Bắc Kinh quay lại thời phong tỏa

14/06/2022 - 18:33

PNO - Một số khu vực của Bắc Kinh quay lại trạng thái phong tỏa sau khi số ca Omicron tăng đột biến, chỉ vài ngày sau khi thủ đô Trung Quốc nới lỏng các biện pháp kiểm soát.

 

Người dân xếp hàng để được kiểm tra COVID-19 tại một địa điểm thử nghiệm ở quận Triều Dương, Bắc Kinh, hôm 14/6
Người dân xếp hàng để được kiểm tra COVID-19 tại một địa điểm thử nghiệm ở quận Triều Dương, Bắc Kinh, hôm 14/6

Tại Sanlitun, một khu mua sắm và cuộc sống về đêm nổi tiếng ở thủ đô Trung Quốc, tất cả các quán bar đã đóng cửa và các nhà hàng phải chuyển sang bán mang đi, trong khi 123 cửa hàng không thiết yếu đóng cửa.

Xung quanh thành phố, nhiều khu dân cư khác nhau đã bị phong tỏa sau khi phát hiện ca bệnh, những người có kết quả xét nghiệm dương tính sẽ được đưa đến các trung tâm kiểm dịch.

Quận Triều Dương, khu vực lớn nhất của Bắc Kinh và là nơi tọa lạc của Sanlitun, sẽ tiếp tục xét nghiệm hàng ngày đối với 3,5 triệu cư dân, ít nhất là cho đến thứ Tư 15/6.

Đợt bùng phát gần đây nhất xảy ra chỉ vài ngày sau khi thành phố nới lỏng các biện pháp kiểm soát. Đợt phong tỏa kéo dài 5 tuần diễn ra từ cuối tháng Tư, khiến các công viên, trường học, trung tâm mua sắm và nhà hàng bị đóng cửa và nhiều phương tiện giao thông công cộng bị đình chỉ.

Các ca bệnh mới gần đây - tổng cộng hơn 300 ca - đều liên quan đến một sự kiện siêu lây nhiễm. Một người đàn ông đã ghé quán bar có tên Heaven Supermarket vào cuối tuần, cùng với một số hộp đêm khác.

Các nhà chức trách cảnh báo rằng đợt bùng phát ở Bắc Kinh là "dữ dội", nhưng vẫn chưa công bố các biện pháp ngăn chặn trên toàn thành phố.

Chợ quần áo trên đường Qipu ở Thượng Hải vẫn đóng cửa vào ngày 13/6
Chợ quần áo trên đường Qipu ở Thượng Hải vẫn đóng cửa vào ngày 13/6

Trong khi đó, hàng trăm người thuê sạp tại một ngôi chợ may mặc bán buôn lớn ở Thượng Hải đã từ chối mở lại cửa hàng, sau khi đóng cửa một thời gian dài vì lệnh phong tỏa của thành phố.

Chợ quần áo trên đường Qipu nổi tiếng, còn được gọi là chợ 7p, dự kiến ​​sẽ mở cửa trở lại vào ngày 13/6 sau khi đóng cửa trong ba tháng. Thay vào đó, các chủ cửa hàng giận dữ đã xuống đường hô vang khẩu hiệu và từ chối mở cửa trừ khi chủ chợ miễn tiền thuê mặt bằng cho họ trong sáu tháng tới.

Đến ngày 14/6, nhà điều hành của một trong hai trung tâm mua sắm lớn trong khu vực đã đồng ý với việc miễn tiền thuê nhà trong sáu tháng, và cơ sở còn lại cho biết họ sẽ thương lượng với các chủ cửa hàng để giảm nhẹ tác động cho cả hai bên.

Eric Han - quản lý cấp cao của công ty tư vấn kinh doanh Suolei ở Thượng Hải - cho biết: “Các doanh nghiệp nhỏ đang ở trong tình thế sống dở chết dở, và yêu cầu của họ không phải là vô lý. Bên cạnh chi phí thuê, họ còn bị lỗ từ hàng tồn kho và tiền lương trả cho nhân viên”.

Một quầy hàng quy mô lớn trên đường Qipu có giá thuê lên tới 500.000 nhân dân tệ (tương đương 74.230 USD) một năm.

Các quan chức ở Bắc Kinh của Trung Quốc đang cố gắng ngăn chặn một đợt bùng phát COVID-19 khổng lồ trong thành phố được cho là bắt đầu từ một quán bar
Chính sách Zero COVID vẫn đang là kim chỉ nam cho hoạt động chống dịch tại Trung Quốc

Xa hơn về phía đông bắc Trung Quốc, thị trưởng của một thành phố giáp biên giới với Triều Tiên, nơi đang thực hiện phong tỏa hơn 50 ngày, đã xin lỗi người dân về những thất bại của chính quyền trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng.

Thị trưởng thành phố Đan Đông, Hao Jianjun không đưa ra thông tin chi tiết cụ thể, nhưng cho biết hệ thống công cộng và các dịch vụ cơ bản đã “không đạt yêu cầu”.

Việc một quan chức cấp cao công khai nhận lỗi là rất bất thường, đặc biệt khi nó liên quan đến chính sách cứng rắn Zero-COVID, vốn được các quan chức hàng đầu chỉ đạo.

Đưa ra bình luận tại một cuộc họp với cư dân, ông Hao bày tỏ sự cảm kích trước những hy sinh của 2,4 triệu công dân của thành phố, đồng thời ghi nhận "những lời phàn nàn" về công việc của chính quyền.

Thị trưởng hứa, Đan Đông giờ sẽ chuyển sang giai đoạn kiểm soát đại dịch “chủ động hơn, tích cực hơn và hiệu quả hơn”.

Mặc dù chỉ báo cáo một số ít các trường hợp nhiễm, Đan Đông là ​​một trong những nơi phong tỏa nghiêm ngặt nhất ở Trung Quốc. Thậm chí việc giao thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác cũng bị cấm.

Linh La (theo Sky News, ABC, SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI