Trả lời trước Hội đồng xét xử (HĐXX), bà Trương Mỹ Lan nhiều lần khẳng định bà không phải là người đưa ra chủ trương phát hành trái phiếu mà thực chất là do Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã đưa ra chủ trương này.
Nói về lời khai của 28 bị cáo đã khai trước đó tại tòa trong các ngày vừa qua, bà Lan mong HĐXX xem xét cho các bị cáo này vì họ không có “chiếm đoạt tài sản”, không được hưởng lợi gì.
Như ông Nguyễn Phương Anh (cựu Phó TGĐ Công ty Sài Gòn Peninsula) - bị cáo buộc là đã phối hợp giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan phát hành trái phiếu của 4 công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra chiếm đoạt số tiền hơn 30.081 tỉ đồng của 35.824 bị hại, bà Trương Mỹ Lan mong HĐXX xem xét giảm nhẹ cho ông Nguyễn Phương Anh bởi công ty này không thuộc Vạn Thịnh Phát. Do bà Lan thấy Công ty Sài Gòn Peninsula có tiềm năng nên đã kêu gọi hợp tác đầu tư với Vạn Thịnh Phát.
|
Bà Trương Mỹ Lan cho rằng bà không có chủ trương phát hành trái phiếu như cáo trạng đã nêu, tất cả là do SCB thực hiện. |
Hay như Công ty Quang Thuận cũng vậy, không phải là của Vạn Thịnh Phát. “Vạn Thịnh Phát chỉ có 2 tập đoàn. Một tập đoàn có tên là "Tập đoàn đầu tư Vạn Thịnh Phát" do bị cáo làm Chủ tịch HĐQT, ngành nghề chuyên về phát triển bất động sản. Còn một tập đoàn có tên "Tập đoàn Vạn Thịnh Phát" chuyên đầu tư các dự án. Hai tập đoàn này có khả năng phát hành trái phiếu đến vài trăm ngàn tỉ đồng, nhưng do bị cáo không rành về chứng khoán nên rất sợ và không có ý định phát hành trái phiếu gì cả” – bà Trương Mỹ Lan khai.
Trước câu hỏi “có biết việc sử dụng 8 công ty “ma” của Vạn Thịnh Phát để mua toàn số lượng trái phiếu của 4 công ty phát hành trái phiếu là công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra để đảm bảo điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư hay không”, bà Trương Mỹ Lan khẳng định không biết gì về những công ty “ma” này, chỉ có SCB mới biết.
Bà Trương Mỹ Lan nói thêm, tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà không có nhu cầu phát hành trái phiếu. “Nhưng vì sao có 4 gói trái phiếu này? Thời điểm đó ông Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT SCB, đã bỏ trốn) nói rằng SCB đang bị thanh tra liên tục, nợ xấu kéo dài, ngân hàng gặp áp lực trả lãi cho khách hàng nên đã xin bị cáo giúp đỡ bằng cách cho mượn công ty để phát hành trái phiếu. Lúc đầu bị cáo từ chối vì bị cáo không rành về chứng khoán” – bà Trương Mỹ Lan trình bày.
Vậy ai là người đưa ra chủ trương phát hành trái phiếu? – HĐXX hỏi.
Bà Trương Mỹ Lan nói, là do ông Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT SCB, đã bỏ trốn) và Nguyễn Phương Hồng (cựu Phó TGĐ SCB, đã mất) đưa ra chủ trương. Đồng thời ông Võ Tấn Hoàng Văn (cựu TGĐ SCB) cũng biết đến chủ trương này. “Thời điểm đó, bị cáo chủ yếu sống, làm việc trên máy bay và ở nước ngoài. Khi có thời gian là bị cáo tranh thủ mời ông Thành, ông Văn và bà Hồng ăn cơm trưa vì có liên quan đến niêm yết, trong đó có câu chuyện mượn công ty An Đông để phát hành trái phiếu, còn chủ trương là của SCB. Lúc này bị cáo có hỏi cho mượn công ty có sao không, thì anh em nói rằng không sao đâu, bị cáo mới cho mượn công ty để phát hành trái phiếu, còn ai chủ trương phát hành thì do SCB, chứ không phải của bị cáo” – bà Trương Mỹ Lan trình bày thêm.
“Tất cả các bị cáo khác đã khai rằng đã nhận chủ trương của bị cáo. Vậy bị cáo có nắm số lượng trái phiếu phát hành, lượng người mua hay không, công ty An Đông phát hành trái phiếu nhưng không có tài sản đảm bảo…” – HĐXX tiếp tục đặt câu hỏi.
Bà Lan khẳng định, trước khi bị bắt, bà không biết gì về trái phiếu Công ty An Đông. Chỉ khi bị bắt bà mới biết số tiền phát hành thu về 30.000 tỉ đồng. Bà Lan nói: Khi chấp nhận cho ông Thành mượn Công ty An Đông, bị cáo có nói với em dâu là bà bà Ngô Thanh Nhã (cựu TGĐ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và cựu Chủ tịch HĐQT Công ty An Đông) hãy giúp đỡ SCB nên bà Nhã đã hỗ trợ nhiệt tình thông qua việc ký tất cả các giấy tờ để phát hành trái phiếu. Một khi đã đưa Công ty An Đông cho SCB mượn thì SCB tự cân đối tài sản đảm bảo trước khi phát hành trái phiếu, bị cáo không tham gia.
Trước câu hỏi “bị cáo đã lên các phương án sử dụng dòng tiền thu được từ phát hành trái phiếu như thế nào”, bà Trương Mỹ Lan tiếp tục khẳng định bà không biết, bà cũng không có chỉ đạo ông Nguyễn Tiến Thành (cựu Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty chứng khoán TVSI) và ông Hồ Bửu Phương (cựu PTGĐ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) để chào bán, huy động tiền từ người dân như cáo trạng đã nêu. Bà Lan không rõ dòng tiền này do các tổ chức nào đứng ra nhận, chỉ có bà Nguyễn Phương Hồng (cựu Phó TGĐ SCB, đã mất) và bà Trần Thị Mỹ Dung (cựu phó TGĐ SCB) là biết rõ nhất.
Khi được HĐXX hỏi về các phương án giải quyết số tiền hơn 30.000 tỉ đồng để bồi thường cho người bị hại, bà Trương Mỹ Lan bật khóc nói rằng, bà rất đau xót vì có những cụ già đã tích góp cả đời, nhưng chỉ vì tin tưởng SCB và cái tên Trương Mỹ Lan mà đã rót tiền mua trái phiếu. Do đó, dù bà không chủ trương phát hành trái phiếu nhưng bằng mọi giá sẽ trả lại tiền cho trái chủ.
Bà Trương Mỹ Lan xin SCB hãy trả lại cho bà dự án 6A với diện tích 26 héc-ta nằm tại khu Trung Sơn (huyện Bình Chánh, TPHCM) để bà bồi thường thiệt hại cho trái chủ. Dự án này đã thực hiện đền bù cho người dân hơn 20 năm, hiện tại không có dư nợ tại ngân hàng nào cả nhưng thời gian qua đã cho SCB mượn sử dụng.
Đồng thời bà Lan sẽ sử dụng dự án Amigo (tại đường Nguyễn Huệ, quận 1, TPHCM) để bồi thường cho trái chủ. Hiện dự án, đã thực hiện đền bù 30 năm, chưa bị kê biên tài sản, có giá trị cao hơn nhiều so với toà nhà Times Square mà bà đang sở hữu. “Mong HĐXX phân định rõ đơn vị nào đã phát hành trái phiếu. Không dùng từ bà đã “chiếm đoạt tài sản” vì chiếm đoạt là phải bỏ tiền vào túi nhưng dòng tiền này không sử dụng cho Vạn Thịnh Phát mà SCB sử dụng để trả lãi cho người dân. Khi nghe cụm từ “chiếm đoạt tài sản” của người dân, tôi đã sắp ngất xỉu” – bà Trương Mỹ Lan nói trước tòa.
Thanh Hoa - Ngọc Bích