Bác sĩ bệnh truyền nhiễm giải thích vì sao 'Cô Vy' thích người lớn hơn trẻ em

11/02/2020 - 18:06

PNO - Dường như "Cô Vy" (2019-nCoV) chỉ "thích" người già và đàn ông, mà ít quan tâm tới trẻ em!

Dẫn chứng từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, được đăng tải trên các tạp chí y khoa uy tín, dựa trên kinh nghiệm chiến đấu chống các loại dịch bệnh, tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã đưa ra những nhận định bất ngờ về virus corona chủng mới (2019-nCoV).

Các chủng virus corona thường… chê trẻ em

Tạp chí y khoa uy tín New England Journal of Medicine (NEJM) vào ngày 29/1/2020 đăng tải kết quả khảo sát 425 ca viêm phổi do 2019-nCoV từ tháng 12/2019 đến 22/1/2020 tại Vũ Hán.

Theo kết quả khảo sát, không có trẻ em (trường hợp được định nghĩa là người dưới 15 tuổi) nào bị bệnh. Đa số người mắc bệnh là người lớn tuổi (trên 50 tuổi). Từ thông tin này, tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu nói: “Mình nghĩ khi số ca bệnh tăng lên hàng chục ngàn thì thế nào cũng có trẻ em nhiễm bệnh. Nhưng cho đến hiện nay vẫn khá ít báo cáo về bệnh do nCoV ở trẻ em".

Bệnh nhi được chăm sóc tại khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1, TP.HCM
Bệnh nhi được chăm sóc tại khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM chưa ghi nhận ca nhiễm corona

Mở rộng ra với những chủng virus corona khác, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhận định: “Kết quả trên là tương tự như với bệnh SARS và MERS CoV trước đây. Số trẻ em mắc bệnh rất thấp so với ca người lớn. Tỷ lệ trẻ em tử vong cũng rất thấp”.

Một căn bệnh khác có nét tương đồng là bệnh cúm, cũng có tỷ lệ tương tự. Bác sĩ Châu cho biết: “Không chỉ với nCoV, rất nhiều trẻ em Hoa Kỳ bị nhiễm virus cúm mỗi năm, nhưng số trẻ em chết vì căn bệnh này ít hơn rất nhiều so với người lớn.

Chẳng hạn, trong mùa dịch 2018-2019, ước tính có khoảng 7,6 triệu trẻ em từ 5 đến 17 tuổi bị cúm, nhưng chỉ có 211 người chết, với tỷ lệ tử vong là 0,002%. Ngược lại, ước tính có khoảng 11,9 triệu người trưởng thành từ 18 đến 49 tuổi bị cúm, nhưng 2.450 người đã chết với tỷ lệ tử vong là 0,02%”.

Giả thuyết: Miễn dịch ở trẻ em có thể chống lại nCoV

Theo bác sĩ Châu, trả lời phỏng vấn Tạp chí Time, tiến sĩ Sharon Nachman - một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhi khoa tại Bệnh viện Nhi Đồng Stony Brook, ở Stony Brook, Hoa Kỳ đưa ra giả thuyết cho rằng môi trường trẻ em sống có thể là yếu tố bảo vệ.

Trẻ em có thể từng nhiễm các loại coronavirus thông thường (loại virus gây cảm lạnh) do đó đã có miễn dịch. Miễn dịch này cho phép bảo vệ chéo với SARS-CoV, MERS-CoV và hiện nay là nCoV-2019! Khả năng miễn dịch với coronavirus này giảm dần ở người lớn!

Giả thuyết này có cơ sở của nó. Theo bác sĩ Châu, virus corona có một số chủng như 229E, NL63, OC43, HKU1 được y khoa phát hiện từ giữa thập niên 1960. Đây chỉ là những con virus lành tính, gây cảm sốt rồi tự khỏi (nếu không có thêm bội nhiễm vi trùng).

Ông cũng cho rằng trong các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trẻ em chưa bao giờ được cho là nhóm có nguy cơ cao nhiễm virus nCoV-2019 cũng như các loại coronavirus khác. Đồng thời, y khoa chưa hề khuyến cáo trẻ con đi nhà trẻ, đi học phải mang khẩu trang để phòng bệnh hô hấp (human coronavirus và các virus gây cảm lạnh khác). Chỉ khi nào trẻ bệnh thì cho nghỉ học, cách ly tại nhà.

Chăm sóc cho người bệnh tại BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Chăm sóc cho người bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM

Từ giả thuyết này, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu đưa ra một nhận định khá bất ngờ và thú vị: “Theo giả thuyết trên, biết đâu mắc bệnh thời con nít lại giúp trẻ em miễn nhiễm với các tác nhân virus nguy hiểm, trong đó có nCoV-2019. Chúng ta hãy tiếp tục chờ các bằng chứng khoa học trong thời gian tới để biết lý do thật sự của hiện tượng “kỵ nhi” quá tốt cho trẻ con này của nCoV”.

Bác sĩ Châu cũng nhắn gửi thêm: “Các bậc cha mẹ thường khốn khổ khi con trẻ bắt đầu đi nhà trẻ vì học 1 tuần mà phải nghỉ 2-3 tuần do sốt ho! Tôi vẫn khuyên cứ kiên nhẫn đừng xót con mà không cho đi học nữa, bệnh thì nghỉ học, hết bệnh thì đi học tiếp... Thường sau 6 tháng đến 1 năm, tần suất mắc bệnh của trẻ sẽ giảm dần khi chúng đã trao đổi cho nhau đầy đủ các chủng virus gây cảm sốt và tạo hệ miễn dịch đủ bảo vệ mình”.

Một chuyên gia về bệnh nhiễm trẻ em ở TP.HCM là bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm và Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng từng đưa ra nhận định tương tự. Ông cho rằng trong các đợt dịch bệnh SARS và MERS CoV, tỷ lệ trẻ em mắc 2 bệnh này chỉ dưới 5%.

Hiếu Nguyễn

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI