Nhiều bệnh viện triển khai khám ban đêm
Phản ánh đến Báo Phụ Nữ TPHCM, bà Nguyễn T.S. bức xúc: “Tôi cùng một số bạn già đi từ H.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai đến Bệnh viện (BV) quận 2 khám tim mạch, xương khớp diện bảo hiểm y tế (BHYT). Nhưng mới 9g sáng đã thông báo hết số thứ tự. Chúng tôi khám ở BV này nhiều lần rồi. Lần này, bốn người chúng tôi chỉ có một người bốc được số 65, còn lại bác sĩ giải thích mỗi bàn chỉ được khám 65 ca/ngày”.
|
Bệnh nhân đến khám bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương |
Sau khi nài nỉ, bà S. và hai người bạn còn lại được bác sĩ Q. nhận khám và đương nhiên BV phải tự bỏ tiền túi ra, chứ BHYT không chi trả. Bởi, theo thông tư 15/2018/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành, bác sĩ ở mỗi bàn khám tiếp nhận tối đa 65 ca/ngày; cơ quan bảo hiểm xã hội không thanh toán tiền khám bệnh từ lượt khám thứ 66 trở lên.
Bác sĩ Trần Văn Khanh, giám đốc BV quận 2, cho biết: “Nếu tính số lượt khám trung bình 65 ca trên số bàn khám thì BV đảm bảo được cho 3.000 người đến khám mỗi ngày. Nhưng theo quy định, số lượt khám 65 ca là tính cho một bác sĩ trong giờ hành chính nên BV không thể đáp ứng hết bệnh nhân BHYT, mong người dân thông cảm”.
Bác sĩ Khanh cũng mong BHYT tính số lượt khám 65 ca/số bàn khám như trước đây, chứ đừng tính trên mỗi bác sĩ. Thực tế, có những bàn khám (như tâm thần) chỉ có 10 ca/ngày, trong khi những chuyên khoa tim mạch, cơ xương khớp, nội tổng quát… lại quá tải, luôn vượt 65 ca/bàn khám/bác sĩ.
Sở Y tế TPHCM thống kê, nếu chín tháng đầu năm 2018, TPHCM có hơn 32 triệu lượt khám ngoại trú thì cùng kỳ năm 2019 là 36 triệu lượt (tăng 12,5%). Để giải quyết nhu cầu khám chữa bệnh quá tải, trong khi bác sĩ chỉ được khám 65 ca/ngày, nhiều BV khám dịch vụ cho những bệnh nhân bị rớt số thứ tự khám BHYT, hoặc khám ban đêm cho bệnh nhân này nhưng người bệnh phải trả tiền công khám.
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Đình Xướng, phó giám đốc BV Nguyễn Tri Phương, cho biết: "Mỗi ngày, BV khám khoảng 2.500-3.500 lượt, trong đó hơn 80% diện BHYT, nhiều nhất là bệnh tim mạch, cơ xương khớp, tiết niệu… Để giải quyết tình trạng một chuyên khoa quá đông bệnh nhân nhưng vẫn đảm bảo chỉ tiêu một bác sĩ chỉ khám cho 65 lượt, BV áp dụng phần mềm cung cấp cho mỗi bác sĩ một tài khoản chỉ được phép đăng nhập tới 65 ca. Sau đó, bác sĩ khác thay thế để khám cho ca thứ 66 tiếp theo. Điều này giúp BV không phải kê thêm bàn khám nhưng giải quyết đúng luật BHYT. Tuy nhiên, để tránh quá tải, BV cũng được Sở Y tế cho phép khám xuyên đêm với bệnh nhân BHYT. BV thu tiền khám 120.000 đồng, mọi xét nghiệm, siêu âm… người bệnh vẫn chi trả như quy định của BHYT".
Nên “nới” quy định bác sĩ chỉ khám 65 ca cho TPHCM
Một bác sĩ chuyên khoa tim mạch ở BV tuyến cuối bức xúc: “Mỗi quý, BV tôi mất cả trăm triệu đồng vì BHYT không trả lại tiền công bác sĩ khám vượt 65 ca/ngày. Các bác sĩ bị trừ đều là các chuyên gia hàng đầu được bệnh nhân tin tưởng. Chẳng hạn, ngày 21/1, bác sĩ O. chuyên khoa nhi bị trừ 594.000 đồng, bác sĩ Q. chuyên khoa chấn thương chỉnh hình bị trừ 528.000 đồng, bác sĩ Tr. chuyên khoa nội tổng quát bị trừ 660.000 đồng… Tính ra, ngày đó, mỗi bác sĩ phải khám dôi ra 13-17 bệnh nhân. Khi ban giám đốc BV mời lên làm việc thì họ đều giải thích hợp lý vì người bệnh nói trong giờ hành chính, phòng khám trống sao bác sĩ không khám? Họ nghèo nên không thể khám dịch vụ...”.
|
Một ngày bác sĩ chỉ được khám 65 bệnh nhân khiến nhiều bệnh viện phải triển khai khám thêm ban đêm |
Nhiều bác sĩ trăn trở, hiện nay một số BV dứt dạt khám đúng 65 ca, bất chấp bệnh nhân than phiền. Điều này có lợi cho BV vì tăng thu nhập nhờ đẩy người bệnh sang khám dịch vụ với giá từ 60.000 - 120.000 đồng. Còn những bệnh nhân khá giả sẽ chuyển sang phòng khám tư, chấp nhận bỏ quyền lợi khám BHYT. Thống kê của Sở Y tế TPHCM cho thấy, tổng số lượt khám chín tháng đầu năm 2019 tăng 7,1-7,7% ở các BV, tăng 24% ở các trạm y tế và phòng khám của trung tâm y tế quận/huyện, nhưng tăng tới 90% ở các phòng khám đa khoa.
“Người dân còn nghèo, 60.000 đồng hay 120.000 đồng phí khám dịch vụ là số tiền không nhỏ và người bệnh mạn tính phải thường xuyên tái khám. Tôi nghĩ, BHYT nên cho phép một bác sĩ được khám trên 65 ca/ngày hoặc nới lỏng số ca khám ở một số bệnh. Thực tế, nhiều phòng khám tầm 15g đã vắng bệnh nhân. Điều này không phải do bác sĩ khám ẩu, khám vội mà nhiều bệnh nhẹ như ho, nhức đầu, sổ mũi, hoặc bệnh mạn tính chỉ tái khám lấy thuốc. Quan trọng là bác sĩ phải chịu trách nhiệm chuyên môn”, một bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp đề xuất.
Chia sẻ vấn đề này, bà Đinh Thị Liễu, đại diện Sở Y tế TPHCM, cho rằng, nhiều BV bổ sung bác sĩ ra trực để khám buổi tối là tốt nhưng điều này chỉ thực hiện được ở các BV có nhiều bác sĩ. Mặt khác, người bệnh cũng tự trả chi phí khám bệnh, chứ không được hưởng trọn vẹn như bệnh nhân BHYT ban ngày. Hiện, số ca bệnh đến khám tại TPHCM tăng thêm 10% mỗi năm, chủ yếu là bệnh nhân các tỉnh. Do đó, cần phải có chính sách riêng cho TPHCM và Hà Nội là các nơi luôn quá tải ca bệnh.
Tuy nhiên, bà Liễu vẫn giữ quan điểm áp dụng số ca bệnh trên một bác sĩ cụ thể, chứ không phải trên số bàn khám, để tránh hiện tượng một số bác sĩ “lách luật” đi công tác, đi học thêm vẫn được chấm công khám chữa bệnh, trong khi “ở nhà” lại nhờ bác sĩ mới ra trường chưa có chứng chỉ hành nghề khám thay.
Văn Thanh