Bác sĩ, bệnh nhân rối với chuẩn hóa chẩn đoán bệnh

10/10/2018 - 13:30

PNO - Sau khi áp dụng chẩn đoán bệnh theo mã ICD 10, không chỉ bác sĩ, quản lý bệnh viện mà cả bệnh nhân cũng thấy rối như canh hẹ.

Bệnh nhân hoang mang

Cách đây vài ngày, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM - đã chia sẻ trên Facebook về nỗi khổ chẩn đoán bệnh theo “ICD” (International Classification of Diseases). Việc áp dụng mã hóa chẩn đoán bệnh quốc tế ICD 10 của Bộ Y tế quy định nhằm quản lý, chuẩn hóa lưu trữ các thông tin về sức khỏe.

Tuy nhiên, theo bác sĩ này, từ khi áp dụng mã ICD 10, không chỉ ông mà nhiều đồng nghiệp sợ không đủ chẩn đoán mà cho bệnh nhân làm xét nghiệm sẽ bị xuất toán (bảo hiểm y tế (BHYT) không thanh toán), vì thế phần chẩn đoán bệnh cứ phải… dài ra. 

Bac si, benh nhan roi voi chuan hoa chan doan benh
Bác sĩ Trương Hữu Khanh thăm khám cho bệnh nhân

“Mỗi ngày, chúng tôi khám từ vài chục cho tới cả trăm bệnh nhân. Bệnh viện quá tải, thời gian dành cho bệnh nhân đã ít, nay phải chẩn đoán theo mã ICD thì bệnh nhân mới thanh toán BHYT được. Nội dung chẩn đoán quá chuyên môn, dài dòng. Bệnh nhân đọc xong không hiểu đâm hoang mang, yêu cầu giải thích thêm. Tưởng chuẩn hóa cho nhanh mà thành ra tốn gấp đôi thời gian bình thường”, vị bác sĩ chia sẻ. 

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, chẩn đoán đưa cho bệnh nhân không cần thiết phải phức tạp như vậy, chỉ cần ghi thông tin chính của bệnh như trước kia là đủ. Còn thủ tục về hồ sơ lưu trữ và thanh toán BHYT phải tách riêng ra. Bác sĩ làm chuyên môn, không nên để họ tốn thời gian vào những thủ tục hành chính thì mới có thêm thời gian chăm sóc bệnh nhân.

Bệnh một đằng, ICD ra một nẻo

Dưới góc độ quản lý, bác sĩ Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Quận 2 - cho biết: “Mã ICD 10 được dịch lại từ mã quốc tế, chính vì thế khi chuyển sang tiếng Việt đôi khi không sát nghĩa. Đó là điểm rất khó khăn cho bác sĩ lâm sàng”. 

Bac si, benh nhan roi voi chuan hoa chan doan benh
Để chỉ định xét nghiệm cho bệnh nhân, bác sĩ phải ra một chẩn đoán dài ngoằng tới 14 bệnh (ảnh minh họa)

Xin lấy ví dụ về bệnh một đằng chẩn đoán mã ICD 10 lại ra một nẻo là vụ 73 trẻ bị ngộ độc ở Đồng Nai hồi tháng 4/2018. Kết quả xét nghiệm cả 10 bé sáng 3/4 của Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai làm gia đình hoang mang. Những bệnh nhi trên có nhiều triệu chứng khác nhau: ói, đau bụng, tiêu chảy, đi cầu ra máu, táo bón, ho, sốt… nhưng đều được chẩn đoán là “khó tiêu chức năng K30”.

Tiến sĩ - bác sĩ Hoàng Lê Phúc - Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM - phân tích: không thể kết luận các bé bị khó tiêu chức năng. Gọi một trường hợp là khó tiêu chức năng thì những người mắc triệu chứng này phải có các biểu hiện ít nhất hai tháng, mỗi tháng phải có bốn ngày liên tiếp xảy ra triệu chứng. Do các bé không phải là những trường hợp có bệnh lý và bị những rối loạn về tiêu hóa nên khi nhập mã ICD được quy về một mối K30 nên mới cho ra kết quả giống nhau hàng loạt như thế. 

Lại nói tiếp về những điểm chưa thỏa đáng liên quan đến mã ICD 10, bác sĩ Trần Văn Khanh dẫn chứng, trước đây khi bảo hiểm xã hội (BHXH) đến giám định, bệnh viện còn có thể giải thích cho từng trường hợp để giải quyết thanh toán BHYT một cách thấu tình đạt lý, nhưng nay có mã ICD 10 họ cũng giám định bằng phần mềm, hồ sơ nào không đạt là tự động bị loại. Trong khi đó, chẩn đoán bệnh mang tính cá thể hóa, tùy vào thực tế và tình trạng của từng người.

“Ví dụ một bệnh nhân khi vào khám với biểu hiện viêm họng nhưng bác sĩ có thể nghi ngờ 3-4 bệnh. Mỗi chẩn đoán bệnh lại có những chỉ định xét nghiệm khác nhau. Ngoài bệnh chính lại còn các bệnh phụ đi kèm nên làm theo mã ICD rất rối rắm. Tôi cho rằng, Bộ Y tế và BHXH cần ngồi lại để khắc phục những tồn tại này”, bác sĩ Trần Văn Khanh nói. 

Liên quan tới chẩn đoán theo mã ICD 10 để bệnh nhân được thanh toán BHYT, Phòng Nghiệp vụ BHXH TP.HCM giải thích: theo quy định của Luật BHYT, cơ quan BHXH thực hiện giám định và thanh toán chi phí khám chữa bệnh hợp lý theo các quy định hiện hành. Trong đó: việc chẩn đoán bệnh của bác sĩ quy định trong Luật khám chữa bệnh, các chỉ định xét nghiệm, cận lâm sàng phù hợp với tình trạng bệnh lý của bệnh nhân. Bộ Y tế đã ban hành danh mục dùng chung theo Quyết định 6061/QĐ-BYT ngày 29/12/2017 trong đó có bộ mã ICD 10 mã hóa các chẩn đoán bệnh; quyết định số 4210/QĐ-BYT về việc quy định chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra sử dụng trong quản lý, giám định và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT. 

Do vậy, việc ghi chẩn đoán và chỉ định xét nghiệm, cận lâm sàng của bác sĩ điều trị là do Bộ Y tế quy định.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI