“Bà Vân mặt trận” là tên gọi thân thương của nhiều người dành cho bà Trịnh Thị Vân (sinh năm 1953, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM). Hơn mười năm gắn bó với công tác mặt trận, “cái được” lớn nhất của bà Vân chính là đã khiến cho lòng người trong khu phố bà sống được gần hơn.
Gia đình bà Vân là một trong bốn gia đình ba thế hệ làm công tác mặt trận được vinh danh tại cuộc họp mặt kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930-18/11/2020) tổ chức tại TP.HCM sáng 15/11.
Ký ức từ những tháng năm công tác ùa về, bà Vân kể: “Hồi đó, nơi này toàn là đất ruộng. Người dân dựng nhà nhưng lại không có đường để đi”. Con đường là bờ ruộng trơn trợt, ngập nước sau mỗi đợt mưa khiến cho bà, khi ấy đang là cán bộ mặt trận của xã trăn trở. Bấy giờ, dự án làm đường chưa có trong kế hoạch đầu tư của địa phương. “Thèm” một con đường cho dân đi, bà Vân thử mời một đơn vị thi công tính toán. Con số 130.000 đồng/m2 đất, vị chi mỗi gia đình đóng xấp xỉ 1,8 triệu đồng để làm đường là khoản tiền không nhỏ. Ấy vậy, bà Vân vẫn tổ chức một cuộc họp lấy ý kiến người dân có nhà dọc con đường.
“Tôi khá bất ngờ là sau khi nghe trình bày ý nghĩa của con đường, ai cũng đồng ý góp tiền”, bà Vân hồi tưởng. Có điều, ngoài những gia đình khá giả, có nhiều hộ bày tỏ hoàn cảnh quá khó khăn, không tiền chi tiêu huống hồ đóng góp chung. Thấu hiểu tâm tư họ, bà Vân tiếp tục liên hệ một tổ chức chuyên hỗ trợ các hộ nghèo vay vốn làm ăn. Nhờ đó, những hộ dân khó khăn được vay vốn đầu tư nhanh. Bà kiên nhẫn chờ đợi và chỉ vài tháng sau, các hộ này đã có tiền đóng góp để làm đường. Trong thời gian đó, bà Vân đi khắp thành phố tìm các chủ đất có mặt bằng giáp đường để thuyết phục hỗ trợ. Bà Vân kể: “Nhiều chủ đất không định xây nhà mà chỉ chờ giá đất lên để bán nên họ không chấp nhận góp vốn. Nhưng tôi thuyết phục nếu có con đường như vậy, giá đất mới tăng cao. Họ đồng ý”. Con đường hoàn thành, khang trang, trở thành chỗ mỗi chiều người người tụ họp, chuyện trò rôm rả.
Dù đã nghỉ hưu, bà Trịnh Thị Vân vẫn được xem là nơi tháo gỡ khúc mắc cho nhiều người dân trong khu phố
Bà Vân cho hay, công việc của một cán bộ mặt trận không gói gọn trong tám giờ làm việc mỗi ngày mà là trách nhiệm phải gánh vác từng khắc, từng giờ. Bà nhớ, có lần giữa nắng trưa đổ lửa, hai gia đình trong xóm vác dao, rựa đuổi đánh. Chuyện là một người tự bỏ tiền mua hai xe bò đất đổ ra đường chung nhằm nâng đường cho khỏi ngập. Thấy vậy, người kia la toáng lên vì đất đổ ngay trước cửa nhà mình. Lời qua tiếng lại, bên này kéo cả dòng họ “khiêu chiến” bên kia; bên kia cũng không vừa, lôi kéo bà con đứng về phía mình. Bà Vân hay chuyện, lập tức vận động người dân toàn khu phố tham gia cuộc hòa giải. “Tôi để mỗi bên trình bày hết bức xúc của mình, sau đó hỏi ý kiến từng người dân rồi phân tích phải trái cho từng bên. Cuối cùng, có bao nhiêu người dân tham dự cuộc họp thì chừng ấy người mang cuốc, xẻng ra san phẳng hai xe bò đất để nâng cao con đường”, bà Vân kể.
Theo bà Vân, bí quyết để người dân lắng nghe một cán bộ mặt trận chính là phải nghe dân trước. Giống như có lần, bà chứng kiến cặp vợ chồng cãi nhau, không ai nhường ai khiến người chồng quá tức giận, đánh đập vợ không thương xót. Sau đó, bà gặp riêng người vợ để giải thích rằng, vợ chồng mà hơn thua nhau, thì có hơn cũng… chẳng hơn, ngược lại, là bất lợi cho mình.
Vốn dĩ bà Vân là công nhân trước khi làm công tác mặt trận. Thế nhưng, bà không phải một cán bộ “tay ngang” trong những năm tháng đất nước đang đổi mới, nhiều biến động. Kinh nghiệm, những bài học lẫn cái tâm của một cán bộ mà bà có được, chính do ông Nguyễn Văn Ninh (sinh năm 1921) - cha chồng của bà truyền dạy. Ông Ninh từng là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Bình Trị Đông, H.Bình Chánh, giai đoạn trước năm 1976. Nhớ về công tác mặt trận của cha chồng, với bà Vân, là nhớ về hình ảnh một cán bộ mỗi sáng đều dậy sớm, đun ba bình nước sôi để dành pha trà đón khách. Một ngày, ông Ninh đón không biết bao nhiêu người dân. Họ đến nhờ ông soạn giúp đơn thư, chỉ dẫn cách xử lý mâu thuẫn hay chỉ đơn giản đến vì cần một người biết lắng nghe, cho lời khuyên lẽ phải. “Có rất nhiều trường hợp chẳng có gì đáng bức xúc nhưng người dân cứ huyên thuyên, tôi thấy ba cũng kiên nhẫn lắng nghe và giúp người ta giải quyết. Khi họ về rồi, tôi hỏi, ba nói rằng người ta đã tìm đến mình, tức là tin tưởng mình có thể giúp giải quyết chuyện ngỡ không có gì, nhưng với họ là cả một khúc mắc, bức xúc, khó khăn”, bà Vân nhớ lại.
Tưởng chỉ có mình nối gót cha chồng một cách ngẫu nhiên, bà Vân bật cười: “Ai ngờ “máu” công tác xã hội cũng chảy trong con gái của tôi”. Từ năm 2003, chị Nguyễn Thị Vân Trang (sinh năm 1980) - con gái bà Vân cũng chính thức trở thành cán bộ dân vận, công tác tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Q.Tân Bình. Một gia đình, ba thế hệ đều làm công tác mặt trận, bà Vân đúc kết, tùy mỗi giai đoạn lịch sử, xã hội mà tính chất, hành động trong công tác dân vận khác nhau. Nhưng, mọi sự khác biệt đều không nằm ngoài tạo dựng khối đại đoàn kết và chăm sóc, nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Ngày 21/1, Hội LHPN, Đoàn Thanh niên Cộng sản Việt Nam quận 3 tổ chức họp mặt kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025).