Bạc phận

27/06/2014 - 20:45

PNO - PN - Chị ở đây, bốn năm rồi. Trại dưỡng lão chỉ cách nhà hơn ba cây số nhưng một năm chị không được gặp chồng con quá hai lần. Là dưỡng lão từ thiện nên chị được thuốc men, châm cứu, vật lý trị liệu đều từ thiện hết....

edf40wrjww2tblPage:Content

Khách tới thăm, chị khó nhọc ngồi dậy. Từng lời nói cũng khó khăn, trệu trạo. Khách là người của đài truyền hình, muốn làm một phóng sự về cảnh đời của những người phụ nữ trú trong trại dưỡng lão nên người quản lý động viên chị cố gắng nói… Ngập ngừng, ngọng nghịu, chị kể chuyện đời mình như một thước phim quay vụng.

Chị 43 tuổi nhưng đã bị tai biến cách đây bốn năm. Ngày còn khỏe mạnh, chị làm nghề đóng giường, bàn ghế tre xuất khẩu. Gần 20 năm như thế. Hết lăn lộn vào vườn tầm vông để mua bán thì về cưa, cắt, chẻ, vót… Một thời cơ sở mây tre của chị có tiếng ở tỉnh nhà. Chồng chị cũng cưa, cắt, đẽo, gọt… như người ta, nhưng cứ ai “hú” là bỏ đồ nghề chạy theo đến “không say không về”. Mà say thì chị phải đến rước về, nếu không anh sẽ té bờ té bụi. Hôm sau tỉnh rượu, nhìn tầm vông chất đống, mấy thân tre chờ vót đến héo hon, khách hàng điện thoại réo từng chặp, anh lại ra vẻ ăn năn, hứa nhăng hứa cuội sẽ chí thú làm ăn.

Hai đứa con học xong 12 cũng nối tiếp truyền thống gia đình theo nghề mây tre lá. Nhưng, giờ đã bắt đầu vào thời kỳ khan hiếm nguyên liệu; tre, tầm vông có khi phải sang tỉnh khác, đi ba bốn ngày mới mua được một xe. Rồi mây phải chờ người từ nước bạn mang sang với giá trên trời mà vẫn phải chấp nhận. Chi phí đội lên mà sản phẩm lại bị cạnh tranh theo kiểu “sóng sau lùa sóng trước” nên cơ sở của chị không hút khách như trước nữa. Rồi mưa gió thất thường, muốn sản xuất liên tục phải có máy sấy nguyên liệu. Một chiếc máy cả trăm triệu. Gia tài sau 20 năm gầy dựng của chị cũng chỉ ngần ấy. Không mua máy sấy thì làm sao bảo đảm sản xuất? Vậy là vay nóng vay nguội. Vay tín chấp ngân hàng, vay thế chấp quỹ tín dụng, thậm chí vay cả bằng… người mới đủ tiền mua máy. Một bà bạn hàng mới của anh chị thấy mến người đàn ông lực điền chăm chỉ như anh nên cho vay. Bà bảo, nhìn dáng anh gồng vai những lúc cho tre vào máy, mạt cưa bắn lên, từng giọt mồ hôi quệt ngang lem luốc mặt là bà đã thấy cả trời cảm phục tính siêng năng ở người đàn ông sắp 50 này. Bà rút liền 50 triệu cho anh chị vay, trả bằng cách trừ dần theo đơn hàng.

Bac phan

Đến xúc cơm ăn, chị cũng chật vật

Niềm vui ngắn chẳng tày gang. Chiếc máy sấy về chưa đầy tháng, công việc dồn dập, sấp ngửa mua nguyên liệu, cưa, cắt, vót, đục… sao cho thật nhanh để đủ cho máy sấy. Máy mà “đắp mền” một ngày là xem như đồng vốn đóng băng một mớ. Hôm nào nhà không có nguyên liệu, chị nhận sấy thuê cho các cơ sở khác. Người cứ hầm hập theo sức nóng của chiếc máy nặng gần nửa tấn. Chị 40 rồi. Vậy mà cứ làm việc như thời 20. Một mẻ sấy quá sức đã làm chị ngã gục trong cơn tai biến. Một đứa con vừa có gia đình, lại mới sinh con, không sao chăm sóc nổi người ốm đau. Đứa còn lại lóng nga lóng ngóng việc đút cháo, thay tã cho mẹ. Chồng chị thì không thể rời công việc. Tiền vay, tiền góp, tiền nợ đứng nợ ngồi đầy ra đó… Không có chị, việc kinh doanh rối mù. Bao nhiêu đơn hàng hết hối thúc thì quay ra bắt đền hợp đồng. Người nhân hậu hơn thì nhỏ nhẹ nói lời từ biệt, tìm cơ sở khác…

Chuyện bệnh đau không ai muốn nhưng anh bắt đầu trách móc chị. Cường độ bực dọc ngày càng cao, rằng “sớm không bệnh muộn không bệnh” lại bệnh ngay lúc dầu sôi lửa bỏng. Chị ú ớ. Anh thẳng tay đánh đập, nói đàn bà chỉ biết “ăn hại” chứ không làm nên trò trống gì cho chồng con nhờ! Chị khóc. Nợ lại đòi. Nặng nhất là món nợ 50 triệu của bà khách nọ. Không làm sao trả được, tiền mặt không có, sản xuất ngừng trệ. Bà “khuyên”, thôi anh theo bà làm quản lý, chừng nào trừ hết 50 triệu thì về. Anh nghe theo. Thằng con ở lại nhà, sấy thuê nay làm mai nghỉ. Còn mẹ, nó gửi vào trại dưỡng lão để chị "hưởng phước" những bữa cơm chay của bá tánh hầu mong “mau lành bệnh”.

Chị ở đây, bốn năm rồi. Trại dưỡng lão chỉ cách nhà hơn ba cây số nhưng một năm chị không được gặp chồng con quá hai lần. Là dưỡng lão từ thiện nên chị được thuốc men, châm cứu, vật lý trị liệu đều từ thiện hết. Ở trại còn được nghe kinh kệ. Hiểu thêm, việc gì ở kiếp này đều là nhân quả của kiếp trước. Nhưng cứ buồn. Kiếp trước là kiếp nào, ai biết được. Còn kiếp này, sao mình bạc phận quá. Chị bảo, ước mơ duy nhất của mình là đi đứng được vững vàng. Có thể nấu cơm, giặt đồ là hạnh phúc lắm. Còn bây giờ, chỉ việc múc cơm thôi đã khó.

Đoàn khách ra về, chị níu tay vào cánh cửa đứng lên dặn theo: nếu mấy em có đi ngang đường A. thấy cơ sở mây tre B. xã L. huyện H., xin nhắn giùm “chị nhớ chồng con lắm”…

 HOÀNG PHƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI