Bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ không khám thai nhưng vẫn ra kết quả: Lỗi phần mềm, lỗi chuẩn quốc gia hay cẩu thả?

24/05/2019 - 06:57

PNO - Cả hai lần thai phụ đi khám thai tại Bệnh viện Từ Dũ, gặp hai bác sĩ khác nhau nhưng đều chung một quy trình khám: không hỏi thai phụ, không khám và phán kết quả theo tưởng tượng.

Quy trình khám thai chuẩn… hên xui

Báo Phụ Nữ TP.HCM nhận được phản ảnh của chị Lê Thị T.N., ở H.Nhà Bè (TP.HCM) về việc chị khám thai ở Bệnh viện (BV) Từ Dũ, bác sĩ (BS) không hề khám hay chạm vào người nhưng vẫn ghi thông tin đầy đủ trong kết quả.

Chị N. cho chúng tôi xem hai phiếu khám thai ngày 18/3/2019 do BS Lý Xuân Sơn ký tên và ngày 9/4/2019 do BS Phan Thanh Bình ký tên. Chị N. khẳng định ở hai lần khám này, chị chỉ được điều dưỡng đo huyết áp, sau đó lên bàn khám và BS hỏi đúng một câu: thai được bao nhiêu tuần. BS hoàn toàn không chạm tay vào người chị. Vậy mà, một lát sau, chị nhận được kết quả khám thai với thông số đầy đủ. 

Bac si Benh vien Tu Du khong kham thai nhung van ra ket qua: Loi phan mem, loi chuan quoc gia hay cau tha?
 

Lần khám đầu, phần khám sản ghi: Phù: không; âm hộ: bình thường; âm đạo: sạch; cơn gò: không; CTC: đóng; bề cao CTC: 8cm. Lần hai: Âm đạo: sạch; CTC: đóng; bề cao CTC: 12cm. Chị N. bức xúc: “Tôi không thể tin được, một BV lớn như Từ Dũ mà BS không khám vẫn ghi kết quả đầy đủ”.

Chị N. ngạc nhiên là ở lần sinh đầu tiên, chị từng đi khám thai ở BV khác, lần nào cũng được BS hỏi han và khám bụng hẳn hoi, lấy thước dây đo bụng. Và chỉ khi khám trong, BS mới ghi các thông số như âm đạo, CTC… Còn đằng này BS tự ghi bừa nên chị rất bức xúc.

Ngày 9/5, phóng viên theo chân chị N. đi khám thai theo định kỳ tại khu M, BV Từ Dũ. Trong lúc chờ chị N. vào khám, tôi đã trò chuyện với các thai phụ. Chị Nguyễn Thị H., ở Q.4 cho biết, chị đã đến đây khám thai hai lần và không lần nào BS khám trong, nhưng cũng ghi thông số đầy đủ như chị N. 

Còn chị Trương Thị H., ở Q. Bình Tân, có thâm niên khám thai ở đây gần chục năm với hai lần sinh trước. Khi tôi hỏi: “BS có khám trong chị không?”. Chị nói: “Đâu có, khi nào mình có gì bất thường BS mới khám”.

Tôi hỏi tiếp: “Vậy BS có hỏi bà bầu có gì bất thường không?”. Chị hồn nhiên: “Hên xui à, BS nào siêng nói thì mới hỏi, còn BS nào ít nói, làm biếng nói thì không có hỏi”. Chị cũng cho biết, có khi BS có chạm vào người thai phụ, nhưng phần nhiều là không và chị tự lý giải là: “Tại em không có gì nên BS đâu có đụng chi”.  

Cũng như chị N. và các thai phụ khác, chị H. cho tôi xem phiếu khám thai cũng được ghi các thông số như chị N., dù BS không khám.

Câu chuyện tôi với chị H. còn tiếp tục thì chị N. quay ra. Chị chìa cho tôi xem kết quả khám thai có chữ ký của BS Thái Thị Ân Giang và lần này thì không có ghi thông số về âm đạo, cơn gò, CTC, mà chỉ ghi: Bề cao CTC: 28cm.

Chị N. cho  biết, lần này BS có rờ bụng chị nhưng hoàn toàn không lấy thước đo bụng vậy mà cũng định lượng được chính xác bề cao CTC, trong khi tất cả BS khám thai ở các BV đều phải dùng thước để đo.

Mặc kệ chuẩn khám thai của Bộ Y tế hay Bệnh viện

Ngày 22/5, phóng viên đặt lên bàn BS Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó giám đốc BV Từ Dũ ba tờ giấy khám thai của chị N. và trình bày câu chuyện. BS Mỹ Nhi xem kỹ và khẳng định: “Nếu không khám cho thai phụ thì tuyệt đối không được ghi”.

BS Mỹ Nhi cũng loại trừ yếu tố lỗi phần mềm vì cả ba lần đều cho kết quả khác nhau. Vị lãnh đạo BV tặc lưỡi: “Nếu BS không khám mà ghi như thế này là sai rồi. Tôi sẽ làm việc lại với các BS trực tiếp khám cho thai phụ N. Tôi và BV xin nhận lỗi”. 

Khi BS Mỹ Nhi hỏi tôi thai phụ 31 tuần rồi hả? Tôi nói chỉ 21 tuần thôi. BS lại lắc đầu vì trong phiếu khám thai lần ba của chị N. ghi tuổi thai 31 tuần. 

BS Mỹ Nhi cho biết ở BV Từ Dũ có quy trình khám thai là: lần khám thai lần đầu ở tam cá nguyệt thứ nhất (ba tháng đầu tiên) là phải khám trong để xem có gì bất thường, hoặc có bị viêm nhiễm, khối u hay không.

Còn ở tam cá nguyệt thứ hai, BS sẽ theo dõi thai bằng siêu âm, không khuyến khích khám trong vì có nguy cơ gây nhiễm trùng. Đến tuần thai từ 38 trở lên, thai phụ sẽ được khám trong để xem có dấu hiệu sanh, hay tử cung đã mở hay chưa.

Còn bất cứ khi nào thai phụ có những dấu hiệu bất thường như: đau bụng, ra huyết… BS sẽ khám trong để kiểm tra. Riêng với nhóm sản phụ có nguy cơ như từng sẩy thai, sinh non, thai lưu… sẽ được tầm soát tìm nguyên nhân.

BS Mỹ Nhi cũng khẳng định: khám thai là phải thăm thai phụ: về kỳ kinh, tuổi thai, ăn uống thế nào, có gì bất thường; khám thai là chắc chắn có chạm vào người thai phụ. Và dĩ nhiên, không khám thì tuyệt đối không được ghi các thông số về âm đạo, âm hộ…

Bac si Benh vien Tu Du khong kham thai nhung van ra ket qua: Loi phan mem, loi chuan quoc gia hay cau tha?
Thai phụ chờ khám thai, tư vấn tiền sản ở Bệnh viện Từ Dũ

Theo các chuyên gia sản, mỗi BV có thể có quy trình khám thai khác nhau, nhưng đều có những điểm chung, dựa trên chuẩn khám thai quốc gia do Bộ Y tế ban hành năm 2016.

Theo đó, chuẩn khám thai từ Bộ Y tế, hay BV đều quy định rõ ràng, nhưng với cách khám của nhiều BS ở khu M - đã cho thấy họ không tuân thủ những chuẩn này. Bởi, nếu theo chuẩn của Bộ Y tế thì phải ghi đầy đủ phần khám sản ở mỗi lần khám thai.

Ở đây thì người có ghi, người không và người ghi 1, 2 yếu tố; người ghi 4, 5. Còn nếu chuẩn của BV thì cũng theo nửa vời. Vì khám thai phải hỏi han, khám bụng thai phụ - mà ở đây qua chuyện chị N. và các thai phụ khác cho thấy điều này dường như xa xỉ.

Còn sau 38 tuần phải khám trong cho thai phụ thì cũng hên xui. Chị H. kể ngay buổi sáng ngày 9/5, chị khám cùng một thai phụ tên T. ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã đủ tuần thai 40 nhưng chưa có dấu hiệu sanh. BS không khám trong thai phụ và dặn chị về nếu thấy đau bụng, ra huyết thì vô BV ngay, nếu không có dấu hiệu gì thì ba ngày sau vô tái khám.

Thai phụ T. về nhà (thuê ở sát BV Từ Dũ) được một lúc lại trở vô, vì “có một cục gì… rớt ra khi đi bị cọ vào đau lắm”. Chị H. hỏi sao lúc nãy không nói để BS khám thì chị T. nói: “Tại BS không hỏi, mà em không dám nói, về than đau quá nên má em bắt trở vô”. Vậy là sau khi chị T. khai tình trạng như vậy, BS đã khám lại và cho chị T. nhập viện ngay.  

Và không biết có liên quan đến việc “tiền nào của đó” giữa khám thường và khám dịch vụ hay không, nhưng nhiều thai phụ từng khám thai dịch vụ tại khu N ở BV Từ Dũ khẳng định: “BS ở đây nhiệt tình, ân cần và khám rất kỹ”. 

Việc BS khám thai không nhiệt tình, không ân cần hỏi han, BS Nguyễn Bá Mỹ Nhi thừa nhận thực trạng đó có thể có. Vì BV luôn trong tình trạng quá tải, đông đúc bệnh nhân.

Theo quy định của Bộ Y tế, mỗi BS chỉ khám từ 30-35 bệnh nhân, nhưng ở đây một BS phải làm gấp đôi. Một ngày phải lặp đi lặp lại những câu hỏi quen thuộc từ sáng đến tối nên có thể có lúc ít hỏi, hoặc thiếu sự nhiệt tình.

“Thật ra, chuyện bệnh nhân phàn nàn ở phòng khám của BV Từ Dũ, tôi nghĩ là vấn đề chung ở các phòng khám của những BV công. Vì thực sự quá đông, quá tải nên có những hạn chế. Còn khi vào nội trú chúng tôi làm rất tốt, ít khi bị bệnh nhân than phiền. Về việc báo phản ảnh, chúng tôi sẽ chấn chỉnh lại thái độ, cách làm việc của BS”, BS Nguyễn Bá Mỹ Nhi nói.

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI