Bác sĩ có ngón tay ma kể về nỗi đau của mình

28/06/2017 - 11:00

PNO - Cắt bỏ cả phần ngón tay trỏ bên bàn tay phải được hai tuần, bác sĩ Nguyễn Thái Duy liền cảm nhận được ngón tay này… quay trở về.

Năm 2015, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thái Duy, khoa Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Quận 2 TP.HCM bị u xương, buộc phải làm phẫu thuật cắt bỏ ngón tay trỏ của bàn tay phải để điều trị.

Trước khi phẫu thuật cắt bỏ ngón tay, anh đã tìm hiểu và chuẩn bị tâm lý khá kỹ. Tuy nhiên, chính bản thân anh đã rơi vào bệnh đau chi ma, sau khi được phẫu thuật cắt cụt ngón trỏ này.

Bac si co ngon tay ma ke ve noi dau cua minh
Do bị u xương nên thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thái Duy phải chấp nhận phẫu thuật cắt bỏ ngón tay trỏ ở bàn tay phải của mình

Sau một năm tự điều trị đau chi ma, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thái Duy không còn phụ thuộc vào ngón trỏ đã mất đi (clip bác sĩ cung cấp).

Thấy đồng nghiệp làm việc là tay ma quay trở về

Bác sĩ Duy kể: “Tôi còn nhớ rõ tuần thứ 3 sau phẫu thuật cắt bỏ ngón tay của mình, khi ấy tôi không nghỉ học mà cố gắng đến bệnh viện đi thực tập cho đỡ buồn. Khi tôi vào phòng mổ, nhìn thấy các bác sĩ đang cầm khoan thực hiện ca mổ cho bệnh nhân, bỗng ngón tay trỏ của tôi nó tê cứng và đau vô cùng. Mặc dù nó đã bị cắt bỏ đi rồi. 

Thậm chí những ngày đầu khi đang nằm ngủ, tôi nghe tiếng chuông điện thoại và như thói quen tôi chìa ngón tay trỏ ra bấm nhưng… làm gì bấm được bằng ngón tay ấy!”

Là một bác sĩ nghiên cứu khá nhiều về y học, bác sĩ Duy biết rằng bản thân đang mắc phải hội chứng đau chi ma. Anh không thấy sợ mà bắt đầu tự điều trị cho chính mình. 

Bac si co ngon tay ma ke ve noi dau cua minh
Dù đã chuẩn bị tâm lý trước khi cắt bỏ ngón tay trỏ, bác sĩ Thái cũng phải mất hơn 1 năm để "đánh đuổi ngón tay ma" của chính mình.

Một ngày, anh dành khá nhiều thời gian để tập cho cơ thể làm quen với việc không có ngón tay trỏ. Lấy ngón tay giữa thay thế cho ngón trỏ, bác sĩ Duy bắt đầu tập gõ bàn phím, tập viết, tập cầm nắm từ vật nhẹ đến vật nặng. Thậm chí, anh cũng tập cho bản thân làm quen với dao mổ trở lại.

Nói thì đơn giản, nhưng bác sĩ Duy đã phải mất hơn 1 năm để luyện tập. Trong thời gian đó, không ít lần “ngón tay ma” quay trở về khiến anh tê buốt, đau nhức. Đôi lúc, anh có chút tủi thân, tiếc nuối nhưng phải tự ép mình bỏ đi suy nghĩ đó ngay để tiếp tục luyện tập. 

Bac si co ngon tay ma ke ve noi dau cua minh
Sau khi tự điều trị đau chi ma, bác sĩ Thái Duy giờ đây sử dụng ngón tay giữa thay cho ngón trỏ để tiếp tục các công việc vận động.


Bản thân bác sĩ Duy cũng thừa nhận, tuy hiện tại tất cả những vận động của anh đã không còn phụ thuộc vào ngón tay trỏ nữa. Anh có thể gõ bàn phím, chơi đàn một cách nhanh nhẹn, đã có thể cầm dao mổ như ngày đầu. 

Tuy nhiên, ngay cả khi anh không còn thấy nuối tiếc ngón tay đã mất, thì thỉnh thoảng ngón tay ma đó vẫn còn xuất hiện những cơn đau. Anh lại cảm thấy nó vẹn nguyên trở về. 

Bác sĩ nên nâng đỡ bệnh nhân sau khi phẫu thuật cắt bỏ chi

Có lẽ chính bản thân mình trải nghiệm được đau chi ma, nên bác sĩ Duy rất hiểu và cảm thông với bệnh nhân của mình – những người luôn bị người khác xem là bị tâm thần vì suốt ngày than đau chân gỗ, tay gỗ hay phần chi bị mất.

“Cái khó của bệnh nhân đó là họ đã bị đoạn chi, đã buồn tủi, vận động khó khăn nhưng không tìm thấy niềm tin ở người khác. Ngay cả một số bác sĩ nếu không gặp trường hợp này, cũng nghĩ rằng thần kinh bệnh nhân có vấn đề”, bác sĩ Duy chia sẻ.

Bac si co ngon tay ma ke ve noi dau cua minh
Chính vì bản thân đã trải qua đau chi ma nên bác sĩ Duy luôn thấu hiểu những bệnh nhân đang mắc phải căn bệnh này.


Đa phần, người bị đau chi ma thường là những người gặp sự cố trong lao động, tai nạn giao thông,… buộc phải cắt bỏ một phần tay, chân, hay các bộ phận khác trên cơ thể. Với những phần cơ thể càng quan trọng, hội chứng đau chi ma càng dễ xuất hiện khiến bệnh nhân có cảm giác đau nhức, tê buốt, nóng rát thật sự.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thái Duy cho biết: “Để hạn chế đau chi ma xuất hiện thì vai trò bác sĩ phẫu thuật rất quan trọng. Bác sĩ phẫu thuật cần thấu hiểu và nâng đỡ cho bệnh nhân sau khi làm phẫu thuật đoạn chi cho họ. 

Cần phân tích để bệnh nhân giải tỏa được tâm lý tiếc nuối khi đột ngột phải mất đi một phần cơ thể của mình. Bên cạnh đó, hướng dẫn bệnh nhân thực hiện các bài tập vật lý trị liệu, tập vận động để làm quen với sự mất mát là điều rất cần thiết”.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI