“Bị cáo thấy hành vi vi phạm có đúng trong nội dung cáo trạng hay không?” - chủ toạ hỏi bà Trương Mỹ Lan. Bà Lan trả lời: “Bị cáo tôn trọng nội dung và kết luận của cáo trạng. Một phần hành vi giống như cáo trạng đã truy tố nhưng có nhiều nội dung không đúng, nhất là nói bị cáo nắm giữ trên 91,5% cổ phần và điều hành ngân hàng”.
Bà Lan khai, thực tế bà chỉ nắm giữ 4,9% cổ phần, 2 người con gái mỗi người là 5% cổ phần. Nếu tính tổng gia đình bà Lan thì số cổ phần nắm giữ chưa tới 15%. “Còn lại, bị cáo vận động người thân và bạn bè ở trong nước nắm giữ 30% cổ phần, bạn bè ở nước ngoài là hơn 30%” – bà Lan khai.
|
Bà Trương Mỹ Lan trả lời các câu hỏi của chủ toạ trong sáng 11/3. |
Chủ toạ hỏi: “Nhưng tất cả mọi người đều nói cổ phần này nắm giữ giúp cho bà lan, bị cáo giải thích như thế nào?”. Bà Trương Mỹ Lan giải thích "nhiều người này bị cáo hoàn toàn không biết mặt bị cáo”, không phải là người đứng tên giúp vì bạn bè đều toàn là Việt kiều Canada, Úc.
Nói lý do phải nhờ bạn bè nước ngoài mua hơn 30% cổ phần SCB, bà Lan cho biết, thời điểm trước khi hợp nhất 3 ngân hàng SCB (1/1/2012) thì tình hình cổ đông tại đây rất hỗn loạn, mọi người đấu đá nhau. Đại diện người đứng đầu, nhờ vả tôi nhờ bạn bè phải mua hơn 65% cổ phần thì mới có thẩm quyền ra nghị quyết hợp nhất 3 ngân hàng. Bà Lan khóc nức nở: “Lúc đầu bị cáo có từ chối nhưng SCB cứ liên tục nhờ vả, sau đó bị cáo mới đứng ra nài nỉ bạn bè của mình, lấy uy tín mình ra đảm bảo nên họ mới mua. Đừng nói bị cáo “thâu tóm” SCB giống như cáo trạng nêu”.
“Sau khi 3 ngân hàng hợp nhất thì bị cáo đã chi phối toàn bộ SCB” - Chủ toạ hỏi. Bà Lan khẳng định kết luận này của cáo trạng là không đúng. Chủ toạ hỏi tiếp: “Tất cả các bị cáo khác từ Chủ tịch HĐQT SCB, tổng giám đốc, các công ty thẩm định giá, kể cả thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước đều xác định việc làm của họ đều do Trương Mỹ Lan chỉ đạo, bị cáo giải thích sao về điều này?”.
Bà Lan khai, bà không đủ trình độ để điều hành, chi phối toàn bộ SCB. Nhiều bị cáo khác đã khai là không đúng, bà cũng không biết lúc đó SCB yếu kém. “Bị cáo khẳng định lại 3 nội dung. Thứ nhất, ngay từ đầu bị cáo được giao nhiệm vụ giúp 3 ngân hàng hợp nhất bằng cách nhờ bạn bè mua cổ phần, đưa tài sản vào SCB vì lúc đó tài sản tại SCB đều là nợ xấu. Thứ 2, sau khi hợp nhất thì toàn bộ hoạt động của SCB là do Ngân hàng Nhà nước điều hành theo quy định pháp luật. Thứ 3, những bị cáo khác như Lê Khánh Hiền (Tổng GĐ SCB), Thu Sương (cựu Chủ tịch HĐQT SCB), Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB)... khai là thân tín của bị cáo nhưng không có người nào thân tín cả. Mỗi năm, bị cáo chỉ gặp mặt họ 1-2 lần, ai cũng làm 1-2 năm rồi nghỉ, nếu đã là thân tín thì phải làm và gắn bó với bị cáo thời gian dài. Một tổng giám đốc SCB tại sao không dám nói sự thật” – bà Lan nói.
|
Bà Trương Mỹ Lan nói rằng các luật sư bào chữa cho bà đều có bằng chứng về các nội dung trong cáo trạng là chưa đúng. |
“Theo cáo trạng, bà Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II) thuộc Ngân hàng Nhà nước) đã nhận tiền từ Ngân hàng SCB thông qua ông Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB) với số tiền đặc biệt lớn là 5,2 triệu USD để chỉ đạo cấp dưới báo cáo và ban hành dự thảo kết luận thanh tra không khách quan, không trung thực, không đúng thực trạng tài chính của SCB, bao che, bưng bít sai phạm của SCB. Bị cáo giải thích sao về nội dung này” - chủ toạ hỏi tiếp. Bà Lan tiếp tục phủ nhận nội dung này không đúng vì “bị cáo không hề biết Đỗ Thị Nhàn” mà do ông Võ Tấn Hoàng Văn và ông Đinh Văn Thành (cựu chủ tịch HĐQT SCB) nhờ “bị cáo gặp bà Nhàn để kết thúc thanh tra sớm, tiếp tục cho SCB mượn tài sản và kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài giúp SCB”.
Tại phiên toà, không ít lần bà Trương Mỹ Lan bật khóc, bà mong HĐXX xem lại 3 nội dung. Thứ nhất là hãy xem xét lại về đời sống, đạo đức con người, gia tộc bà Lan vì bà là người uy tín trong mắt đối tác, bạn bè quốc tế, không có chuyện bà Lan đưa hối lộ, “thâu tóm” cả SCB vì nếu có tiền đưa hối lộ sao không lấy tiền đó trả nợ cho chồng vì “chồng bị cáo đang rất khổ”.
Thứ 2, xem xét lại toàn bộ bị cáo và phần thẩm định giá vì bà Lan không có lập hồ sơ vay khống, chỉ đạo nhân viên SCB thông đồng với công ty thẩm định giá nâng khống tài sàn để đưa vào làm tài sản đảm bảo mà SCB đã mượn tài sản của bà. “Lúc đó giá bất động sản rất cao, hiện tại bất động sản đã xuống giá. Xin HĐXX xem xét cho anh em thẩm định giá. Chứ số tiền thiệt hại quá lớn, anh em lấy đâu bồi thường” – bà Lan nói.
Thư 3, xem xét lại số liệu về số tiền bà đã gây thiệt hại vì bà hoàn toàn không biết về số liệu này, trong khi số tiền lại rất lớn.
Theo cáo trạng, từ 1/1/2012 đến tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, nắm giữ 91,5% cổ phần của SCB, qua đó trở thành cổ đông có “quyền lực” để chỉ đạo, điều hành, thực chất là thao túng toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB, phục vụ cho các mục đích khác nhau của mình. Bà Trương Mỹ Lan cùng các đồng phạm đã thực hiện một chuỗi hành vi gồm: tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín vào các vị trí chủ chốt tại Ngân hàng SCB; thành lập một số đơn vị thuộc Ngân hàng SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu của bà Trương Mỹ Lan, thành lập, sử dụng hàng ngàn công ty “ma”, thuê nhiều cá nhân; câu kết với các cá nhân đứng đầu nhiều doanh nghiệp để thực hiện hành vi phạm tội; thông đồng với nhiều công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản bảo đảm, tạo lập số lượng rất lớn hồ sơ vay vốn khống để rút tiền từ Ngân hàng SCB. Lập phương án rút tiền, “cắt đứt” dòng tiền sau giải ngân; bán nợ xấu, bán các khoản cấp tín dụng trả chậm để giảm dư nợ tín dụng, giảm nợ xấu để che giấu sai phạm; mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước làm trái công vụ… từ đó gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn. Cụ thể, từ ngày 1/1/2012 - 31/12/2017, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo lập khống 348 hồ sơ vay vốn để rút tiền của SCB, sử dụng vào các mục đích khác nhau. Đến ngày 17/10/2022, còn dư nợ hơn 132.000 tỉ đồng, không có khả năng thu hồi. Hành vi của bà Trương Mỹ Lan đã gây thiệt hại cho SCB gần 65.000 tỉ đồng. Từ ngày 9/2/2018 - 7/10/2022, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt của SCB 304.000 tỉ đồng, gây thiệt hại gần 130.000 tỉ đồng. Cùng với các sai phạm từ năm 2017 trở về trước, bà Lan và đồng phạm gây thiệt hại cho SCB tổng cộng 498.000 tỉ đồng. |
Tuyết Hoa Bích