Bác sĩ chỉ cách xử lý khi trẻ bị kẻ xấu tấn công

11/01/2022 - 06:17

PNO - Mới đây xảy ra trường hợp hai trẻ đang học online trong phòng trọ bị kẻ xấu dọa cướp máy tính bảng. Qua đó dấy lên lo ngại khi nhiều phụ huynh đi làm phải để con ở nhà một mình. Vậy chẳng may gặp kẻ gian đột nhập, cần làm gì để tránh nguy hiểm cho bản thân?

Nhiều trẻ chưa có kỹ năng cảnh giác trước người lạ

Trong tình huống vừa xảy ra ở tỉnh Đồng Nai, hai bé ở trong phòng trọ đóng cửa còn kẻ xấu đứng ngoài cửa sổ dọa dẫm. Nếu hai bé được dạy trước có thể sẽ biết cách hô hào hàng xóm hoặc gọi người trợ giúp kịp thời. Nhiều phụ huynh tự ngẫm lại mới thấy mình chưa hề dạy con ứng xử trong các tình huống đối diện với người lạ.

Chị Đ.T.H.T., 38 tuổi, ngụ Q.7, TPHCM, cảm thấy lo lắng vì con gái tám tuổi rất nhẹ dạ. Hễ ai gọi hay bấm chuông là bé chạy ra mở cửa ngay. Hôm nhân viên giao hàng tới nhà bấm chuông, nhìn qua camera chị thấy con ở nhà một mình chạy ra mở cửa nhận đồ thì thấy quá nguy hiểm.

Nếu người đó nảy sinh ý xấu thì trở tay không kịp. Hành động thấy người gọi bèn chạy ra mở cửa ở con gái chị T. đã hình thành như một thói quen do không được uốn nắn ngay từ đầu. Sau lần bé mở cửa mời shipper vào nhà, chị T. đã phân tích cho con không được phép nhanh nhảu mở cửa cho bất kỳ ai, bởi đó có thể là kẻ xấu. Chị dẫn chứng các câu chuyện trẻ em bị bắt cóc, gia đình bị cướp… Lúc ấy, bé nghe có vẻ rất hiểu chuyện nhưng thi thoảng vẫn quên.

Trẻ ở nhà một mình rất cần cha mẹ trang bị kỹ năng để biết cảnh giác trước người lạ - ẢNH MANG TÍNH MINH HỌA: H.N.
Trẻ ở nhà một mình rất cần cha mẹ trang bị kỹ năng để biết cảnh giác trước người lạ - Ảnh mang tính minh họa: H.N.

Thời gian này, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên trẻ em ở nhà quá lâu. Chính điều này khiến các bé thèm gặp gỡ mọi người, mà dễ dàng mở cửa cho người lạ. Anh T.T.H., ngụ TP.Thủ Đức, TPHCM, đã hoảng hồn khi đi làm về thấy nhà… đầy khách. Có ba người lạ, cả trẻ con, thanh thiếu niên và một người đàn ông trưởng thành. Con trai 12 tuổi của anh giải thích xuống sân chơi và kết bạn với một bạn đồng tuổi. Sau đó, bạn ấy rủ bé về nhà chơi. Chơi xong, con anh H. bèn rủ cả em trai bạn và chú của bạn sang nhà mình chơi game. Khi thấy có người lớn về, ba người bạn mới của con trai anh tỏ ra ngần ngại, chào rồi ra về. Anh rất sốc và bực vì con mình quá nhẹ dạ. “Tôi không dám khóa cửa phía ngoài khi cháu ở nhà một mình, vì sợ nhỡ xảy ra hỏa hoạn sẽ không thoát ra được. Thế nhưng, khóa từ phía trong thì tôi cứ thấp thỏm chỉ sợ con không nghe lời sẽ bị kẻ xấu lợi dụng hoặc có thể bị cướp uy hiếp”, anh H. lo lắng.

Tránh kích động kẻ xấu

Theo bác sĩ chuyên khoa II Lâm Hiếu Minh, Phòng khám Tâm lý, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, việc trang bị kiến thức, kỹ năng để ứng xử trong các tình huống đối diện với kẻ xấu rất cần để bảo vệ an toàn cho bản thân. Xét về góc độ tâm lý, cảm xúc của mình lúc đó sẽ tương tác với cảm xúc của kẻ trộm cướp. Nếu giữ được bình tĩnh thì sẽ giảm bớt được sự xung động cảm xúc của tội phạm. Trong tình huống trộm đột nhập, điều trọng yếu là không được làm chúng giật mình. Nếu ta đang ngủ, mở mắt ra nhìn thấy trộm thì hãy nhắm mắt lại vờ như không thấy. Nếu lúc đó, chúng đang cầm hung khí mà ta la lên hay đánh động thì kẻ xấu sẽ có xu hướng tự vệ, lập tức tấn công ta. Tránh làm chúng giật mình thì trong phần lớn các tình huống chúng ta sẽ an toàn. 

Vào thời điểm đó, nếu có cơ hội, giữ khoảng cách được đủ xa thì phải bỏ chạy và kêu cứu. Tuyệt đối không đứng đối diện với kẻ trộm cướp, trong tình huống phải tiếp xúc với chúng hãy cố gắng đứng ở bên hông. Nếu ta đứng đối diện kẻ xấu thì sẽ luôn có động tác phản ứng lại để bảo vệ bản thân, điều này vô tình làm xung động cảm xúc của tội phạm bị kích động khiến chúng dễ tấn công ta. 

Đối với trẻ con, khuyên các bé gặp trộm cướp mà bình tĩnh thì rất khó. Diễn tiến tâm lý tự nhiên của trẻ khi bị dọa thì sẽ sợ và khóc. Trách nhiệm của người lớn là phải bảo vệ các bé, tránh để con cái rơi vào tình huống một mình đối diện với kẻ cướp. Cha mẹ cần mỗi ngày rèn luyện cho con kỹ năng cảnh giác trước người lạ. Khi ở nhà một mình không được mở cửa, không được đi theo ai nếu chưa có sự đồng ý trực tiếp của phụ huynh. Luôn kể cho các bé tình huống nguy hiểm xảy ra khi không nghe lời thì hậu quả sẽ như thế nào. Chuẩn bị các số điện thoại khẩn cấp của bảo vệ chung cư, hàng xóm để ở nhà có người gọi cửa dọa dẫm thì con có thể lập tức gọi điện để được cứu nguy. 

Cơ quan công an cũng nên tổ chức các buổi trò chuyện với học sinh ở trường học nhằm trang bị cho trẻ kỹ năng khi đối diện với kẻ xấu. Trong buổi trò chuyện, nên diễn các tình huống giả định và cách xử lý để trẻ dễ tiếp thu và ghi nhớ. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI