Ba tỷ người nghèo trên thế giới khó được chủng ngừa COVID-19

21/10/2020 - 11:15

PNO - Vấn đề lớn hơn cả nghiên cứu, sản xuất vắc-xin ngừa vi-rút SARS-CoV-2 chính là bảo quản, phân phối số lượng vắc-xin khổng lồ trên toàn cầu. “Rào cản” này có thể khiến ba tỷ người nghèo không có cơ hội tiếp cận chiến dịch tiêm phòng.

Để duy trì tính hiệu quả và an toàn, các loại vắc-xin ngừa COVID-19 cần phải được làm lạnh vô trùng liên tục từ xưởng sản xuất đến khi vào ống tiêm để chích cho người dân. Do đó, sẽ có gần ba tỷ người khó tiếp cận với những loại vắc-xin này. Đó là những người đang sống ở những nơi mà các kho bảo quản không đủ đáp ứng nhiệt độ, phần lớn là người nghèo.

Hai phụ nữ ngồi bên ngoài phòng khám Gampela (thủ đô Ouagadougou, Burkina Faso)  chờ đến lượt cho con khám bệnh. Đôi khi họ phải đợi đến 4 giờ - Ảnh: AP
Hai phụ nữ ngồi bên ngoài phòng khám Gampela (thủ đô Ouagadougou, Burkina Faso) chờ đến lượt cho con khám bệnh. Đôi khi họ phải đợi đến 4 giờ - Ảnh: AP
 

Thiếu tủ đông y tế để bảo quản vắc-xin

Bảo đảm chuỗi cung ứng với yêu cầu nhiệt độ cực lạnh đối với vắc-xin COVID-19 là việc không hề dễ dàng ngay cả ở những nước giàu. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ làm lạnh luôn đi sau “cuộc đua” nghiên cứu, phát triển vắc-xin. Khi đại dịch đã bước sang tháng thứ tám, các chuyên gia cảnh báo, nhiều nơi trên thế giới thậm chí còn thiếu tủ lạnh, như các khu vực Trung Á, Ấn Độ, Đông Nam Á, châu Mỹ Latinh và châu Phi.

Để duy trì hệ thống bảo quản, các quốc gia đang phát triển đã lắp đặt hàng chục ngàn tủ năng lượng mặt trời giúp giữ nhiệt độ vắc-xin ổn định từ lúc sản xuất đến khi tiêm cho bệnh nhân, đồng thời còn trang bị hệ thống lạnh di động, nguồn điện ổn định với kế hoạch tiêm phòng chặt chẽ.

Đối với các nước nghèo như Burkina Faso, cơ hội tốt nhất để có vắc-xin là nhờ sáng kiến ​​Covax của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh Toàn cầu về vắc-xin (Gavi). Hiện toàn thế giới có 42 loại vắc-xin COVID-19 đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng và 151 loại khác đang trong quá trình đánh giá tiền lâm sàng. Những loại nhiều khả năng được cung ứng trong sáng kiến Covax đều phải được bảo quản từ 2-80C. 

Thậm chí, một số vắc-xin đang trong giai đoạn thử nghiệm nâng cao của hãng Pfizer yêu cầu bảo quản ở nhiệt độ siêu lạnh, -700C. Công ty đã phải thiết kế hộp đựng vắc-xin đặc biệt để bày tỏ sự quan tâm đến sáng kiến Covax song song với việc ký các hợp đồng cung ứng với Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản. Tủ đông y tế bảo đảm nhiệt độ mà hãng này đưa ra cũng cực hiếm, ngay cả tại các bệnh viện ở Mỹ hay châu Âu. 

Nhiều chuyên gia tin rằng, các quốc gia Tây Phi đang có lợi thế vì đã có hạ tầng bảo quản vắc-xin ở điều kiện siêu lạnh khi bùng phát dịch Ebola hồi 2014-2016.

Vận chuyển, phân phối đều khó khăn

Theo một nghiên cứu của Công ty tiếp vận DHL (Đức), hơn 2/3 số nước trên thế giới không có công nghệ tiên tiến và cơ sở hạ tầng cần thiết, và như vậy, hàng tỷ người ở các quốc gia này sẽ không có cơ hội tiếp cận vắc-xin ngừa COVID-19. DHL ước tính, cần đến 15.000 chuyến bay để đáp ứng nhu cầu chích ngừa COVID-19 trên toàn cầu. 

Theo Benjamin Schreiber - Giám đốc chương trình Tiêm chủng UNICEF - các nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng vắc-xin bắt đầu ngay sau khi sản phẩm rời khỏi nhà máy. Các container không được trang bị hệ thống làm lạnh chỉ dùng cho dược phẩm có hạn dùng hạn chế. 

Trong khi đó, chi phí vận chuyển vắc-xin bằng đường hàng không cao hơn rất nhiều, trong khi hàng hóa đang quá tải sau thời gian đóng cửa biên giới do đại dịch. Ngay cả khi có các chuyến bay bảo đảm nhiệt độ thì vận chuyển hàng không cũng mang theo những nguy cơ tiềm ẩn khác. WHO ước tính, khoảng một nửa số vắc-xin toàn cầu bị lãng phí do tiếp xúc nhiệt độ cao hoặc bị vỡ khi vận chuyển. Người ta còn e ngại mối nguy trộm cắp vắc-xin vì sắp tới, đây sẽ là một sản phẩm được săn lùng nhiều nhất.

Hiện có nhiều sáng kiến cho “dây chuyền lạnh” vắc-xin. Gavi và UNICEF đã thử nghiệm việc cung ứng vắc-xin bằng máy bay không người lái. Các quan chức Ấn Độ đưa ra ý tưởng dùng một phần mạng lưới dự trữ lương thực rộng lớn của đất nước cho vắc-xin COVID-19. Tuy nhiên, các sai sót có thể tiếp tục xảy ra khi vắc-xin rời kho quốc gia, bởi ngoài chuỗi cung ứng lạnh vốn mong manh, việc lập kế hoạch hậu cần cũng rất quan trọng. Trong khi đó, ống tiêm và hộp tiêu hủy cũng phải có ngay khi lô hàng vắc-xin vừa đến.

Việc bảo quản vắc-xin còn gặp khó khăn khi tình trạng thiếu điện, khí đốt đã hạn chế khả năng vận chuyển vắc-xin nhanh chóng từ vùng này sang vùng khác ở Nam Mỹ. Đá khô giữ lạnh trong quá trình vận chuyển rất khó tìm. Tiến sĩ Alberto Paniz-Mondolfi - chuyên gia bệnh lý học người Venezuela - cho biết: “Tôi không mấy lạc quan về cách thức phân phối vắc-xin bởi không có cơ sở hạ tầng nào bảo đảm điều kiện bảo quản lạnh thích hợp”. 

Tại Peru, các doanh nghiệp vận chuyển cá và thịt bò đông lạnh đã đề nghị dùng xe tải của họ, nhưng chưa rõ Bộ Y tế có chấp nhận hay không. 

 Nam Anh (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI