý như vậy?
- Đa phần những trường hợp này rơi vào các bà mẹ đơn thân hoặc các cặp vợ chồng hiếm muộn, sinh con một. Tôi gặp không ít trường hợp vì bị tổn thương trong hạnh phúc nên bao nhiêu tình yêu thương và sự quan tâm họ dồn hết cho đứa con. Tình yêu mà quá tải cũng khiến con cái bị ngột ngạt. Yêu con vô tình thành ràng buộc, muốn con lệ thuộc mình, kiểm soát cuộc đời con.
Tôi thường khuyên những phụ huynh này tham gia nhiều hoạt động xã hội, kết giao nhiều bạn bè. Họ cần làm cho mình luôn bận rộn, vui vẻ. Khi họ có nhiều mối quan tâm hơn trong cuộc sống, họ sẽ cởi mở hơn với bản thân, thoải mái hơn với con cái. Các biểu hiện không hào hứng với môi trường xung quanh, kém giao tiếp, chống đối (lầm lì, thách thức) khi giao tiếp với cha mẹ chính là các dấu hiệu cho thấy bạn đang can thiệp quá sâu vào cuộc sống của con và kiểm soát con sai cách.
* Cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ.
Những điều cần chú ý khi cho trẻ ngủ riêng
- Rối loạn giấc ngủ: trẻ hay hoảng loạn khi ngủ.
- Mộng du: nếu trẻ ngủ riêng nên bố trí camera để tiện theo dõi. Trong phòng trẻ không được để nhiều đồ đạc, nhất là các vật sắc nhọn.
- Những trẻ còi xương đêm ngủ hay khóc, cần được sự giám sát của cha mẹ.
Vừa qua, Friso, nhãn hàng sữa dinh dưỡng thuộc Công ty FrieslandCampina, chính thức ký kết hợp tác chiến lược với nhiều chuỗi cửa hàng Mẹ và Bé lớn trên toàn quốc.