Bá vương biệt Cơ là một vở tuồng cổ trong kinh kịch, kể về cuộc ly biệt giữa Sở Bá Vương (tức Hạng Vũ) và nàng Ngu Cơ. Vở tuồng này là nền tảng để đạo diễn Trần Khải Ca làm bộ phim điện ảnh cùng tên, thắng giải Cành cọ vàng ở Liên hoan phim Cannes năm 1993 và đến nay vẫn được xem là tác phẩm kinh điển.
Phim bắt đầu từ năm 1924, xoay quanh hai đứa trẻ mồ côi Đức Chí và Sĩ Tứ được nhận vào gánh hát. Sư phụ của họ, một bậc thầy kinh kịch, đối xử với những đứa trẻ theo phương pháp cực kỳ tàn bạo. Đòn roi luôn chờ đợi chúng cho bất kỳ lỗi lầm nào từ luyện tập đến sinh hoạt.
Đức Chí và Sĩ Tứ trở thành đôi bạn thân, cùng vượt qua những ngày tháng gian khổ. Họ bắt đầu cho thấy tiềm năng về kinh kịch. Đức Chí có vóc dáng đặc biệt với những nét mảnh mai của nữ giới, được trao vai nữ, còn Sĩ Tứ đóng vai nam. Đôi bạn lần lượt trở thành các nghệ sĩ tài danh Trình Điệp Y (Trương Quốc Vinh đóng) và Đoàn Tiểu Lâu (Trương Phong Nghị đóng).
|
Màn trình diễn của Trương Quốc Vinh, Trương Phong Nghị và Củng Lợi trong Bá vương biệt Cơ làm thổn thức lòng người suốt 29 năm qua |
Vở diễn nổi tiếng của hai người là Bá vương biệt Cơ, trong đó Điệp Y hóa thân Ngu Cơ còn Tiểu Lâu là Hạng Vũ. Điệp Y mang tình cảm phức tạp với người bạn diễn, giống như Ngu Cơ một lòng với Sở Vương. Họ bắt đầu xung đột khi Tiểu Lâu kết hôn với cô gái lầu xanh tên Diệu Linh (Củng Lợi đóng). Trong giai đoạn này, Trung Quốc cũng liên tiếp biến động trong cuộc chiến với người Nhật, nội chiến, rồi đến thời Cách mạng Văn hóa.
Sự hòa quyện giữa sân khấu và cuộc đời
Tiền đề câu chuyện của Bá vương biệt Cơ rất thuận lợi cho một chuyện tình lâm ly bi đát. Song Trần Khải Ca mang đến một cách xử lý đầy tinh tế. Tình cảm của Điệp Y vừa dành cho bạn diễn, vừa dành cho nghệ thuật hay cụ thể hơn là vở tuồng. Suốt phim, khán giả hẳn tự hỏi Điệp Y yêu con người thật của Tiểu Lâu hay hình bóng chàng đại vương mà anh ta hóa thân.
Đằng sau lớp diễn anh hùng, Tiểu Lâu chỉ là người đàn ông với những thú vui trần tục. Anh ta suy nghĩ đơn giản, mê rượu và những cô gái lầu xanh. Trong khi đó, Điệp Y lại mang một trái tim nhạy cảm, luôn đau đáu vào thứ tình yêu vô vọng. Một trong những cảnh quay thú vị nhất phim là khi Điệp Y vẫn còn dưới lốt Ngu Cơ, bày tỏ ước muốn gắn liền với Tiểu Lâu khi đó đã tẩy trang và trở về hình hài của một người bình thường.
Càng về cuối phim, tác phẩm càng tập trung khai thác nội tâm phức tạp của Điệp Y, dằn vặt giữa sự vun vén cho người yêu và khao khát muốn giữ anh ta bên mình. Sự rẽ lối trong tâm lý của hai người càng được tô đậm hơn bởi thời cuộc. Trong một cuộc sống yên ả, họ có thể thoải mái nhập tâm vào nhân vật, nơi sân khấu và cuộc đời hòa quyện. Nhưng khi xã hội biến động, Tiểu Lâu dần bộc lộ khía cạnh “người thường” của mình nhiều hơn.
Anh ta nhiều lần thỏa hiệp để bảo vệ bản thân và người thân, cũng như ý thức rõ rằng nhân vật Bá vương của mình chỉ tồn tại trong vở diễn. Con người ngoài đời của Tiểu Lâu khác xa hình tượng anh hùng trên sân khấu và anh ta chấp nhận điều đó. Trong khi đó, Điệp Y rơi vào nỗi ám ảnh phức tạp giữa nghệ thuật và cuộc đời. Cái kết của phim mang đến nhiều sự đau xót nhưng cũng là một cách để nhân vật sống trọn với những giấc mơ của bản thân và giữ gìn những kỷ niệm đẹp nhất.
Sự khổ luyện cực đoan trong nghệ thuật cũng là một lớp ý nghĩa trong phim. Thời thơ ấu, Điệp Y trải qua quá trình rèn luyện cực kỳ khắc nghiệt, có thể xem là vô nhân đạo. Vậy nhưng cậu bé thật sự đam mê kinh kịch và mong muốn trở thành một nghệ sĩ chân chính. Sự huấn luyện của sư phụ, dẫu tàn ác, lại hun đúc được một viên ngọc với những màn trình diễn chuẩn mực và trau chuốt tuyệt đối. Đến lượt mình, Điệp Y cũng dạy học trò theo cách khắc nghiệt như vậy mà chẳng hiểu bánh xe lịch sử đã tạo ra sự thay đổi trong xã hội. Anh nhanh chóng trở thành một kẻ lạc loài, khiến học trò thù oán và gián tiếp gây họa cho chính mình.
Thông qua một lát cắt xã hội, Bá vương biệt Cơ giống như bức tranh thu nhỏ của lịch sử Trung Quốc thời ấy. Giai đoạn đầu phim, xã hội còn nặng quan điểm cổ hủ từ thời phong kiến. Phần giữa của phim là thời Dân quốc nhiễu nhương cùng cuộc chiến chống Nhật. Một phần ba cuối tác phẩm lại là thời điểm chính quyền Mao Trạch Đông nắm quyền và tạo ra cuộc Cách mạng Văn hóa đau thương.
|
Suốt phim, khán giả hẳn tự hỏi Điệp Y yêu con người thật của Tiểu Lâu hay hình bóng chàng đại vương mà anh ta hóa thân |
Sự trau chuốt của Trần Khải Ca
Bá vương biệt Cơ là đỉnh cao trong sự nghiệp của vị đạo diễn lừng danh Trung Quốc, đồng thời nêu bật quan điểm nghệ thuật của ông. Kinh kịch là bộ môn đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối và tác phẩm điện ảnh về nó cũng được làm ra cực kỳ trau chuốt. Những phân cảnh biểu diễn được ê-kíp kỳ công dàn dựng để tái hiện lại không khí của nghệ thuật cổ truyền Trung Quốc.
Những ẩn ý quan trọng được Trần Khải Ca cài cắm xuyên suốt phim. Vở diễn của hai nhân vật được lồng song song cốt truyện chính. Sự chung thủy của Ngu Cơ với Hạng Vũ rất tương đồng với tình cảm Điệp Y dành cho bạn diễn. Bá vương biệt Cơ còn là vở tuồng chứa đầy sự hối tiếc về thời cuộc, của những ngày tháng tươi đẹp đã qua. Ở đoạn kết phim, nó như hóa thành đời thực, khi lựa chọn của nhân vật chính tượng trưng cho cái chết của nghệ thuật, của cái đẹp, khi chẳng thể níu giữ hào quang quá khứ.
Thanh kiếm Tiểu Lâu say mê khi còn nhỏ xuất hiện nhiều lần, như minh chứng cho tình yêu và bi kịch của Điệp Y. Biết bạn diễn yêu thích thanh kiếm này, Điệp Y chấp nhận đánh đổi thân xác cho một người quyền thế để lấy nó. Nhưng, khi mang kiếm về, anh đau khổ nhận ra Tiểu Lâu chẳng còn nhớ tới nó. Trớ trêu thay, người duy nhất nhận ra giá trị của nó lại là Diệu Linh. Giữa cơn biến loạn của thời cuộc, cô cố giữ gìn kiếm vì biết Điệp Y coi trọng nó đến dường nào.
Màn trình diễn của ba diễn viên chính làm say mê lòng người suốt 29 năm qua.
Trailer phim Bá vương biệt Cơ:
Trong đó, Trương Quốc Vinh xuất thần trong vai Điệp Y giàu cảm xúc. Từng chuyển động, cái liếc mắt của tài tử như chất chứa bao nỗi niềm của một con người đầy tình thương, đam mê và nỗi đau. Khi Điệp Y hóa trang thành Ngu Cơ, anh như biến thành một con người khác trên sân khấu. Theo diễn biến phim, người xem càng lúc càng bị mê hoặc, ngỡ như đây mới là nhân dạng thật của Điệp Y. Cái chết đột ngột của Trương Quốc Vinh hơn một thập niên sau càng khiến vai diễn bi kịch này trở thành bất tử.
Trương Phong Nghị cũng thành công khi hóa thân một nghệ sĩ đứng giữa dòng chảy lịch sử. Ở một phần ba cuối phim, Tiểu Lâu trải qua những tình huống đầy nỗi niềm và đau thương. Phân cảnh nhân vật không thể tái hiện trò đập gạch vào đầu nổi tiếng cho thấy sự bất lực cùng cực trong việc bảo vệ người thân. Còn Củng Lợi đã khẳng định thực lực của một trong các minh tinh hàng đầu Trung Quốc. Lối suy nghĩ tự chủ, hết lòng vì người yêu giúp Diệu Linh dễ chiếm thiện cảm của khán giả đương đại. Đôi mắt Củng Lợi cũng mang đến một cảnh diễn ám ảnh bậc nhất phim, khi nhân vật bàng hoàng chứng kiến người yêu bán đứng mình trước đám đông.
Có thể nói, Bá vương biệt Cơ là bộ phim về những sự sụp đổ không thể tránh khỏi của cả ba nhân vật. Diệu Linh sụp đổ niềm tin vào tình yêu, Tiểu Lâu sụp đổ về phẩm giá, còn Điệp Y phải từ bỏ mạng sống để được mãi mãi trú ngụ trong “giấc mộng huy hoàng xưa cũ”. Trên hết, bộ phim là nỗi đau của những phận đời từ đặc biệt đến tầm thường trong xã hội nhiều biến động.
Ân Nguyễn