Bác sĩ chỉ cách phòng ngừa đau mắt đỏ

11/09/2023 - 16:39

PNO - Bên cạnh sốt xuất huyết, tay chân miệng thì đau mắt đỏ là bệnh lây lan nhanh. Phụ huynh cần biết phương thức lây bệnh sẽ phòng ngừa hiệu quả cho trẻ.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, tính từ đầu năm 2023 đến ngày 31/8, tổng số ca bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ) ghi nhận tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố là 63.309 ca, tăng 15,38% so với cùng kỳ năm 2022 là 53.573 ca. Trong tổng số 63.039 ca bệnh, 1.001 ca có biến chứng như viêm giác mạc, loét giác mạc, sẹo giác mạc, bội nhiễm, suy giảm thị lực,…

Học sinh đang quay trở lại trường học, dự báo số lượng trẻ mắc bệnh đau mắt đỏ ngày càng nhiều hơn. Trước tình hình đó, không ít phụ huynh rất lo lắng về sức khỏe của con em mình. Các chuyên gia y tế cho rằng, nếu nắm rõ được đường lây của đau mắt đỏ, việc phòng ngừa rất đơn giản và hiệu quả.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM đang khám cho trẻ bị đau mắt đỏ
Bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM đang khám cho trẻ bị đau mắt đỏ

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Bạch Tuyết - Chuyên khoa Mắt Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM - cho biết, bệnh viêm kết mạc (hay còn gọi là đau mắt đỏ) ở trẻ thường xảy ra vào thời điểm giao mùa. Bệnh do vi rút, vi khuẩn gây ra nên rất dễ lây lan. Trong đó, khoảng 80% là Adenovirus, ngoài ra còn có thể do vi rút Herpes, Thủy đậu, Poxvirus… Bệnh lây nhiễm khi trẻ lành tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của mắt, mũi, miệng, hay sử dụng chung đồ cá nhân với người bệnh như qua khăn rửa mặt, quần áo, nước trong bể bơi… của trẻ bệnh.

Khi trẻ nhiễm bệnh đau mắt đỏ, triệu chứng thường gặp bao gồm mắt đỏ do xung huyết kết mạc, cộm xốn mắt như có cát trong mắt, kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều ghèn rỉ. Có thể rỉ trắng, dịch tiết dính nếu bệnh do virus, hoặc có thể rỉ xanh, vàng nếu do bội nhiễm vi khuẩn, làm cho trẻ khó mở mắt, khó nhìn, bứt rứt. Bên cạnh đó trẻ có thể kèm triệu chứng viêm mũi, họng, viêm đường hô hấp, sốt nhẹ... Nặng hơn, trẻ xuất hiện giả mạc (là một lớp màng trắng, mỏng phủ lên trên kết mạc) gây chảy máu mắt.

Hiện nay, bệnh chưa có thuốc đặc trị. Vì vậy phần lớn bác sĩ chỉ điều trị hỗ trợ theo triệu chứng cho người bệnh. Phương pháp phổ biến gồm rửa mắt bằng nước muối sinh lý NaCl 0,9 %, nhỏ thuốc, uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Tuy bệnh viêm kết mạc rất dễ lây lan nhưng phụ huynh có thể chủ động phòng ngừa cho trẻ, nếu biết rõ phương thức lây bệnh. Phụ huynh nên nhắc nhở trẻ hạn chế giụi tay vào mắt, mũi, miệng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn. Nhỏ nước muối sinh lý (NaCl 0.9%) cho trẻ để “rửa mắt” khi đi bên ngoài về. Hướng dẫn trẻ tự vệ sinh cá nhân, nhất là rửa tay bằng xà bông, dung dịch sát khuẩn, thường xuyên đeo khẩu trang và hạn chế đến nơi đông người. Không tiếp xúc trực tiếp với bạn mắc bệnh.

“Dặn dò kỹ trẻ không được dùng chung khăn, nghịch kính, bình nước, dụng cụ học tập… của bạn. Nếu con than đau rát mắt, hay sưng mắt (1 hoặc 2 bên), tròng mắt đỏ, đổ ghèn… rất có thể trẻ đã bị nhiễm bệnh. Lúc này, phụ huynh cần thông báo với giáo viên phụ trách và cho con nghỉ học theo chỉ định của bác sĩ để tránh lây lan cho những trẻ khác”, bác sĩ Tuyết nói.

Sau đó, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám để được các bác sĩ tư vấn và sử dụng đúng thuốc đúng liều lượng, tránh tình trạng lạm dụng sai thuốc gây ra biến chứng. Bên cạnh đó, cha mẹ cần thận tránh tiếp xúc dịch tiết từ mắt, mũi trẻ. Sau khi cho trẻ ăn, uống thuốc, vệ sinh cá nhân, cha mẹ hãy rửa tay bằng xà bông, bỏ các rác thải vào sọt rác có nắp đậy để tránh lây lan sang người trong gia đình và hàng xóm, tránh để bệnh đau mắt đỏ phát tán ra cộng đồng.

Phạm An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI