Bác sĩ cảnh báo đầu năm nhiều trẻ đuối nước thương tâm

13/02/2025 - 11:59

PNO - Chỉ trong thời gian ngắn, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM tiếp nhận 7 trẻ nhỏ đuối nước, nhiều trường hợp nặng, có trẻ tử vong.

Trưa 13/2, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM cho biết từ đầu tháng 1/2025 đã liên tục cấp cứu, điều trị cho 7 bệnh nhi bị đuối nước. Phần lớn các bé nguy kịch, tình trạng nặng nên gia đình xin về, đã có trẻ tử vong.

Gần nhất là bé M.T. (3 tuổi, ở Đắk Nông) được chuyển đến đã tiên lượng rất nặng. Theo gia đình của bé, T. đang chơi cùng bạn bị ngã xuống hồ nước trước nhà.

Người lớn phát hiện, vớt các bé lên thì một bé đã tử vong, còn T. được người nhà xốc nước, sơ cứu rồi đưa đến cơ sở y tế ở địa phương.

Lúc này, tình trạng của bé quá nặng nên bệnh viện chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp tục cấp cứu. Tuy nhiên, bé đã bị ngưng tim ngưng thở trước khi nhập viện, gia đình xin đưa bé về nhà.

Bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng 2 khám cho trẻ bị đuối nước - Ảnh Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng 2 khám cho trẻ bị đuối nước - Ảnh Bệnh viện cung cấp

Theo thống kê của bệnh viện, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận 7 trường hợp trẻ đuối nước được đưa vào cấp cứu, đa số là các bé dưới 5 tuổi. Các bệnh nhi hầu hết đã nguy kịch, khó khăn trong cứu chữa nên gia đình xin về, hoặc tử vong.

Bác sĩ CK2 Ngô Thị Thanh Thủy - Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 - cho biết, đuối nước là một trong những tai nạn sinh hoạt thường gặp. Trong đó, trẻ từ 1 - 3 tuổi có tỷ lệ bị đuối nước cao nhất, nếu không được người lớn quan sát, theo dõi cẩn thận.

Nhiều người cho rằng trẻ chỉ đuối nước ở ao, hồ, sông, suối,… tuy nhiên trẻ nhỏ vẫn có thể gặp nguy hiểm nếu ngã vào bồn tắm, lu, chậu,… ngay trong nhà.

Bác sĩ cảnh báo, khi phát hiện trẻ đuối nước, mọi người cần giữ bình tĩnh, nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước. Đặt trẻ ở vị trí khô ráo, nhanh chóng đánh giá tình trạng hô hấp, tiến hành thổi ngạt nếu trẻ không thở, đặt trẻ nằm nghiêng một bên để tránh hít sặc do nôn ói. Lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Tuyệt đối không hơ lửa cho trẻ vì có thể gây bỏng, tụt huyết áp do giãn mạch, không xốc nước vì không có hiệu quả và làm chậm trễ thời gian cấp cứu, không móc họng gây nôn hay bất cứ thao tác nào để lấy nước từ phổi ra vì không hiệu quả.

Phụ huynh không chủ quan ngay cả khi trẻ biết bơi, luôn quan sát trẻ, đặc biệt khi sống ở khu vực sống gần ao, hồ, sông, suối,… Tránh để các xô, chậu, chứa nước trong nhà. Tại các hồ non bộ, hồ nuôi cá cảnh nên có thêm rào chắn bảo vệ.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI