Mùa hè là thời điểm lý tưởng để các gia đình lên kế hoạch cho con đi du lịch, nghỉ ngơi sau một năm học dài vất vả. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm nắng nóng gay gắt nhất và tia UV mặt trời rất có hại nếu tiếp xúc trực tiếp với làn da mỏng manh, nhạy cảm của con trẻ.
|
Nhiều gia đình để con vui chơi dưới cái nắng hè gay gắt mà không có biện pháp bảo vệ làn da cho con. Ảnh: Nguyễn Thu Hường. |
Mẹ chủ quan, con bị bỏng rát
Chị Thu Phương (Tây Mỗ, Hà Nội) vừa có một chuyến đi gia đình đến biển Cát Bà, Hải Phòng trong 2 ngày 1 đêm cùng 2 cậu con trai nhỏ. Tuy nhiên, ngay buổi chiều đầu tiên xuống biển, chị Phương đã cầu cứu các bà mẹ trên trang facebook cá nhân của mình về cách "cấp cứu" làn da của con bị cháy nắng.
Cũng vì chủ quan, cứ nghĩ vì con trong bóng râm, chờ đến khi trời bớt nắng mới cho con xuống biển thì sẽ không cần dùng kem chống nắng, cậu con trai 4 tuổi của chị đã bị bỏng rát ở vùng lưng, là vùng da tiếp xúc nhiều nhất dưới nắng mặt trời.
|
Vùng lưng con trẻ rất hay tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng dẫn đến nguy cơ cháy năng cao. |
Ngược lại với chị Phương, chị Thúy Vũ (Đại Thanh, Hà Nội) chuẩn bị rất kĩ càng cho con gái 3 tuổi trước khi cả gia đình đi nghỉ. Chị Thúy chia sẻ, cơ địa da của người lớn và trẻ con không giống nhau nên không thể dùng kem chống nắng của mình bôi lên người con được.
Kem chống nắng dành cho người lớn thường có độ SPF từ 50 trở lên, nếu dùng cho trẻ dễ gây dị ứng, hậu quả khó lường. Khi lựa kem chống nắng cho bé, chị cũng chọn loại có chứa Zinc Oxide (ZnO) hoặc Titanium Dioxide (TiO2) vì có khả năng chống cả tia UVA, UVB.
“Nhiều hãng mỹ phẩm bây giờ có sản xuất và phân phối loại kem chống nắng cho trẻ chứa nhiều thành phần tự nhiên để không làm cay mắt trẻ khi đổ mồ hôi nên các mẹ có thể yên tâm khi sử dụng”- chị Thúy cho biết.
Còn chị Bùi Hà và chị Kim Liên thì lựa chọn loại kem xịt có chứa thành phần SPF từ 15 -30 cho con vì sản phẩm có tác dụng nhanh và tiện dụng. Nhưng trước khi xịt lên người thì các chị đã thử xịt một lượng nhỏ vào bắp tay bé, sau 15-30 phút không thấy con bị nổi mẩn đỏ ở vùng thoa thì tiếp tục xịt toàn thân cho con.
|
Theo bác sĩ Da liễu, trẻ từ 6 tháng tuổi trở nên có thể chống nắng bình thường như người lớn. Ảnh minh họa. |
Lời khuyên của bác sĩ da liễu
Bác sĩ Hoàng Văn Tâm, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, nhiều bậc phụ huynh băn khoăn không biết nên chọn kem chống nắng cho trẻ như thế nào bởi sợ làn da nhạy cảm của con dễ bị kích ứng, dị ứng, mẩn đỏ… Vì vậy, họ chủ quan cho rằng "thiên thần nhỏ" của mình không cần sử dụng kem chống nắng, hoặc có thể sử dụng chung với loại dùng cho người lớn.
Tuy nhiên, không cho con dùng kem chống nắng dễ khiến da trẻ đen nhẻm đi sau những ngày hè. Hiện tượng đen da chỉ là cái nhìn thấy trước mắt chứ không thấy cái hại lâu dài. Nếu trẻ từng một lần bị cháy nắng nghiêm trọng, nguy cơ ung thư da về sau sẽ tăng gấp đôi.
Đặc biệt, mùa hè là thời điểm tia cực tím của mặt trời hoạt động mạnh và rất có hại, nhất là vào khung giờ 10 -16 giờ chiều. Vì vậy, trong khoảng thời gian này bố mẹ nên hạn chế việc đi lại bên ngoài cho con.
|
Bác sĩ Hoàng Văn Tâm, Bệnh viện Da liễu Trung ương (bên trái) |
Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, biện pháp tốt nhất là tránh tiếp xúc với ánh nắng gây hại trực tiếp, kể cả khi cha mẹ cho con phơi nắng sớm ở nhà nhằm tăng khả năng hấp thụ vitamin D cũng cần sức chú ý. Còn với trẻ trên 6 tháng tuổi, việc dùng kem chống nắng thực hiện như người lớn.
Cha mẹ nên ưu tiên dùng kem chống nắng vật lý có chứa thành phần titanium dioxide và zinc oxide do ít gây kích ứng và không hấp thụ vào da. Hoặc sử dụng kem chống nắng phổ rộng, chống được cả UVB và UVA, SPF từ 15 trở lên và tốt nhất là từ 30 trở lên. Cần tránh loại có Retinyl Palmitate và Oxybenzon.
Đặc biệt với những ngày hè đi biển, cha mẹ càng phải thường xuyên chống nắng cho con. Hãy ghi nhớ bôi kem chống nắng cho bé 2-3 giờ một lần, bôi toàn thân để trẻ được chống nắng tốt nhất. Vào thời điểm nắng gay gắt không nên cho trẻ ra ngoài bơi lội, chạy nhảy đề phòng cháy da và các nguy cơ cảm nắng.
Chú ý cát, nước có thể gây phản xạ tia UV nên cần tăng nhu cầu sử dụng kem, đặc biệt hãy dùng kem chống nắng không bị trôi khi xuống nước để bảo vệ làn da trẻ.
Loại kem xịt chống nắng rất tiện lợi nhưng các bậc phụ huynh lưu ý chúng có thể gây kích ứng phổi hoặc làm cho trẻ khó thở. Một số loại bình xịt chống nắng dễ bắt lửa nên cha mẹ nên tránh lại gần ngọn lửa khi sử dụng.
Vào ngày bình thường trẻ cũng cần dùng kem chống nắng hàng ngày kể cả khi trời râm mát, có nhiều mây, bởi khi đó 80% tia UV vẫn gây hại cho làn da.
Trước khi bôi bất kỳ loại mỹ phẩm nào nên da của trẻ, cha mẹ nhớ thử kem trên vùng da nhỏ trước để kiếm tra phản ứng và chắc chắn con không bị kích ứng bởi thành phần có trong mỹ phẩm. Nếu sau khi bôi, da trẻ có hiện tượng phát ban hoặc phản ứng lạ cần đưa ngay đến gặp bác sĩ để kịp thời xử lý.
Thùy Linh