Bác sĩ Chợ Rẫy ngỡ ngàng khi phát hiện cây tăm chui lọt vào tim

15/07/2020 - 11:03

PNO - Cây tăm nằm gọn bên trong quả tim của người đàn ông, tạo nên ổ áp xe nguy hiểm. Nhưng chưa ai rõ vì sao dị vật lại chui trót lọt vào quả tim.

Anh Đỗ Văn P. sau khi được phẫu thuật lấy cây tăm tre ra khỏi trái tim. Ảnh: Hiếu Nguyễn
Anh Đỗ Văn P. sau khi được phẫu thuật lấy cây tăm tre ra khỏi trái tim. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Sáng 15/7, TS. BS Nguyễn Thái An, Trưởng khoa Hồi sức – Phẫu thuật tim, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM thông tin về một ca bệnh hy hữu khi cây tăm chui lọt vào tim bệnh nhân. Đây là ca bệnh chưa từng có trong y văn, chưa có bác sĩ chuyên khoa tim mạch nào của bệnh viện từng chứng kiến.

Bệnh nhân là anh Đỗ Văn P. (29 tuổi, ở Đắk Lắk) đã trải qua ca phẫu thuật tim vào ngày 18/6/2020 để lấy dị vật từ trong buồng tim ra bên ngoài. Theo kết quả siêu âm tim trước ca mổ, dị vật này có hình que, nằm trong buồng tim, cắm vào vách tim và lá van, làm thủng van 3 lá, tạo một ổ áp xe và nhiễm nấm ở tim.

Sau ca mổ, các bác sĩ bất ngờ khi kéo ra được một cây tăm tre, dài khoảng 10cm, đường kính khoảng 1mm. Nhận định của các bác sĩ, đây có thể là cây tăm tre để xỉa răng.

Tuy nhiên, điều khiến các bác sĩ bối rối là con đường vào tim của cây tăm tre. Bởi lẽ, trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ tim mạch đã kiểm tra thật kỹ quả tim nhưng không có dấu vết nào cho thấy có sự “xâm nhập” từ bên ngoài vào.

Hình ảnh ca phẫu thuật lấy dị vật cho anh P. Ảnh: BSCC
Hình ảnh ca phẫu thuật lấy dị vật cho anh P. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Theo bác sĩ Nguyễn Thái An, nếu cây tăm tre từ bên ngoài đâm vào, sẽ có những vết sẹo ở bề mặt quả tim. Tuy nhiên, bề mặt quả tim của bệnh nhân hoàn toàn trơn láng, màng tim cũng trơn láng chứng tỏ không phải cây tăm tre đâm vào từ bên ngoài.

Khả năng duy nhất còn lại là cây tăm tre đi vào bên trong quả tim theo con đường mạch máu. Gợi ý cho khả năng này là khi phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện cây tăm tre nằm xuôi chiều theo quả tim. Bác sĩ Nguyễn Thái An cho rằng có thể cây tăm tre xuyên qua nền ngực, lọt vào tĩnh mạch lớn ở cổ (đường kính 10-12mm). Theo tĩnh mạch lớn này, cây tăm đi xuống nhĩ phải, thất phải, cắm vào van 3 lá.

Tuy nhiên, kiểm tra khu vực trước ngực bệnh nhân, hoàn toàn không phát hiện vết sẹo nào. Anh Đỗ Văn P. cho phóng viên biết, anh chưa bao giờ dùng tăm xỉa răng, cũng không biết vì sao có tăm trong tim mình.

Mẹ của anh P. cho biết hơn 1 tháng trước, con trai bà sốt cao liên tục kèm mệt mỏi, đi khám ở một bệnh viện tỉnh Đắk Lắk được chẩn đoán: sốt kéo dài không rõ nguyên nhân, theo dõi hở van tim, theo dõi viêm nội tâm mạc nhiễm trùng. Anh P. được điều trị kháng sinh, hạ sốt nhưng không giảm.

Ngày 6/6/2020, anh được chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy. Kết quả cấy máu phát hiện anh P. bị nhiễm nấm, nhiễm trùng trong cơ thể. Kết quả CT-Scan sọ não và các vị trí khác không ghi nhận được ổ nhiễm trùng nào. Kết quả CT-Scan ngực có cản quang cũng không ghi nhận được dị vật do dị vật không cản quang.

Cây tăm tre - thủ phạm gây nên tình trạng sốt không rõ nguyên nhân của anh P. Ảnh: BSCC
Cây tăm tre - thủ phạm gây nên tình trạng sốt không rõ nguyên nhân của anh P. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Chỉ khi siêu âm tim mới phát hiện hình ảnh một dị vật hình que trong buồng tim, cắm vào vách tim và lá van. Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy chẩn đoán anh P. bị viêm nội tâm mạc nhiễm trùng do dị vật thất phải, và bị nhiễm nấm máu. Ca phẫu thuật được tiến hành để lấy dị vật ở thất phải, làm sạch ổ sùi và ổ áp xe ở vách liên thất, sửa van 3 lá...

Hiện tại, anh P. đã khỏe, không còn sốt, đi lại bình thường, sẽ xuất viện trong vài ngày tới. Anh cho biết gia đình cũng không hiểu vì sao cây tăm chui được vào quả tim. Anh chỉ quan tâm không biết khi nào mới được chạy xe máy. Anh P. làm nghề chăn nuôi ở Đắk Lắk.

Hiếu Nguyễn

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI