Bà Trương Mỹ Lan sẵn sàng làm mọi cách để khắc phục hậu quả nếu được hỗ trợ

12/03/2024 - 21:15

PNO - Trong buổi chiều ngày 12//3, các luật sư tiếp tục đặt ra nhiều câu hỏi cho bà Trương Mỹ Lan và 1 số bị cáo khác để làm rõ sự hiện hữu của các pháp nhân nước ngoài trong việc sở hữu cổ phần SCB.

Theo cáo trạng, tính đến tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan sở hữu 91,5% cổ phần SCB do 27 pháp nhân, cá nhân đứng tên giúp. Trong đó các pháp nhân mà cơ quan điều tra xác định là đứng tên giúp bị cáo Lan có các công ty nước ngoài là: Noble Capital Group Limited (9,4%); Glory Capital Investment Limited (4,6%); Galaxy Capital Investment Development Limited (4,6%); Day Glory Development Limited (4,6%); Dragon Fund Investment Limited (4,6%).

Bà Trương Mỹ Lan cho rằng, bà không nhờ pháp nhân nước ngoài nắm cổ phần tại SCB giống như cáo trạng ghi mà thực tế những cổ phần này thuộc về 5 công ty nước ngoài, chủ các công ty này là bạn bè của bà. “5 công ty nước ngoài này đưa 5 quỹ đầu tư vào hoạt động để phát triển những tài sản nợ xấu tại SCB, có như vậy mới cứu được SCB” - bà Lan nói.

Quang cảnh phiên toà xét xử trong chiều ngày 12/3 - Ảnh: Thanh Vũ
Quang cảnh phiên toà xét xử trong chiều ngày 12/3 - Ảnh: Thanh Vũ

Luật sư Giang Hồng Thanh, 1 trong 5 luật sư bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan hỏi bà có cách nào tác động đến các công ty nước ngoài này để khắc phục hậu quả. Bà Lan đáp bà sẵn sàng uỷ quyền cổ phần bà đang có, của bạn bè cho Ngân hàng Nhà nước hoặc vận động bạn bè nước ngoài. Nhưng với điều kiện phải có sự hỗ trợ từ toà, cơ quan chức năng thì mới liên hệ và tác động được đến họ.

Bà Lan cũng cho biết thêm, bà mong muốn cơ quan pháp luật hỗ trợ, tạo điều kiện cho con gái bà là Chu Duyệt Phấn thu hồi những tài sản cho vay mượn bên ngoài để khắc phục hậu quả, nếu có. Lý do là con gái bà đang bị bệnh, phải điều trị ở nước ngoài. “Con gái tôi có rao bán toà nhà tại Hà Nội để sẵn sàng khắc phục hậu quả, nếu có. Lúc tôi chưa bị bắt, giá trị toà nhà là 1 tỉ USD, nay thấy gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn, họ ép giá chỉ còn 300 triệu USD” - bà Lan trình bày.

Luật sư Giang Hồng Thanh hỏi thêm ông Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Giám đốc Ngân hàng SCB) về những cổ đông công ty nước ngoài là có thật hay không. Ông Văn khẳng định ông có biết tên những cổ đông nước ngoài này và họ có thật.

Bà Trương Mỹ Lan nói các công ty nước ngoài nắm giữ cổ phần tại SCB đều là bạn bè của bà
Bà Trương Mỹ Lan nói các công ty nước ngoài nắm giữ cổ phần tại SCB không phải là của bà 

Cũng theo cáo trạng, Công ty Việt Vĩnh Phú đang nắm giữ 12,9% cổ phần Ngân hàng SCB. Đồng thời công ty Việt Vĩnh Phú có các cổ đông sở hữu cổ phần gồm: bà Trương Huệ Vân 50,5%; 3 công ty nước ngoài có trụ sở tại British Virgin Islands (Anh) gồm Công ty Prosperity Asia Capital Limited 19,5%; Công ty Lionyear International Limited 15%; Công ty Magic Luck Group Limited 15% vốn điều lệ.

Với nội dung cáo trạng này, luật sư Giang Hồng Thanh tiếp tục đặt 1 số câu hỏi cho ông Tạ Chiêu Trung (cựu Tổng giám đốc Công ty Việt Vĩnh Phú) về sự hiện diện của các pháp nhân nước ngoài. Ông Trung khẳng định, các cổ đông của các công ty nước ngoài này là có thật, có hồ sơ lưu trữ và thực hiện đóng thuế đầy đủ. Tuy nhiên do SCB tái cơ cấu, đến nay các cổ đông này vẫn chưa được chia lãi. Từ ngày vụ án này bị khởi tố, phía công ty của ông Trung có liên hệ với những cổ đông này nhưng chưa được.

Bà Trương Mỹ Lan và bà Đỗ Thị Nhàn (Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II thuộc NHNN) tại toà. Bà Nhàn khẳng định có gặp mặt bà Lan nhưng không có
Bà Trương Mỹ Lan và bà Đỗ Thị Nhàn (Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II thuộc NHNN) tại toà. Bà Nhàn khẳng định có gặp mặt bà Lan nhưng chỉ bàn công việc, không có yêu cầu hay thoả thuận về đưa nhận hối lộ

Cũng trong chiều 12/3, trả lời câu hỏi của luật sư về việc tại sao ký văn bản thế chấp tòa nhà Times Square tại SCB dù không phục vụ mục đích của mình hay công ty, ông Chu Lập Cơ (sở hữu hơn 99% cổ phần Timesquare) khai rằng, mình ký theo đề nghị và thuyết phục của vợ là bà Trương Mỹ Lan nhằm tái cấu trúc SCB, cứu SCB trước nguy cơ sụp đổ. Ông Chu Lập Cơ cho biết dù không biết tiếng Việt nhưng tin tưởng vào vợ và nhân viên, trợ lý của mình nên đã ký nhiều văn bản. Ông không biết gì về tình hình sử dụng các tài sản, khoản vay tại SCB. Ông Chu Lập Cơ khẳng định không cố tình ký văn bản, hoàn toàn không nghĩ sẽ có hậu quả như hôm nay. “Tôi thừa nhận mình ký là sai, mong HĐXX tạo điều kiện cho khắc phục” - ông Chu Lập Cơ nói trước tòa.

Còn với nội dung câu hỏi của luật sư về việc đưa nhận hối lộ giữa bà Lan và bà Đỗ Thị Nhàn (Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II thuộc NHNN). Bà Nhàn trình bày rằng, bà có gặp bà Lan nhưng chỉ bàn về công việc chứ không thoả thuận gì khác, không có yêu cầu hay thoả thuận về việc đưa nhận hối lộ.

Ngoài ra, các luật sư Đỗ Ngọc Quang (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Hưng - Phó chánh Thanh tra NHNN), Nguyễn Thị Phụng - Phó cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II thuộc NHNN ), Trần Minh Hải, Phạm Thúy Nga (bào chữa cho Phạm Văn Phi - cựu Phó tổng giám đốc SCB) cũng tham gia xét hỏi để làm rõ thiệt hại, hành vi của các bị cáo.

Tuyết Hoa Bích

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI