"Babette’s feast": Bữa ăn hay là một phóng chiếu về thiên đàng

25/07/2022 - 06:53

PNO - "Babette’s feast" là tác phẩm đầu tiên của Đan Mạch đoạt giải Oscar Phim tiếng nước ngoài hay nhất, năm 1987. Đây cũng là bộ phim được nhắc đến nhiều khi người ta cần liệt kê danh sách những bộ phim xuất sắc nhất mang chủ đề ẩm thực.

Bộ phim đức Giáo hoàng Francis đặc biệt yêu thích 

Năm 2010, trước khi được bầu làm Giáo hoàng, ngài Francis đã cho biết đây chính là bộ phim yêu thích của ông. Có lẽ đây cũng là lần đầu một bộ phim được nhắc đến trong thông tri được phổ biến rộng rãi của đức Giáo hoàng, Amoris Laetitia, trong đó ngài đề cập đến tình yêu vô lượng - chủ đề câu chuyện.

Nữ diễn viên Stéphane Audran đã hóa thân xuất sắc vào vai Babette
Nữ diễn viên Stéphane Audran đã hóa thân xuất sắc vào vai Babette

Phim được chuyển thể dựa trên truyện ngắn của nữ tác giả Đan Mạch Isak Dinesen (Karen Blixen). Babette’s feast lấy bối cảnh một ngôi làng ven biển ở Đan Mạch vào thế kỷ XIX. Ở đó, Babette (Stéphane Audran đóng) vốn là người hầu gái trong gia đình hai chị em Martine (Birgitte Federspiel đóng) và Filippa (Bodil Kjer đóng).  

Thời trẻ, Martine và Filippa là hai thiếu nữ xinh đẹp nổi tiếng trong vùng. Cha họ vốn là người lãnh đạo giáo hội Luther trong cộng đồng này. Cũng từng có hai người đàn ông sáng giá để mắt đến Martine và Fillippa. Với cô chị Martine, đó là quân nhân và sau này là tướng Lorens Löwenhielm (Jarl Kulle đóng). Với cô em Filippa, đó là ca sĩ cung đình Achille Papin (Jean-Philippe Lafont đóng). Nhưng rồi chuyện không thành. Sau khi cha qua đời, hai chị em vẫn ở vậy, làm việc thiện nguyện và chăm sóc cho những giáo dân trong cộng đồng, vốn ngày càng rơi rụng dần.  

Một ngày nọ, một phụ nữ tị nạn đến gõ cửa nhà hai chị em, kèm theo lá thư từ Pháp của Achille Papin. Người phụ nữ đó chính là Babette. Nội dung thư cho biết Babette đã mất cả chồng lẫn con sau sự kiện Công xã Paris. Hiện cô không còn người thân nào và không chốn dung thân. Cô chỉ muốn tá túc ở nhà người bạn của Papin - người mà Papin rất tin tưởng. 

Bộ phim giúp người xem thấm, cảm được trọn vẹn sức mạnh của một bữa ăn đúng nghĩa
Bộ phim giúp người xem thấm, cảm được trọn vẹn sức mạnh của một bữa ăn đúng nghĩa

Babette đã đề nghị được làm việc không công cho gia đình hai chị em. Vậy là họ sống với nhau bấy nhiêu năm. Với tài vén khéo của Babette, hai chị em tiết kiệm được nhiều tiền hơn hẳn. Người già neo đơn, bệnh tật trong làng cũng cảm thấy hạnh phúc hơn vì họ được chăm sóc với những bữa ăn ngon miệng. Vì vậy, khi dự đoán Babette có thể sẽ trở về Pháp, ai nấy đều cảm thấy luyến tiếc. 

Sở dĩ Martine và Filippa cảm thấy họ có thể sắp xa Babette là vì một ngày nọ, Babette nhận được tin mình trúng số với số tiền lên đến 10.000 france. Dù biết “Chúa cho đi rồi ngài nhận lại”, hai chị em vẫn muốn Babette ở lại cho đến dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 người cha quá cố của mình. 

Hai chị em chỉ muốn tổ chức một buổi tiệc tưởng nhớ đơn giản với trà và cà phê, nhưng Babette muốn đãi mọi người bằng một bữa tối kiểu Pháp do chính tay mình chuẩn bị, bằng chính tiền của mình. 

Và đây mới thực sự là Babette’s feast - Bữa tiệc của Babette!

Tiệc tối năm sao ở ngôi làng ven biển 

Từ khâu chuẩn bị, thực hiện cho đến quá trình thưởng thức bữa tiệc đều được các nhà làm phim lột tả xuất sắc. Hầu như tất cả nguyên liệu đều được đặt hàng ở Pháp. Ngay cả những chai rượu vang quý cũng được cẩn thận mang về. 

Bữa tiệc bất ngờ có sự xuất hiện của tướng Lorens Löwenhielm khi ông muốn tháp tùng cô mình đến dự tiệc, sau bao năm không gặp lại người con gái năm xưa. Chính “nhân tố bất ngờ” này khiến bữa tiệc được nhìn nhận xứng tầm với giá trị của nó. 

Trong khi dân làng chỉ quen với những món ăn đạm bạc hằng ngày, tướng Lorens Löwenhielm là người có gu và đã từng thưởng thức những món ăn đậm chất Pháp ở Paris hoa lệ. Ông nhận ra được từng món ăn ngon, từng chai rượu quý. 
Từng động tác và sự chuẩn bị bữa ăn đều được quay nhịp nhàng, cận cảnh, khiến khán giả có cảm giác như mình cũng có mặt tại đó và tham gia bữa tiệc. Các món ăn chất lượng trong phim do nhà hàng La Cocotte ở Copenhagen, Đan Mạch, chuẩn bị. Bếp trưởng nhà hàng là Jan Pedersen cùng hai trợ lý đã túc trực ở phim trường trong hai tuần.

Sự mường tượng về thiên đường  

Có thể nói Babette’s feast là một bữa tiệc vô tiền khoáng hậu. Nó giúp người xem thấm, cảm được trọn vẹn sức mạnh của một bữa ăn đúng nghĩa. 

Ban đầu, dù e ngại sự xa xỉ, trần tục và tự hứa với nhau không nói một lời về đồ ăn nhưng rồi những thực khách tại bữa tiệc không khỏi xúc động với những gì mình được phục vụ. Các món ăn không chỉ mang lại cảm giác hài lòng, ngon miệng mà còn làm thay đổi cả những suy nghĩ, cảm xúc của thực khách dành cho nhau, dành cho chính mình. 

Trong quá trình thưởng thức, người ta hân hoan dần và dễ chịu với nhau hơn. Nếu ngày thường, một số người gặp nhau là cự cãi thì ngay trong bữa ăn và sau khi kết thúc bữa ăn, họ đã tha thứ cho nhau. Những trái tim xích lại gần nhau.

Những định kiến được xóa bỏ. Thời gian như ngừng lại, chạy dần về phía tuổi trẻ. Những điều mà ngày xưa họ cho rằng “không thể” thì nay đã biến thành “có thể”. 

Bữa ăn ấy được phục vụ bằng trái tim cho đi không vụ lợi. Babette thậm chí đã tiêu hết tất cả số tiền mình vừa có được từ tấm vé số người bạn lâu năm ở Pháp vẫn mua định kỳ cho cô hằng năm. 

Cuối buổi tiệc, cô tiết lộ mình chính là bếp trưởng tại nhà hàng Café Anglais nổi tiếng một thời - người mà theo lời kể của đại tá Lorens Löwenhielm, bạn của ông từng đấu súng một lần vì một phụ nữ. Trong bữa ăn mời đại tá tại nhà hàng Café Anglais, vị này cho biết ở Paris hiện giờ chỉ có một phụ nữ xứng đáng để ông đấu súng lần nữa: nữ bếp trưởng của Café Anglais. 

Đó là người phụ nữ xóa nhòa ranh giới giữa tình yêu thiêng liêng và tình yêu trần thế. Người phụ nữ ấy giúp người ta mường tượng được về thiên đàng chỉ qua một bữa ăn cô nấu, như lời nhận xét về phim của đức Giáo hoàng Francis: “Niềm vui lớn lao trong cuộc đời được sinh sôi khi chúng ta đánh thức được niềm vui bên trong người khác, như một sự mường tượng về thiên đường”. 

Trailer phim Babette’s feast:

 

“Nghệ sĩ chẳng bao giờ là nghèo!"

Dù là phim Đan Mạch của đạo diễn người Đan Mạch nhưng diễn viên đóng vai Babette trong phim là một người Pháp. Đạo diễn Gabriel Axel cho biết: “Cô ấy là người Pháp. Cô ấy đi như một phụ nữ Pháp, đóng cửa như một phụ nữ Pháp. Mọi việc cô ấy làm đều duyên dáng, trong khi phụ nữ Đan Mạch thì thô mộc hơn”. 

Đúng là nữ diễn viên Stéphane Audran diễn rất nhập vai. Trong trang phục của nhà thiết kế huyền thoại người Pháp Karl Lagerfeld, Babette đi lại, nói năng, nấu bếp vô cùng duyên dáng và thanh lịch. Cô xuất hiện như một nữ đầu bếp năm sao thực thụ, chiếm lĩnh khung hình và gian bếp của chính mình. 

Âm nhạc trong phim cũng là thứ âm nhạc hàn lâm với những nhạc phẩm của Brahms, Mozart cùng một số nhạc phẩm của Georg Neumark, Friedrich Kuhlau.

Dù trong truyện ngắn gốc của nữ tác giả Đan Mạch, bối cảnh câu chuyện diễn ra ở Na Uy nhưng các nhà làm phim đã quyết định chọn bối cảnh ở Đan Mạch để vẫn giữ được dáng dấp của một ngôi làng cổ. Tông màu xám - xanh biển trong phim rất ấn tượng. 

Cùng với cách chọn cảnh, chọn nhạc và chỉ đạo diễn xuất tinh tế, đạo diễn Gabriel Axel đã tạo nên một tác phẩm kinh điển. Đó là cái đẹp của sự tiết chế, nhịp nhàng, uyển chuyển và thanh cao. Tâm tình của các nhân vật cũng thật thuần khiết, hết lòng, vô vụ lợi. Ở đó, nhân vật chính đã chọn sống trọn vẹn với khoảnh khắc hiện tại, cống hiến hết mình. Babette tự nhận mình là một nghệ sĩ đích thực. Với cô, “một nghệ sĩ chẳng bao giờ là nghèo” dù cô đã tiêu đến đồng xu cuối cùng cho bữa tiệc, cho hiện tại với những người cô yêu quý. 

Yến Lê Yilly  

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI