“Trước thời điểm hợp nhất thành Ngân hàng SCB, cả 3 ngân hàng TMCP là Sài Gòn, Việt Nam Tín Nghĩa và Đệ Nhất đều trong tình trạng yếu kém, bà được Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Trần Minh Tuấn làm cố vấn hợp nhất 3 ngân hàng trên bởi lúc đó bà và Vạn Thịnh Phát có tài sản, có thể đưa cho ngân hàng mượn để làm tài sản đảm bảo khoản vay để tránh vỡ nợ. Nội dung này có đúng” - luật sư Phan Trung Hoài đặt câu hỏi.
Bà Trương Mỹ Lan khai, nội dung này là có. Lúc đó bà cho Ngân hàng Đệ Nhất mượn tòa khách sạn 5 sao Windsor (thuộc sở hữu của Công ty cổ phần An Đông, thuộc Vạn Thịnh Phát) làm tài sản đảm bảo để vay 15.000 tỉ đồng của NHNN. Vì tham gia cố vấn nên phải làm cổ đông, bởi nếu không gom cổ phần từ các cổ đông cũ, thì các cổ đông không đồng ý, việc hợp nhất sẽ không thành công. “Lúc đó bị cáo nói chồng đưa thêm tài sản, dùng tiền cá nhân, vay mượn thêm bạn bè để đưa hết cho SBC cơ cấu” - bà Lan nói.
|
Bà Trương Mỹ Lan trong phiên tòa ngày 11/3 |
Luật sư Phan Trung Hoài hỏi: “Khi đưa hết tài sản như vậy, bà có thấy được hậu quả, rủi ro không?”. Theo bà Lan, lúc đó bà cũng lo lắng nhưng thấy bạn bè thực hiện các dự án đô thị, sau 3-5 năm đều lời vài trăm tỉ nên bà rất ham. Bà nói: "Tôi nghĩ sau 3-5 năm thì SBC sẽ phát triển tốt, niêm yết thành công trên sàn chứng khoán, giá trị ngân hàng tăng 3-5 lần thì sẽ lấy tài sản về”.
“Cáo trạng nói bà có 91,5% cổ phần tại SCB, trong khi bà nói chỉ có 15% cổ phần, bạn bè nước ngoài có hơn 30% cổ phần, bà giải thích sao về nội dung này” - luật sư Phan Trung Hoài hỏi. Một lần nữa bà Lan khẳng định: “Hơn 30% cổ phần đó đều là của bạn tôi tại nước ngoài, trong đó có cả những người nổi tiếng trên thế giới. Tôi đã hứa với NHNN là giúp SCB cơ cấu nợ xấu, nhanh đưa SCB lên sàn chứng khoán… nên đưa tài sản của gia tộc mình cho SCB mượn. Nếu tôi thật sự có cổ phần lớn tại SCB thì tôi sẽ chịu trách nhiệm với SCB”.
Luật sư Phan Trung Hoài đặt tiếp các câu hỏi để bà Lan giải thích về nội dung cáo trạng nói rằng bà “thâu tóm” và điều hành SCB. “Tôi không có thời gian, không hứng thú và cũng không có nghiệp vụ để điều hành SCB, cũng không đưa người thân, người nhà vào làm các vị trí tại SCB mà tuyển chọn công khai, có thay đổi qua các thời kỳ. Mỗi hoạt động của SCB đều do ban lãnh đạo ngân hàng quyết định. Tôi đã giúp SCB rất nhiều nhưng tôi buồn tại sao lãnh đạo không nói sự thật là tôi đưa tài sản của cả gia tộc vào cơ cấu SBC mà để anh em hiểu theo hướng tôi điều hành. Sau khi tôi đưa tài sản vào thì SCB vẫn gặp nhiều khó khăn, nợ xấu tồn tại từ các năm trước rất nhiều, nếu không cơ cấu tiếp thì có khả năng mất vốn nên toàn bộ nguồn tiền từ việc kinh doanh, làm dịch vụ tôi đều đưa hết vào SCB. Việc SCB hoạt động không tốt là nằm ngoài mong muốn của tôi” - bà Lan trình bày.
Lý giải tiếp nội dung câu hỏi về việc nội dung cáo trạng thể hiện bà Trương Mỹ Lan có hành vi lợi dụng, chỉ đạo thành lập 3 đơn vị kinh doanh gồm Trung tâm kinh doanh khách hàng Wholesale, kênh kinh doanh trực tiếp khách hàng doanh nghiệp, Hub cho vay bất động sản HCM2 để giải ngân cho 296 khách hàng với khoản tiền hơn 185.000 tỉ đồng, bà Lan tiếp tục khẳng định: Bà buồn vì ông Trương Khánh Hoàng (quyền TGĐ SCB) khai không đúng, bà không có chỉ đạo thành lập đơn vị nào cả.
Bà Trương Mỹ Lan cho hay Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chỉ có 5 công ty con, 1 dự án đang xin giấy phép. Các công ty còn lại được cho là “hệ sinh thái” của Vạn Thịnh Phát với hơn 1.000 công ty “ma” thì bà không biết. Bà mong Hội đồng xét xử coi lại vì các công ty này khi thành lập đều có pháp nhân, chỉ cần truy là ra.
|
Nhóm luật sư tại phiên xét xử bà Trương Mỹ Lan |
Bà cũng trình bày với luật sư Phan Trung Hoài rằng bà không có quan hệ nào với các công ty thẩm định giá để nhờ họ nâng khống giá tài sản. “Mong Hội đồng xét xử xem lại vì định giá hiện tại sẽ thấp hơn rất nhiều so với thời điểm bất động sản đang “sốt” trước đó. Còn riêng tài sản là dự án Mũi Đèn Đỏ (quận 7, TPHCM) thì định giá cao là do thời điểm đó đã có 1 nhà đầu tư nước ngoài trả với giá rất cao” - bà Lan nói.
Luật sư Phan Trung Hoài còn trích dẫn các văn bản cam kết của bà Trương Mỹ Lan gửi các cơ quan tố tụng trước đó với nội dung là bà đưa tài sản của gia đình để khắc phục thiệt hại cho SCB, nếu có. “Liên quan đến các số liệu thiệt hại tại SCB, bà có kiến nghị gì không. Hiện nay chưa có phán quyết của tòa, thời gian xét xử còn kéo dài thì bà có giữ cam kết sẽ đem tài sản, tiền mình đang có để khắc phục thiệt hại” - luật sư Phan Trung Hoài đặt câu hỏi.
Bà Trương Mỹ Lan mong muốn Hội đồng xét xử xem lại thật kỹ số tiền trong cáo trạng nói bà chiếm đoạt, tham ô, hối lộ do “toàn bộ tài sản của bị cáo đều ở SCB, bị cáo chiếm đoạt làm gì để cho mất tài sản”. Bà Lan nói, nhiều đối tác nước ngoài muốn đầu tư vào SCB nhưng khi nghe thông tin bà chiếm đoạt, tham ô, hối lộ đã chần chừ chưa quyết định. “Những thiệt hại của SCB do tôi gây ra thì các luật sư bào chữa cho tôi đều có con số cụ thể, sẽ trình bày sau. Tôi sẽ giữ lời hứa, nếu tôi có gây thiệt hại bao nhiêu thì sẽ lấy tài sản mình đang có, các dự án đang thực hiện đưa vào SCB để khắc phục hậu quả. “Trước mắt, tôi muốn chuyển số tiền 1.000 tỉ đồng mà ông Nguyễn Cao Trí hứa trả lại cho tôi về SCB để khắc phục trước” - bà Trương Mỹ Lan nói tại tòa.
Tuyết Hoa Bích