Bác sĩ căng mình 60 phút gắp 200 viên sỏi trong khuỷu tay cho thanh niên 18 tuổi

16/10/2019 - 11:21

PNO - Sau khi đắp lá, không những không đỡ đau, khuỷu tay phải của anh T. ngày càng sưng to và đau hơn.

Sáng 16/10, bác sĩ Nguyễn Hữu Mạnh - Trưởng đơn nguyên Phẫu thuật Vai và Khuỷu, khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) - cho biết đơn vị này vừa mổ nội soi cho anh Lê Quốc T., 18 tuổi và lấy ra hàng trăm viên sỏi nhỏ màu trắng trong khớp khuỷu tay phải.

Bac si cang minh 60 phut gap 200 vien soi trong khuyu tay cho thanh nien 18 tuoi
Hàng trăm viên sỏi màu trắng nằm trong khuỷu tay bệnh nhân T.

Trước đó, anh T. nghĩ khuỷu tay của mình chỉ chấn thương nhẹ nên không đi khám mà đắp lá (không rõ thành phần) theo lời khuyên của người nhà. Sau khi đắp lá, không những không đỡ đau, khuỷu tay phải của anh T. ngày càng sưng to và đau hơn.

Các triệu chứng không thuyên giảm mà ngày càng nặng lên. Anh T. bị đau nhức khớp khuỷu cả ngày lẫn đêm, mất ngủ triền miên. Khuỷu tay vận động khó và có cảm giác bị kẹt, không thể duỗi thẳng tay, ảnh hưởng đến việc học.

Sau 2 tuần đắp lá không hiệu quả, anh T. đi khám, được chẩn đoán viêm màng hoạt dịch khớp khuỷu và được điều trị bằng thuốc uống cũng như tiêm corticoid vào khớp khuỷu 2 lần.

Gần đây, anh T. đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Kết quả chụp cộng hưởng từ chẩn đoán anh bị bệnh u sụn màng hoạt dịch. Đây là một dạng dị sản lành tính của bao hoạt dịch, trong đó các tế bào liên kết có khả năng tự tạo sụn.

Trong ổ khớp, các khối sụn nhỏ mọc chồi lên bề mặt, sau đó phát triển cuống và trở thành các u. Các u này xơ cứng lại và được gọi là u sụn, một số rơi vào trong ổ khớp, trở thành các dị vật khớp.

Sự xuất hiện các dị vật trong khớp sẽ ảnh hưởng đến sự vận động của khớp, gây ra các triệu chứng như: đau, hạn chế vận động theo cơ chế cơ học, viêm màng hoạt dịch gây tràn dịch khớp và thường tiến triển từ từ tăng dần.

Bac si cang minh 60 phut gap 200 vien soi trong khuyu tay cho thanh nien 18 tuoi
 

Anh T. đã được chỉ định phẫu thuật nội soi khớp khuỷu để dọn tổ chức viêm và lấy các tổ chức dạng hạt sụn trong khớp.

Khi đặt ống camera soi vào khớp kiểm tra, các phẫu thuật viên rất kinh ngạc khi thấy trong khớp khuỷu của bệnh nhân có hàng trăm hạt sụn màu trắng sữa. Một số hạt dính vào màng hoạt dịch khớp, trong khi một số khác rơi tự do vào trong khớp. Đây chính là nguyên nhân gây kẹt khớp khuỷu của bệnh nhân.

Ca phẫu thuật nội soi khớp khuỷu diễn ra trong khoảng 1 tiếng đồng hồ, các bác sĩ đã lấy ra khỏi khớp khuỷu bệnh nhân khoảng 200 hạt sụn với các kích thước khác nhau. 

Trước mổ, anh T. chỉ gấp khuỷu được 90 độ, không duỗi được hết nhưng ngày thứ 2 sau mổ, bệnh nhân gấp và duỗi khuỷu được. 

Bệnh lý u sụn màng hoạt dịch thường gặp ở người có tiền sử bệnh khớp như thoái hóa khớp, viêm khớp do lao, gãy xương phạm khớp, chấn thương vùng khớp… Tuy nhiên, nhiều trường hợp bệnh lý này xuất hiện mà không có một nguyên nhân cụ thể nào.

Để hạn chế mắc bệnh, chúng ta cần tăng cường luyện tập thể dục thể thao: vận động khớp nhẹ nhàng, đều đặn có thể giúp tăng độ dẻo dai của khớp. Bơi lội là môn thể thao phù hợp vì giúp loại bỏ trọng lực lên khớp. Đồng thời, đảm bảo chế độ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là can xi.

An Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI