Bác sĩ cảnh báo nguy cơ ngộ độc thực phẩm ngày tết

12/02/2024 - 06:14

PNO - Ngày tết, các gia đình thường dự trữ, chế biến nhiều thức ăn. Nếu không bảo quản kỹ, thực phẩm dễ hư hỏng, sau khi ăn sẽ gây rối loạn tiêu hóa, thậm chí ngộ độc thực phẩm.

Nhiều trẻ bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc ngày tết

Nhiều gia đình có quan niệm năm mới phải đủ đầy thì cả năm mới dư dả, đồng thời để tránh đi mua sắm nên thường trữ nhiều nước, đổ đầy gạo, mua đồ ăn, thức uống nhiều hơn. Thực phẩm nếu bảo quản không đúng, sau khi ăn có thể gây rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm; đặc biệt là trẻ nhỏ.

Càng cận tết, người dân càng có thói quen mua nhiều thực phẩm để dự trữ
Nhiều người có thói quen mua nhiều thực phẩm để dự trữ

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Trần Nam - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP - cho biết, hầu như năm nào bệnh viện cũng tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ ngộ độc thực phẩm trước hoặc trong tết. Có trẻ, khi được đưa đến bệnh viện thì bệnh đã vào giai đoạn nặng, tiêu chảy nhiễm độc nặng, thậm chí tử vong. 

Ngộ độc thực phẩm rất nguy hiểm, nhất là với trẻ nhỏ, nếu mất nước quá nhiều có thể gây trụy tim mạch, nặng hơn là nhiễm trùng máu hay các vi khuẩn vào máu làm ảnh hưởng lên các cơ quan chức năng trong cơ thể. Khi bị ngộ độc thực phẩm, trẻ sẽ nôn ói liên tục, tiêu chảy và có thể kèm theo sốt. Nặng hơn là nhiễm trùng máu, nổi đỏ ở da… Lúc này, nên tạm dừng cho trẻ ăn uống. Bởi vì khi ăn vào, bé dễ bị nôn ói, đi tiêu lỏng liên tục, nguy cơ mất nước rất cao dẫn đến cơ thể không hấp thu dinh dưỡng hoặc vi khuẩn ngấm vào máu gây nhiễm trùng máu.

Khi phát hiện trẻ nôn ói, mệt mỏi, cần ngưng ngay món ăn nghi ngờ gây ngộ độc nhưng vẫn nên bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ, quan trọng là chia nhỏ bữa ăn, không ép bé ăn quá no, mỗi đợt ăn nên cách nhau vài tiếng, cho bé ăn thật chậm, từng ít một. Quan trọng nhất vẫn là bù nước vì lúc này bé sẽ mất rất nhiều nước.

“Có trường hợp bé nôn ói nhiều quá không hấp thu được dinh dưỡng, hoặc cha mẹ thường có thói quen cho con ăn cháo trắng với muối, không bổ sung nước, không cho ăn thịt, cá, rau… Điều này là rất sai lầm, bởi trẻ đã bị bệnh, lại không được bổ sung dinh dưỡng đầy đủ thì sức đề kháng sẽ bị hạn chế” - bác sĩ Nam cho biết.

Bác sĩ cảnh báo chỉ nên mua đồ ăn vừa đủ, bảo quản đúng quy định để hạn chế nguy cơ ngộ độc
Mua vừa đủ và bảo quản thức ăn đúng cách để hạn chế nguy cơ ngộ độc

Nên mua, chế biến thức ăn vừa đủ 

"Trong ngày tết, mọi người thường đến thăm nhà, chúc tết, mời nhau ăn uống từ nhà này sang nhà kia, nhiều người cùng ăn, qua đó đồ ăn sẽ bị tiếp xúc nhiều hơn, càng không đảm bảo an toàn thực phẩm. Nhiều người ăn ở hàng quán không đảm bảo vệ sinh cũng dễ bị ngộ độc thực phẩm" - bác sĩ Nam nói thêm. 

Bác sĩ khuyến cáo, mọi người nên chọn lọc kỹ, mua đủ số lượng thực phẩm cần sử dụng. Nên chọn lựa thực phẩm tươi mới, có nguồn gốc rõ ràng, bảo quản đúng cách. Chỉ nấu vừa đủ ăn, thức ăn phải được đậy kín, để ở nhiệt độ phù hợp, không nên để thức ăn bên ngoài quá lâu vì sẽ dễ bị lên men, mốc hỏng. Không nên quá lạm dụng tủ lạnh để dự trữ thức ăn, dồn đồ ăn thừa vào tủ lạnh quá nhiều cũng dễ gây nhiễm khuẩn. Ngoài ra, cần thường xuyên vệ sinh tủ lạnh. 

Mọi thành viên trong gia đình cần tập thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh để bảo vệ sức khỏe cả nhà. Hạn chế việc để sẵn thức ăn như bánh mứt, đồ ăn khô rồi bốc ăn, vì như vậy rất dễ đưa vi khuẩn vào cơ thể. Nếu ăn ở hàng quán, nên chọn nơi sạch sẽ, vệ sinh.

Khi có dấu hiệu ngộ độc, nhất là trẻ em bị ói quá nhiều, không ăn uống được, cảm giác đừ người, ngày càng mệt, sốt cao, tiêu chảy nhiều hay có biểu hiện bất thường thì phải đưa ngay trẻ đến bệnh viện để thăm khám và điều trị, cũng như để bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc phù hợp. Tuyệt đối không kiêng kỵ ngày tết, bởi nếu bệnh diễn tiến nặng, nhiễm độc nhiều, trẻ sẽ gặp nguy hiểm.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI