Theo quy định, bệnh viện sẽ không được bảo hiểm y tế thanh toán nếu khám cho người bệnh có số thứ tự từ 66 trở đi.
Ngày khác quay lại hoặc phải khám dịch vụ
Mới 14g30, khu khám bệnh của Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP.HCM) dần thưa người. Các ghế chờ đến lượt khám chỉ còn một số bệnh nhân ngồi vạ vật từ sáng.
|
Đến bệnh viện, chờ mua sổ đăng ký khám bệnh đã cực hình, đến khi mua được sổ mà không được khám càng mệt mỏi hơn. |
Khám xong được ở hai khoa Nội tiết và Tim mạch, bà Đ.T.M. (65 tuổi, ở Quận 3, TP.HCM) lụi cụi đến khoa Tiêu hóa thì phải cầm sổ ra về vì khoa này đã “chốt cửa” ở số thứ tự 65. Bà vội nhờ nhân viên chăm sóc khách hàng tư vấn để được khám xong trong ngày. Nhân viên này đưa ra hai cách để bà lựa chọn gồm: ngày mai tới sớm hơn hoặc chuyển sang khám dịch vụ vì đồng hồ mới điểm qua 15g.
Sợ thức khuya dậy sớm, chen chúc lấy số thứ tự, tốn tiền xe ôm nhưng chưa chắc tới lượt nên bà M. quyết định chuyển sang khám dịch vụ.
Cũng tại phòng khám Tiêu hóa, bà N.X.Đ. (58 tuổi, ở Cần Giuộc, tỉnh Long An) vừa định lấy số thứ tự thì một nhân viên thông báo đã phát hết số, ngày mai quay lại. Ấm ức, bà Đ. cho biết: “Mất hơn 30 cây số để đến tái khám, ngồi chờ mua sổ, mua sổ xong lại báo hết số. Mỗi lần khám bệnh là nghỉ bán một ngày. Người bệnh mua thẻ bảo hiểm y tế mà giờ bắt khám dịch vụ!”.
Nghe bà Đ. bức xúc, một nữ nhân viên Bệnh viện Nguyễn Trãi giải thích: “Từ khi giới hạn lượt khám, bệnh nhân khiếu nại như cơm bữa. Người bệnh không ai biết quy định mới, chỉ thấy không được khám bệnh hoặc khuyên sang khám dịch vụ là bức xúc”.
|
Nhà ở Long An nên bà Đ. phân vân ngày sau trở lại xếp hàng lấy số hay phải khám dịch vụ với giá cao. |
Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Văn Tiến – Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi – cho biết, trung bình mỗi ngày bệnh viện có từ 1.500 đến 1.700 bệnh nhân đến khám. Số lượng này nếu chia trên tổng số bác sĩ sẽ đủ 65 bệnh nhân/bàn khám. Tuy nhiên, các bác sĩ không phải ai cũng ngồi ở bàn khám, họ còn phải đi mổ, chăm bệnh nhân nội trú… Chưa kể, người bệnh đến khám ở mỗi chuyên khoa khác nhau, có phòng ít bệnh, có phòng quá tải nên bác sĩ không thể phân đủ cho 65 ca/bàn khám.
Mặt khác, số lần khám được tính trên lượt vào khám chứ không tính trên bệnh nhân. Người bệnh đến khám phần lớn là người cao tuổi, cán bộ hưu trí và thường khám nhiều khoa khác nhau. Vì vậy, một bệnh nhân có thể nâng số lượt lên rất nhiều nếu họ khám nhiều chuyên khoa.
Cũng theo bác sĩ Tiến, vì bệnh nhân phần lớn là người cao tuổi, cán bộ hưu trí nên các khoa Lão, Hô hấp, Tiêu hóa, Mắt… luôn vượt quá con số 65, còn những khoa khác thấp hơn. Khó có thể chuyển bác sĩ sang khoa không thuộc chuyên môn và người bệnh sẽ chịu thiệt.
|
Để khám bệnh, người bệnh phải thức dậy sớm để kịp lấy số thứ tự |
Bệnh viện cũng không thể mở thêm bàn khám khi không còn diện tích, thiếu cơ sở vật chất. Vào những dịp nghỉ lễ, lượng bệnh nhân đến Bệnh viện Nguyễn Trãi vượt quá 65 ca/bàn khám còn căng thẳng hơn.
Bác sĩ Võ Văn Tiến cho biết, để hạn chế bác sĩ nghỉ việc, Bệnh viện Nguyễn Trãi hỗ trợ tiền khám ngoài giờ cho những bác sĩ khám bệnh nhân từ số 66 trở lên, hợp đồng thêm bác sĩ bên ngoài để giảm tải cho bác sĩ của bệnh viện.
|
“Với những bệnh nhân từ số thứ tự 66 trở đi, Bệnh viện Nguyễn Trãi sẽ tư vấn chuyển sang khám dịch vụ. Nhưng nếu bệnh nhân bức xúc, không đồng ý chi trả tiền khám dịch vụ thì bệnh viện khám không công, chỉ tính tiền thuốc. Phần kinh phí lỗ này bệnh viện phải lấy quỹ bù vào. Tuy nhiên phương án này về lâu dài rất khó cho bệnh viện”, bác sĩ Tiến cho biết.
Có hiện tượng bác sĩ nghỉ việc
Bác sĩ Võ Văn Tiến cho biết, từ khi áp dụng quy định 65 bệnh nhân/bàn khám; bệnh viện huy động thêm bác sĩ nội trú, bác sĩ trực vào khám để đảm bảo chỉ tiêu theo quy định của Thông tư 15.
Có thể bác sĩ làm việc căng thẳng hơn nên đã có 6 bác sĩ xin nghỉ việc. Hiện bệnh viện Nguyễn Trãi đang tuyển bác sĩ mới thay thế nhưng chưa có người về.
Cùng trăn trở này, TS.BS Nguyễn Đình Xướng – Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM – cho biết hiện nay bệnh viện chấp nhận bù tiền khám cho bệnh nhân có số thứ tự 66 trở đi.
Theo bác sĩ Xướng, người dân có bệnh mới đến bệnh viện, chứ chẳng ai muốn đến bệnh viện nhìn cảnh quá tải rồi ra về tay không.
|
Bệnh nhân chờ đến lượt tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương |
Mỗi ngày Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có khoảng 2.500 bệnh nhân đến khám. Bệnh viện có hơn 60 bàn khám, đặc biệt các khoa Cơ Xương Khớp, Nội tiết, Tiêu hóa, Tim mạch, Tai Mũi Họng, Nội Thần kinh mỗi ngày có khoảng 200 ca bệnh một khoa. Bệnh viện đặt 2, 3 bàn khám, luân phiên 4 bác sĩ khám cho mỗi khoa mới có thể đảm bảo đủ bàn khám.
Mặt khác, bệnh viện tự bù tiền cho bệnh nhân thì sẽ thất thu, giảm thu nhập của nhân viên. Bác sĩ vừa giảm thu nhập, vừa gồng mình quá sức nên đối diện nguy cơ nghỉ việc.
Tình trạng khám không lấy tiền bệnh nhân có số thứ tự 66 trở đi cũng diễn ra ở các bệnh viện tuyến quận tại TP.HCM.
|
Người lớn tuổi thường phải khám nhiều chuyên khoa |
Bác sĩ Lê Hoàng Quí - Phó Giám đốc Bệnh viện Quận Bình Thạnh - cho rằng: “Giới hạn số bệnh nhân theo Thông tư 15 ở giai đoạn này chưa phù hợp. Hiện các bệnh viện chưa đủ số lượng bác sĩ để phục vụ bệnh nhân quá đông. Số lượng người đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Quận Bình Thạnh cao nhất nhì tại TP.HCM.
Chưa kể, bệnh viện không thể từ chối những bệnh nhân khám thông tuyến từ các tỉnh lên. Bản thân người bệnh nhân thứ 66 cũng không biết chuyện họ bị vượt tuyến, nên bác sĩ không nỡ chối từ. Còn nếu thu thêm tiền có khi gây ra xung đột, bạo hành nhân viên y tế, rồi dẫn đến bác sĩ nghỉ việc càng khổ”.
Theo bác sĩ Trần Văn Khanh – Giám đốc Bệnh viện Quận 2, phương án giới hạn 65 bệnh nhân/bàn khám/ngày, cần có thời gian thực hiện theo lộ trình để các bệnh viện hoàn tất việc tuyển dụng bác sĩ, mở rộng, xây mới phòng khám…
Phạm An - Hiếu Nguyễn