Bà Tư ở đầu xóm bán tạp hóa đã gần một thập kỷ. Bà bán từ hồi quanh nhà tôi chưa tụ họp gần như đủ các anh tài: Ministop, Circle K, B'sMart, Shop & go, Coop food và C Express hay Satrafoods. Chưa kể một Guardian chuyên hàng hóa mỹ phẩm và cách đây không xa là siêu thị Auchan mới mở với cửa hàng Medicare, rồi cách 2km là Aeon, BigC.
Tôi "hù" bà Tư rằng, mai mốt còn nhiều cửa hàng tiện ích hơn nữa. Nghe đồn chuỗi cửa hàng hùng mạnh số 1 thế giới là 7-Eleven sắp khai trương tại Việt Nam cả ngàn điểm. Bà Tư có thoáng lo âu, nhưng bà vẫn cười: "Kệ, cô còn mua ngày nào, tôi bán ngày ấy chớ sao".
Khách của bà Tư là ai? Đó là mấy chục hộ trong xóm tôi. Sáng tôi đi chợ chồm hổm gần nhà để mua thực phẩm tươi sống. Cuối tuần, tôi đi siêu thị cũng mua thực phẩm, rau củ, nhưng là loại cao cấp hơn như rau sạch, cá hồi, bò Úc... Những thứ hàng tiêu dùng thiết yếu mà bà Tư có bán thì tôi đều "để dành về mua bà Tư cho rẻ".
Tôi mua của bà nhiều nhất là dầu gội, sữa tắm, xà bông, nước tẩy rửa, mì gói, đồ chơi, đồ ăn vặt cho 2 đứa con, nói chung là trăm thứ bà rằn trong sinh hoạt. Tất cả đều rẻ hơn siêu thị và cửa hàng tiện ích từ 3% tới 10%. Ví dụ, một bịch tã cho con giá gốc 190 ngàn đồng, bà bán cho tôi chỉ 160 ngàn. Bịch xà bông 4kg cũng rẻ hơn tới 20 ngàn đồng. Xâu dầu gội 10 gói có khi bà khuyến mãi chỉ còn 7 ngàn đồng.
Tôi từng hỏi bà Tư rằng bà bán "phá giá" như vậy bà còn lãi không. Bà nói còn chứ, nhưng chỉ lời vài ngàn đồng một sản phẩm. "Giờ cạnh tranh ghê lắm cô, tôi không chiết khấu cao để hạ giá hết mức thì sao có khách".
Bà Tư nói một điều hiển nhiên, nhưng bà chưa phải người bán rẻ nhất khu này. Bên kia đường, tiệm tạp hóa chị Lan là căn nhà ngang 5 mét, dài hai chục mét, hàng hóa quầy kệ bày ngồn ngộn không thua gì siêu thị, lúc nào cũng khách ra khách vào nườm nượp.
Chị Lan là đại lý của nhiều nhãn hàng tiêu dùng, ngày hè chị bán cả trăm thùng nước ngọt, trăm thùng bia nhưng chị vẫn có cả chục nhân viên phục vụ khách mua lẻ từ gói tiêu xay 5 ngàn đồng, bịch đường hàng xá 12 ngàn đồng.
Chị Lan từng chia sẻ với tôi: "Bán lẻ tuy "nhặt bạc cắc" nhưng sướng lắm, được cầm tiền ngay. Tuy mỗi khách chỉ mua vài chục với vài trăm tiền hàng, nhưng lượng khách lớn nên doanh số một ngày của em cũng cả trăm triệu, nhiều cửa hàng tiện ích nằm mơ không có".
Doanh số cao, nhưng chị Lan cũng như bà Tư chiết khấu nhiều để giữ khách nên mỗi đầu sản phẩm lãi không nhiều. Phần lãi nằm ở chỗ, họ chẳng tốn tiền mặt bằng vì phần lớn kinh doanh tại nhà. Hàng kèm, hàng khuyến mãi trong các chương trình giảm giá, tặng quà của các công ty họ được quyền tách ra bán riêng chứ không bị bắt buộc phải đính kèm sản phẩm như tại siêu thị...
Vẫn như với bà Tư, tôi "hù" chị Lan rằng mai mốt đường này nếu có thêm một "cái" 7- Eleven thì chị có lo mất khách không? Chị Lan cười: "Cửa hàng tiện ích trông hào nhoáng vậy chứ ế lắm em ơi, chị không hiểu tại sao mấy ông chủ vẫn "trụ hạng". Em xem đấy, giá thì cao, hàng không phong phú. Chỉ tiện cái chỗ mở suốt ngày đêm. Mấy nơi như Ministop, Circle K và B'sMart có bàn ghế cho mấy em teen vừa học vừa ăn mì gói, uống soda thì còn được, chứ nhan nhản cửa tiệm và rẻ như Vinmart + cũng chẳng mấy ai ra vào".
Chị Lan còn nhắc tới một mô hình mấy năm trước trên đường Cách Mạng Tháng Tám là New Chợ nay đã "khuất bóng" chỉ vì ít khách, thì hàng hóa không dồi dào, tươi ngon. Không dồi dào tươi ngon thì lại càng ít khách, đây là cái vòng lẩn quẩn khó gỡ...
Cầm hai lon sữa bột và mấy lốc yaourt mua từ tiệm chị Lan, tôi vui mừng nhẩm tính mình đã lợi cả trăm ngàn so với giá gốc. Đó là lý do lớn nhất khiến các tiệm chạp phô, các đại lý cứ cắm rễ bền bỉ vào các khu dân cư.
Cơm hộp kiểu Nhật Bản, nước uống teen và máy lạnh của các cửa hàng tiện ích như 7-Eleven có thể hút giới thanh thiếu niên, giới công sở, nhưng khó lòng đánh bại cả vạn tiệm chạp phô truyền thống trong thành phố này khi lấy lòng người già, trẻ nhỏ và mấy bà nội trợ giữ túi tiền rất chặt như tôi.
Chạy xe về tới cửa nhà, tôi chợt nhớ mình quên mua chai tương ớt cho món thịt ướp ngày cuối tuần, tôi réo gọi cậu con trai sang bà Tư. "Con cứ nói cho mẹ cháu mua nợ, lúc nào mẹ ghé trả tiền bà nhé", con tôi dạ ran và nhanh nhẩu chạy ra cổng. Thằng bé thân với bà Tư từ những cuộc trò chuyện mua mua bán bán hồi cháu mới bi bô tập nói.
Bà Tư bán hàng ở xóm tôi đã gần một thập kỷ rồi mà. Không chỉ chuyện kinh doanh bán mua, chúng tôi còn tình cảm xóm giềng tối lửa tắt đèn, "để dành về mua bà Tư" đâu chỉ là vì rẻ.
Kim Ngân