Bắc Phi liên tiếp hứng chịu thiên tai

13/09/2023 - 06:37

PNO - Giữa lúc thế giới tìm cách hỗ trợ Maroc tìm kiếm người bị nạn sau trận động đất mạnh 6,8 độ richter diễn ra vào ngày 9/8, cơn bão Địa Trung Hải Daniel đã gây ra lũ lụt, làm vỡ đập và cuốn trôi toàn bộ khu dân cư ở nhiều thị trấn ven biển của Libya trong ngày 11/9.

Trận động đất ở vùng tây nam Maroc đã giết chết hơn 2.800 người và khiến hơn 2.500 người bị thương. Chịu tác động nặng nề nhất có lẽ là những ngôi làng nông thôn nghèo nằm dọc các thung lũng, cạnh dãy núi Atlas gần thành phố du lịch nổi tiếng Marrakesh.

Một người đàn ông đi qua khu vực bị tàn phá ở Moulay Brahim, Maroc - Nguồn ảnh: Al Jazeera
Một người đàn ông đi qua khu vực bị tàn phá ở Moulay Brahim, Maroc - Nguồn ảnh: Al Jazeera

Sau giai đoạn khởi đầu có phần chậm chạp do khó khăn địa lý, viện trợ quốc tế hiện đang đổ về Maroc. Tây Ban Nha, Anh, Qatar và Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đều cung cấp các đội hỗ trợ và cứu hộ để tăng cường nỗ lực tìm kiếm nạn nhân. Tuy nhiên, viện trợ vẫn chưa thể đến những ngôi làng xa xôi nhất. 

Đối với những người bị mắc kẹt và cần sự giúp đỡ, thời gian đang chống lại họ. Người chăn cừu Ahcan Ait Majid gần 70 tuổi đang lang thang qua dòng xe cộ dọc theo con đường núi hẹp dẫn đến ngôi làng miền núi Tiniskt. Ông đã mất vợ và 2 con trai trong trận động đất. Lặng lẽ nhìn vào không trung, ông Majid thổ lộ: “Tôi chưa bao giờ trải qua điều gì như thế này. Tôi không biết mình sẽ làm gì bây giờ”.

Lực lượng cứu hộ cho biết, những ngôi nhà xây bằng gạch bùn truyền thống ở khắp nơi trong khu vực đã làm giảm cơ hội tìm thấy người sống sót vì chúng hoàn toàn bị san phẳng do chấn động. Tại làng Tagadirte, nơi chỉ còn vài tòa nhà đứng vững, ông Mohamed Ouchen (66 tuổi) mô tả cách người dân kéo 25 người còn sống ra khỏi đống đổ nát ngay sau trận động đất. Một trong những người được giải cứu là em gái của ông. Ông Ouchen kể: “Chúng tôi dùng tay đào bới đống đổ nát vì không có dụng cụ”.

Chính quyền miền đông Libya cho biết, ít nhất 2.000 người đã thiệt mạng và hàng ngàn người khác mất tích sau khi cơn bão Daniel từ Địa Trung Hải quét qua khu vực. Ahmed Mismari - người phát ngôn của Quân đội quốc gia Libya (LNA) hiện đang kiểm soát miền đông Libya - nói, thảm họa xảy ra sau khi các con đập gần thành phố cảng Derna bị vỡ và quét toàn bộ khu dân cư xuống biển.

Video do người dân thành phố đăng lên mạng cho thấy sự tàn phá nặng nề. Toàn bộ khu vực dọc theo con sông chảy từ trên núi xuống trung tâm thành phố bị phá hủy. Những tòa nhà chung cư nhiều tầng từng đứng cách xa dòng sông cũng đổ sập một phần. Cư dân Derna Saleh al-Obaidi cho biết: “Chúng tôi đang ngủ thì bị đánh thức bởi tiếng động. Cả khu vực chìm trong nước”. 

Kể từ cuộc nổi dậy năm 2011 lật đổ nhà cầm quyền Moammar Gadhafi, Libya thiếu chính quyền trung ương và tình trạng vô luật pháp đồng nghĩa với việc đầu tư vào đường sá và các dịch vụ công cộng giảm sút. Hoạt động xây dựng tư nhân trong tình trạng thiếu quản lý. Đất nước hiện đang bị chia rẽ giữa các chính phủ đối địch ở phía đông và phía tây, mỗi chính phủ được hỗ trợ bởi lực lượng dân quân. Dù vậy, cả 2 chính phủ tại Libya đều tuyên bố để tang 3 ngày cho các nạn nhân bị lũ quét.

Các hoạt động tìm kiếm cứu nạn vẫn đang diễn ra khi chính quyền ban bố tình trạng cực kỳ khẩn cấp, đóng cửa các trường học, cửa hàng và áp dụng lệnh giới nghiêm. Một số chính phủ nước ngoài đã gửi lời chia buồn đến Libya và đề nghị giúp đỡ.

Tổng thống UAE - Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan - cho biết, nước này sẽ gửi các đội hỗ trợ nhân đạo và tìm kiếm cứu nạn tới miền đông Libya. Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia ủng hộ chính phủ có trụ sở tại Tripoli ở phía tây Libya - cũng bày tỏ lời chia buồn và đề nghị viện trợ nhân đạo. Cùng với đó là chia sẻ và đề nghị hỗ trợ từ các nước láng giềng Algeria, Ai Cập và Iraq. 

Tấn Vĩ (theo AP, Reuters, CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI