|
Y, bác sĩ bỏ bệnh viện công không phải chỉ vì thu nhập mà còn vì áp lực công việc (ảnh mang tính minh họa) - Ảnh: Huyền Anh
|
Tình hình chuyển dịch bác sĩ từ bệnh viện (BV) công sang BV tư đang diễn biến rất mạnh mẽ. Bác sĩ Lê Thị Phương Trâm, Phó giám đốc BV đa khoa Đồng Nai, cho biết: “BV có 341 bác sĩ, nhưng năm 2020 có 20 bác sĩ nghỉ việc; còn ba tháng đầu năm 2021 thêm bảy bác sĩ ra đi. Nhiều bác sĩ có chứng chỉ hành nghề hoặc học xong chuyên khoa 1 (tương đương thạc sĩ) là nghỉ việc để qua BV tư. Còn các bác sĩ ở vị trí phó khoa nghỉ việc để sang BV tư làm ở vị trí cao hơn. Đáng lo khi số lượng bác sĩ làm việc từ 2-5 năm chiếm khoảng 44%, bác sĩ mới càng dễ nhảy việc sang BV tư”.
Ra đi không chỉ vì lương
Theo thống kê của Sở Y tế Đồng Nai, tình trạng bác sĩ nghỉ việc tại BV công diễn ra dồn dập từ năm 2016 và kéo dài tới năm 2021, mỗi năm có trên dưới 100 bác sĩ bỏ đi. Nguyên nhân chủ yếu do BV tư có thu nhập cao hơn. Trước tình trạng bác sĩ “di cư”, BV đa khoa Đồng Nai đã tiến hành cuộc khảo sát. Kết quả cho thấy, có tới 70% bác sĩ trông chờ mức lương tăng lên từ 20-25 triệu đồng/tháng để đủ sống; 20% bác sĩ mong được 25-30 triệu đồng.
“Trong khi thu nhập trung bình của bác sĩ hiện 17 triệu đồng/tháng. Nếu bác sĩ muốn tăng lương sẽ rất khó khăn và chưa có giải pháp hữu hiệu nên không thể giữ chân họ”, bác sĩ Trâm chia sẻ.
Mới đây, tại TPHCM, một BV tư ra đời đã gây xôn xao trong giới y khoa nhờ chính sách ưu đãi cạnh tranh. Mức lương mỗi tháng của bác sĩ gấp nhiều lần BV tư khác. Nhiều bác sĩ tại BV này có thu nhập một tháng bằng cả năm làm lụng ở BV công. Ngoài chế độ lương, BV này còn nhiều khoản thưởng, tổ chức sinh nhật cho từng bác sĩ, tạo điều kiện để bác sĩ phát huy tất cả tiềm năng mà khi ở BV công chưa thực hiện được.
Cụ thể, BV này đầu tư nhiều trang thiết bị máy móc hiếm có ở Việt Nam như: hệ thống phòng mổ đạt chuẩn Hybrid để thực hiện các ca đại phẫu thuật, ghép tạng; hệ thống máy và phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nuôi cấy phôi phục vụ quá trình thụ tinh ống nghiệm; hệ thống máy xét nghiệm Cobas Pro hiện đại hàng đầu Đông Nam Á. Nhờ đó, BV này thu hút nhiều bác sĩ đầu ngành, tiếng tăm từ BV công về làm việc, trong đó BV Đại học Y Dược TPHCM mất một lượng lớn bác sĩ giỏi.
|
Nhiều BV công mất bác sĩ vì áp lực công việc |
Khi được hỏi lý do từ bỏ BV Đại học Y Dược TPHCM vốn danh tiếng, thu nhập khá cao, một bác sĩ chuyên khoa tim mạch chia sẻ: “Tôi thuộc hàng tốp thu nhập tại BV, mỗi tháng từ 100 - 200 triệu đồng, nhưng vẫn nghỉ việc. Nguyên nhân do bệnh nhân ngày càng đông, bác sĩ làm việc áp lực nhưng cách phân bố bác sĩ không hợp lý, hợp tình. Trước đây, BV có tám bác sĩ cùng làm việc rất tốt ở Khoa Tim mạch, nay BV chia ra làm hai khoa, Khoa Tim mạch người lớn và Khoa Tim mạch nhi, nhân sự mỗi khoa chỉ còn bốn người, làm việc cực, chia ca trực cũng khó khăn. Tôi thấy mình không còn phù hợp”.
Cùng tâm trạng này, bác sĩ Lê Xuân Bảo, khoa Ngoại niệu BV Đại học Y Dược Shingmark, chia sẻ: “Tôi nghỉ việc tại BV đa khoa Đồng Nai do môi trường áp lực vì đông bệnh nhân, trong khi thu nhập chỉ 11 triệu đồng. Tôi còn phải nuôi ba con nhỏ, phụng dưỡng cha già 90 tuổi ở quê và em ăn học. Chưa kể, khi làm ở BV tư, tôi được đưa đi nước ngoài đào tạo, thu nhập tăng cao so với trước nhưng áp lực lại giảm, bệnh nhân không nhiều nên đỡ vất vả”.
Một số bác sĩ thẩm mỹ cũng chạy sang BV tư vì BV công không có cơ chế chi và không có cơ chế quảng cáo, nên không thể cạnh tranh với bên ngoài. Chưa kể, BV tư trả lương tương xứng sức lao động, có thời gian tập trung công việc, làm nhiều điều hơn cho bệnh nhân. Môi trường BV tư sạch sẽ hơn giúp hạn chế nhiễm khuẩn BV, giảm tỷ lệ bệnh nhân chết vì nhiễm trùng.
Thu hút ngược bác sĩ Bệnh viện tư
Tại TPHCM, nhiều BV công phải “vận động“ tìm mọi cách để “giữ chân” được bác sĩ giỏi. Nhiều BV đã tái cấu trúc thành công, đời sống nhân viên được nâng cao như BV Từ Dũ, BV Hùng Vương, BV Lê Văn Thịnh, BV TP.Thủ Đức, BV Răng Hàm Mặt TPHCM…
Một bác sĩ làm việc tại BV Nhi Đồng 2 chia sẻ: “Trước đây, khi tôi nghe một BV tư mới mở đãi ngộ nhiều chính sách tốt, nhất là về thu nhập cao, tôi liền bỏ BV công. Làm được một thời gian, cơ sở này bắt đầu ra chỉ tiêu yêu cầu mỗi bác sĩ phải khám được một số lượng bệnh nhân nhất định mỗi năm, bác sĩ làm cả việc chiêu mộ khách hàng, chứ không chỉ làm chuyên môn. Do đó, tôi xin quay về BV Nhi Đồng 2 để làm đúng chuyên môn nghề y”.
BV tuyến quận vốn dễ bị tổn thương nhất do thu nhập lẫn danh tiếng khó cạnh tranh so với BV tuyến cuối, nhưng BV Lê Văn Thịnh lại thành công khi thu hút nhân tài từ BV tuyến cuối về, thậm chí cả bác sĩ ở BV tư cũng tìm đến.
Chia sẻ bí quyết này, bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Lê Văn Thịnh, nhận định: “Để thu hút và giữ nhân tài, ngoài chế độ lương theo bậc ngạch, BV có thu nhập tăng thêm cho nhân viên bằng cách phát triển dịch vụ, cải cách thủ tục hành chính, đầu tư công nghệ thông tin, cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp, trang thiết bị y tế đầy đủ để phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị… Ngoài thời gian làm ở BV, bác sĩ có điều kiện về nhà làm phòng mạch tư, phòng khám tư, hỗ trợ các BV công khác… để tăng thu nhập, trong khi bác sĩ ở BV tư sẽ không còn thời gian làm việc này. Khi có một nhân viên xin nghỉ việc, BV cũng phải tìm hiểu tâm tư để điều chỉnh kịp thời…”.
Công hay tư đều phải vì bệnh nhân
Tiến sĩ - bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, trăn trở: chuyện bác sĩ nghỉ việc ở BV công không mới nhưng rất đáng báo động. Trước hết, bản thân lãnh đạo các BV phải năng động để tìm cách tháo khó, tăng nguồn thu cho nhân viên y tế. Nhưng dù áp dụng mô hình gì thì cuối cùng phải để bệnh nhân hưởng lợi, để bác sĩ không “đuổi” bệnh nhân... ra phòng khám tư nữa.
“Chúng ta không thay đổi cách nhìn của bác sĩ, không gắn liền lợi ích BV với túi tiền của bệnh nhân thì không bao giờ thành công. Có cơ sở với máy móc hiện đại, có nguồn lực nhưng bác sĩ không muốn có nhiều bệnh nhân, vì khám nhiều cực, còn BV tư họ ý thức được nếu không khám cho bệnh nhân thì đóng cửa, thất nghiệp”, bác sĩ Vũ nói.
Bác sĩ thu nhập 30 triệu/tháng mới đủ sống
Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương, cho rằng thu nhập của bác sĩ BV công 30 triệu đồng/tháng mới có thể đảm bảo được cuộc sống. Để có mức thu nhập này, BV phải cải thiện môi trường khám chữa bệnh “sang chảnh” như BV tư nhưng viện phí cạnh tranh. BV thành lập thêm nhiều khoa chuyên sâu, mũi nhọn mà ít BV tư làm được như: Khoa Nhũ, Khoa Di truyền y học, Đơn vị chăm sóc tiền mãn kinh - mãn kinh; đạt chuẩn chất lượng quốc tế RTAC về hỗ trợ sinh sản. BV triển khai mô hình xét nghiệm tự động hóa, đây là dây chuyền xét nghiệm tự động hóa hiện đại đầu tiên được triển khai tại một BV sản phụ khoa công lập trên cả nước.
Ngoài ra, lãnh đạo BV phải xây dựng được môi trường làm việc thân thiện, chia sẻ, đoàn kết. “Thu nhập chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ. Người lãnh đạo phải cố gắng làm sao để các bác sĩ nể và quý nữa thì họ mới ở lại BV công. Nhiều khi thu nhập ít một chút nhưng bác sĩ vẫn ở lại vì những đóng góp của họ được công nhận”, bác sĩ Tuyết chia sẻ.
|
Bình Minh - Gia Huy - Hiếu Nguyễn