PNO - Chiều 1/4, bà Trương Mỹ Lan và các luật sư tiếp tục tranh luận với đại diện Viện Kiểm sát (VKS) về các luận cứ VKS phản hồi phần bào chữa của các luật sư.
Bà Trương Mỹ Lan: “VKS không xem xét toàn diện, khách quan…”
Bà Trương Mỹ Lan cho rằng: “VKS đã không xem xét toàn diện và khách quan diễn biến phiên tòa những ngày qua, đặc biệt là đã không cập nhật phần xét hỏi khi vẫn giữ quan điểm rằng bị cáo quanh co chối tội, đổ lỗi cho người khác…”.
Bà Trương Mỹ Lan cho rằng quan điểm của đại diện VKS chưa toàn diện, khách quan.
“Trong quá trình làm việc với các luật sư, với cơ quan cảnh sát điều tra, bị cáo đã nghiêm túc nhìn nhận vai trò, mức độ ảnh hưởng của mình với tư cách là một cổ đông lớn của SCB (Ngân hàng TMCP Sài Gòn). Cũng nhận thức một số sai phạm của thành viên SCB về quy định cho vay trong hoạt động tổ chức tín dụng. Vì thế, bị cáo cũng xin giảm nhẹ hình phạt cho các nhân viên SCB, làm việc liên quan SCB. Bị cáo không quanh co đổ lỗi cho họ mà chỉ xin phân định vai trò của bị cáo với ban điều hành, bộ phận có thẩm quyền tại ngân hàng” – bà Trương Mỹ Lan nói.
Bà Trương Mỹ Lan đề nghị xem xét quá trình tham gia tái cơ cấu SCB theo đề nghị của Ngân hàng nhà nước (NHNN) với vai trò cố vấn ban hợp nhất. Bà Trương Mỹ Lan khẳng định với sự quan tâm của NHNN và cơ quan thanh tra giám sát, bản thân, tất cả nhân viên SCB và cả người dân đều tuyệt đối tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của SCB. “Trong hơn 10 năm sau hợp nhất, SCB không sử dụng tiền của nhà nước. Trước khi vụ án xảy ra, ngân hàng hoạt động bình thường. Các nhà đầu tư nước ngoài đang chuẩn bị đầu tư vào với số tiền rất lớn. Đáng tiếc, bị cáo bị bắt nên các nhà đầu tư mất niềm tin, rút dự án, dẫn đến sự việc rút tiền hàng loạt” – bà Trương Mỹ Lan đề nghị xem xét nguyên nhân bối cảnh mà vụ án xảy ra.
Bà Trương Mỹ Lan cũng không đồng ý cáo buộc thâu tóm, chi phối hơn 91% cổ phần tại SCB. Trong đó, phần lớn cổ phần của các pháp nhân nước ngoài và Công ty Việt Vĩnh Phú, không phải của cá nhân bà Lan.
Về bản chất các khoản vay tại SCB hơn 10 năm qua cũng là thực hiện tái cơ cấu, cho vay mới trả nợ cũ, dòng tiền không ra khỏi SCB, nếu có rút ra cũng được trả lại. Theo bà Trương Mỹ Lan, dòng tiền giải ngân qua các khoản vay đều được NHNN giám sát, nếu có bất thường, vi phạm sẽ có cảnh báo.
Về tội danh, bà Trương Mỹ Lan cũng cho rằng có những bất hợp lý khi xác định tội danh của mình và các bị cáo khác được xác định là đồng phạm. “Bị cáo không hiểu tại sao trước năm 2018 chỉ vi phạm quy định cho vay mà sau năm 2018 lại nảy sinh ý thức chiếm đoạt tài sản mà thành tội “tham ô tài sản”? Đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét lại về tội danh tham ô đã quy buộc cho bị cáo” – bà Trương Mỹ Lan nói.
Bà Trương Mỹ Lan cũng xin xem xét, xác định lại tính xác thực của các số liệu, trong đó phần “thiệt hại” của SCB chưa xem xét các khoản chi phí hoạt động suốt 11 năm qua (còn có 450.000 tỉ chưa được khấu trừ, chưa xem xét tính lãi nhập vốn các khoản vay…). Theo bà Trương Mỹ Lan, dư nợ tín dụng thực tế chỉ 390.000 tỉ đồng chứ không phải 483.000 tỉ như cáo trạng và đề nghị xem xét lại số liệu trong báo cáo thực thu thực chi…
Ngoài ra, bà Trương Mỹ Lan cũng đề nghị ghi nhận sự tự nguyện cam kết đưa toàn bộ tài sản không bị kê biên, không liên quan đến vụ án để khắc phục hậu quả của vụ án. Trong quá trình diễn ra phiên tòa có một số khoản phát sinh là: 1.350 tỷ đồng được bà Trương Mỹ Lan chuyển khắc phục cho chồng là ông Chu Lập Cơ và cháu gái là bà Trương Huệ Vân; 5 tỷ đồng do cháu Trương Lập Hưng nộp khắc phục (chưa được ghi nhận); hơn 2.600 tỉ đồng được một số công ty hoàn trả lại…
Bà Trương Mỹ Lan xin miễn trách nhiệm hình sự cho ông Chu Lập Cơ và bà Trương Huệ Vân – 2 người thân chỉ vì tin tưởng mình mà bị truy tố. Bà Lan cũng tiếp tục xin giảm nhẹ cho ông Nguyễn Cao Trí khi ông Trí đã trả lại 1.000 tỉ đồng.
Luật sư bảo lưu quan điểm: không đủ căn cứ kết tội “tham ô tài sản”
Các luật sư bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan khẳng định chưa đủ căn cứ quy buộc bà Trương Mỹ Lan phạm tội “tham ô tài sản”.
Có 5 luật sư bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan.
Theo luật sư Nguyễn Huy Thiệp, quan điểm đối đáp của VKS không mang tính phủ định đối với luận cứ luật sư đưa ra. Lập luận của VKS mang tính suy đoán, suy diễn buộc tội vì nếu xác định như VKS thì phải cấu thành một tội phạm khác, không thể nào là “tội tham ô tài sản” khi bà Trương Mỹ Lan không hề có chức vụ, trách nhiệm gì với SCB.
Luật sư cũng cho rằng cấu thành tội chiếm đoạt tài sản và tội gây thất thoát là hoàn toàn khác nhau nhưng cùng 1 hành vi lại xem xét 2 tội danh cho bà Trương Mỹ Lan ở 2 giai đoạn khác nhau (trước và sau năm 2018) là hoàn toàn mâu thuẫn. “Không thể có hành vi cùng tính chất nhưng lại vừa mang tính chiếm đoạt lại vừa gây thất thoát, cấu thành 2 tội danh khác nhau, đây là mâu thuẫn về mặt pháp lý cần phải giải quyết” – luật sư Thiệp phân tích.
Luật sư cũng đề nghị xem xét lại cáo buộc đưa tài sản thế chấp là phương thức “dùng thủ đoạn” để rút tiền SCB; cũng như không đủ căn cứ chứng minh tội “đưa hối lộ” của bà Trương Mỹ Lan.
Theo luật sư Nguyễn Huy Thiệp, thông qua lời khai của bà Đỗ Thị Nhàn (người bị cáo buộc “nhận hối lộ”) cùng các tài liệu trong hồ sơ đều không có căn cứ nào về việc bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo ông Võ Tấn Hoàng Văn đưa tiền cho bà Nhàn. “Đây hoàn toàn là lời khai đơn phương của ông Văn. Và lời khai này cần phải xem xét lại tính khách quan khi người khai vì lợi ích bản thân, cũng như có sự mâu thuẫn trong lời khai với bà Nhàn. Việc VKS xem đây là lời khai “khách quan” liệu có đủ căn cứ?...” – luật sư Nguyễn Huy Thiệp nêu vấn đề.
Luật sư Trương Thanh Đức không đồng ý với khoản đền bù thiệt hại mà SCB đưa ra. Luật sư cho rằng, cách SCB lập luận và yêu cầu bà Trương Mỹ Lan khắc phục toàn bộ hậu quả là “rất phũ” trong khi 99% sai trái đến từ chính SCB (có 45 bị cáo là thành viên SCB trong vụ án). Việc SCB muốn rũ bỏ mọi trách nhiệm là không phù hợp đạo lý, pháp lý lẫn tình hình thực tế – hoạt động ngân hàng quá yếu kém.
Các luật sư đề nghị HĐXX thận trọng xem xét về số liệu cáo buộc bà Trương Mỹ Lan, đề nghị xem xét lại các tội danh đặc biệt là tội “tham ô tài sản”. Đồng thời xin ghi nhận sự tự nguyện dùng toàn bộ tài sản đề khắc phục, tạo điều kiện để bà Lan huy động sự hỗ trợ gia đình, bạn bè, để giúp SCB sớm khắc phục các hậu quả.
Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, tỉnh Cao Bằng.