Bác sĩ chống dịch corona: Đôi mắt mệt mỏi và trái tim nóng

08/02/2020 - 07:03

PNO - Mới đây, bác sĩ trẻ 28 tuổi Song Ying jie đã tử vong đêm 3/2 tại tỉnh Hồ Nam. Song Ying jie chết vì ngừng tim đột ngột do làm việc quá sức.

Thông tin này đã làm rúng động cả thế giới. Và trong cơn đại dịch corona, những hình ảnh này có thể chưa dừng lại. 

Và những hình ảnh các y bác sĩ từ tâm dịch Vũ Hán với đôi mắt trũng sâu, mệt mỏi, chiếc đầu cạo trọc, nằm ngủ vạ vật. Họ từ lâu không được nắm tay vợ/chồng, không được ôm đứa con nhỏ vào lòng dù nỗi nhớ da diết. Và không chỉ ở Vũ Hán, mà ngay trước mắt chúng ta - những bác sĩ Việt Nam cũng ngày đêm đang gồng mình chống dịch, điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Họ mệt mỏi, kiệt sức, quên bản thân mình và cả người thân của họ cũng chịu cảnh thiệt thòi, hy sinh vì đại dịch corona. 

Điều dưỡng Nguyễn Minh Tâm đang chăm sóc bệnh nhân giữa mùa dịch Corona
Điều dưỡng Nguyễn Minh Tâm đang chăm sóc bệnh nhân giữa mùa dịch corona

Mỗi ngày, tin dịch bệnh được cập nhật từ Trung Quốc và thế giới không ngừng tăng lên. Con số tử vong mỗi ngày cướp đi vài chục sinh mạng khiến nỗi lo bao trùm khắp nơi. Trên thực tế đang diễn ra hai hướng: những người có triệu chứng ho, sốt nhưng vẫn cố thủ ở nhà, không dám đi bệnh viện do sợ bị “hốt” - cách mà nhiều người gọi thay cho cách ly. Nhưng sau đó, con cái “nài, ép” cũng phải đến bệnh viện khám.

Ngược lại, có rất nhiều người vừa chớm sốt, ho đã đổ xô đến bệnh viện đòi xét nghiệm để loại trừ virus corona thì mới yên tâm. Vì vậy, những ngày này, ở các cơ sở y tế có bề dày chống dịch như: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy - những nơi đang có bệnh nhân nằm cách ly vì dịch bệnh do virus corona thì các y bác sĩ đang phải căng mình chống dịch. Chẳng phải ở Vũ Hán, mà ở các cơ sở y tế này, chúng ta dễ dàng bắt gặp những gương mặt phờ phạc, cũng hằn những nếp cắt do kính bảo hộ để lại. 

Gặp điều dưỡng Nguyễn Minh Tâm - khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy - người trực tiếp chăm sóc hai cha con bệnh nhân người Trung Quốc dương tính với corona (người con đã khỏi bệnh hoàn toàn và được xuất viện ngày 4/2), anh chia sẻ: “Hơn 10 ngày rồi em chưa được ôm con. Vì gia đình em lo lắng quá, sợ lây nhiễm nên em tự nguyện cách ly để gia đình yên tâm”. Từ ngày hai bệnh nhân người Trung Quốc được xác định dương tính với corona (đêm 22/1) thì Tâm và các y bác sĩ của khoa Bệnh Nhiệt đới gần như “đóng quân” hẳn trong bệnh viện. 30 nhân viên y tế được cắt cử chăm sóc hai ca bệnh đặc biệt này. 

“Ai mà không sợ bệnh, không sợ chết. Nhưng chúng tôi đã có kinh nghiệm nhiều năm chống dịch như H5N1, SARS… nên nỗi sợ đó nhanh chóng qua đi. Thay vào đó là sự tận tâm, tận lực để điều trị cho bệnh nhân” - tiến sĩ - bác sĩ Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới - chia sẻ. Không chỉ bác sĩ Hùng, mà các bác sĩ đang trực tiếp chống dịch, đều có cùng tâm trạng. Lo lắng là vậy, nhưng khi đứng trước bệnh nhân đang ở lằn ranh sinh tử của bệnh tật, thì họ, ngay lập tức quên nỗi lo của riêng mình, tập trung điều trị cho bệnh nhân, góp phần chặn đứng dịch bệnh. 

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang - khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy - đang ra trực, và tính cùng vợ con xả hơi trong hai ngày ra trực ngắn ngủi. Nhưng khi cha con bệnh nhân Trung Quốc nhập viện và được xác định dương tính với virus corona thì bác sĩ Sang và các đồng nghiệp “tạm hoãn vô thời hạn” chuyện tết nhất, hay những dự định đi vui chơi cùng gia đình.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang kể: “Ở khoa Bệnh Nhiệt đới, mỗi lần vào thăm bệnh nhân là chúng tôi đi theo từng cặp: bác sĩ - điều dưỡng. Đi như vậy để chúng tôi có thể hỗ trợ nhau mặc đồ, thay đồ và những thao tác khác để phòng tránh phơi nhiễm”. Bác sĩ Sang cũng cho biết, mỗi ngày anh và các đồng nghiệp vào phòng cách ly hơn 6 lần, mỗi lần 2-3 giờ. Trước khi vào phòng cách ly, các y bác sĩ phải uống 0,5 lít nước vì đồ bảo hộ rất kín, nóng, nên mặc vào khoảng 30 phút - 1 giờ là cơ thể mất khoảng 1 lít nước. Mà một khi mất nước thì có thể gặp tình trạng choáng, khó thở.

Không chỉ lo về chuyên môn, mà các y bác sĩ ở đây còn kiêm cả nhiệm vụ chuyên gia tâm lý, “anh chị nuôi” cho bệnh nhân. “Ngày tết mà bệnh nhân phải chịu cảnh cách ly, lại còn ở một đất nước xa lạ, ngôn ngữ bất đồng và đối diện với bệnh tật nguy hiểm nên chúng tôi phải động viên, trò chuyện với bệnh nhân rất nhiều” - bác sĩ Sang kể. Có những khi, nửa đêm cha con bệnh nhân Trung Quốc thèm thanh long, bánh thì các y bác sĩ bất kể đêm khuya chạy đi lùng mua cho bằng được. “Tội họ, tết xa nhà, lại ở bệnh viện nên mình bù đắp được gì thì bù đắp” - bác sĩ Sang nói.

Chợt, đôi mắt của bác sĩ Sang rưng rưng, giọng nghẹn đặc - không phải vì nhắc về nỗi nhọc nhằn của mình, hay sự thiệt thòi của vợ con khi không được ăn tết cùng anh, mà khi anh nhắc đến các đồng nghiệp bên Vũ Hán: “Mình ở đây chỉ có hai bệnh nhân, mà đến 30 nhân viên y tế chăm sóc, còn bên đó, bệnh nhân rất đông nên đồng nghiệp rất vất vả, căng thẳng”. 

Không chỉ trực tiếp chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, mà những ngày này, các bác sĩ chống dịch rất nhiều việc. Họ phải đảm nhiệm những nhiệm vụ như: tổ chức hoạt động cách ly, công tác đảm bảo an toàn cho cán bộ công nhân viên, cũng như đào tạo tập huấn cho người lao động và phòng chống lây nhiễm… Và những ngày này, các bác sĩ ở bệnh viện tuyến đầu như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương phải oằn mình làm việc chẳng khác các bác sĩ từ tâm dịch Trung Quốc. 

Các y bác sĩ chúc mừng bệnh nhân Trung Quốc đã chữa khỏi bệnh viêm phổi Vũ Hán và được xuất viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 4/2 (bệnh nhân ôm hoa)
Các y bác sĩ chúc mừng bệnh nhân Trung Quốc đã chữa khỏi bệnh viêm phổi Vũ Hán và được xuất viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 4/2 (bệnh nhân ôm hoa)

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu - chia sẻ: “Thực sự là mệt. Vì những ngày qua chúng tôi đã quá tải. Có quá nhiều công việc phải xử lý trong lúc chống dịch”.  Và có những việc ngoài chuyên môn bào mòn, phân tán sức lực của các y bác sĩ. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp kể: “Thay vì chúng tôi tập trung nhân viên y tế để chăm sóc, điều trị cho hai bệnh nhân thực sự thì hôm cuối tuần vừa rồi chúng tôi phải phân công y bác sĩ đi giải thích cho ba chục người kéo đến vì lo lắng. Thậm chí đã có những đối tượng vào gây sự với nhân viên y tế để quay clip với hy vọng nhân viên y tế phản ứng lại một cách không phù hợp là họ sẽ có được một thứ cực kỳ hot trend để câu view, câu like”. 

Dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến phức tạp và chưa thể biết khi nào mới hạ nhiệt. Những y bác sĩ từ các nước vẫn đang gồng mình chống dịch. Những sở thích, những thú vui yêu thích, niềm hạnh phúc ở cạnh gia đình đều được gác lại để các y bác sĩ tập trung cho một mục tiêu duy nhất: cứu bệnh nhân và chống dịch. Không chỉ ở mùa dịch này, mà ở các mùa dịch như SARS vào năm 2003, câu chuyện về nữ bác sĩ có con nhỏ đang còn bú mẹ, nhưng vì tham gia chống dịch, bầu sữa mẹ căng cứng nhưng chị chỉ dám đứng từ xa nhìn con và nuốt nước mắt vào lòng. Phút giây ấy, với thiên chức của người làm ngành y, chị đã tận hiến cho bệnh nhân.

Và như bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang tâm sự: “Nhìn thấy bệnh nhân khỏe lên từng ngày, như bệnh nhân L.D., 66 tuổi, lúc mới nhập viện không tự sinh hoạt được và phải thở ô-xy, nhưng sau vài ngày nằm viện thì ông đã đi đứng khỏe mạnh, hoạt bát nên anh chị em trong khoa ai cũng rất vui. Và khi người con được điều trị hết bệnh, không còn mang virus corona đã được xuất viện thì tất cả nỗi mệt nhọc của chúng tôi đã được bù đắp. Chúng tôi chỉ mong mỏi một điều: bệnh nhân được khỏe mạnh”. 

Thùy Dương

Ảnh: Thùy Dương, T.T.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI