Bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm Ngân hàng SCB như thế nào?

20/11/2023 - 08:57

PNO - Thông qua việc thâu tóm SCB, bà Trương Mỹ Lan biến ngân hàng này thành công cụ tài chính, để huy động vốn cho “đế chế” Vạn Thịnh Phát.

Trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng TCMP Sài Gòn (SCB), bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị đề nghị truy tố 3 tội danh, gồm tham ô tài sản, đưa hối lộ và vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát
Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát

Vay cả triệu tỉ đồng bằng chiêu trò công ty “ma”

Kết luận điều tra cho hay, để có tiền huy động vốn cho “hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát với hơn 1.000 doanh nghiệp, bà Trương Mỹ Lan từ sớm đã lên kế hoạch thao túng 3 ngân hàng tư nhân, gồm Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ), Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa và Ngân hàng TMCP Đệ Nhất.

Năm 2011, nhằm phục vụ mục đích sáp nhập 3 ngân hàng này, bà Lan liên tục gom mua cổ phần rồi nhờ người khác đứng tên. Đến tháng 12/2011, nữ doanh nhân nắm giữ hơn 81,4% cổ phần tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ), 98,7% cổ phần tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa và 80,4% cổ phần tại Ngân hàng TMCP Đệ Nhất.

Đầu năm 2012, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) - tên gọi sau sáp nhập 3 ngân hàng, được thành lập. Trải qua thời gian dài không ngừng thu mua, đến năm 2018, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sở hữu và chi phối lên tới 91,5% cổ phần tại ngân hàng này.

Để lách luật, bà Lan chỉ trực tiếp đứng tên gần 5% cổ phần. Số cổ phẩn còn lại, bị can nhờ 26 cá nhân, pháp nhân khác đứng tên hộ. Bà còn bố trí, sắp xếp nhân sự thân tín của mình giữ các vị trí lãnh đạo tại SCB, trả lương cho họ từ 200 đến 500 triệu đồng mỗi tháng.

Về mặt giấy tờ, bà Trương Mỹ Lan không có tên trong ban lãnh đạo SCB, nhưng với việc nắm giữ cổ phần và chi phối toàn bộ hoạt động của ngân hàng, bà đã biến SCB trở thành công cụ tài chính để huy động tiền gửi từ người dân và các tổ chức, sau đó cho các công ty liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay.

Kết quả điều tra xác định, thông qua thủ đoạn lập các công ty “ma” rồi hợp thức hóa hồ sơ khống, từ năm 2012 đến năm 2022, Ngân hàng SCB đã cho “hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát vay hơn 1 triệu tỉ đồng, trong đó tổng dư nợ gốc và dư nợ lãi thuộc nhóm không có khả năng thu hồi lên tới hơn 677.000 tỉ đồng.

Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc thâu tóm Ngân hàng SCB
Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc thâu tóm Ngân hàng SCB

Chồng nghe chỉ đạo của vợ, gây thiệt hại ngàn tỉ

Một cái tên đáng chú ý trong vụ án Vạn Thịnh Phát, đó là ông Chu Nap Kee Eric (Chu Lập Cơ, quốc tịch Hồng Kông), Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Times Square, là chồng của bà Trương Mỹ Lan.

Cũng giống với vợ, ông Chu Lập Cơ bị đề nghị truy tố tội vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Cơ quan điều tra xác định, ông Cơ là người sáng lập và nắm 99,26% cổ phần của Công ty CP Times Square Việt Nam. Ông này cùng với vợ là Trương Mỹ Lan điều hành các hoạt động của công ty và triển khai dự án tòa nhà Times Square tại khu đất 22 - 36 Nguyễn Huệ và 57 - 69F Đồng Khởi (phường  Bến Nghé, quận 1, TPHCM).

Quá trình triển khai, ông Cơ cho bà Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát làm các thủ tục đầu tư, cấp phép xây dựng, huy động vốn, vay vốn của Ngân hàng SCB để thực hiện.

Từ năm 2009 đến năm 2012, 2 vợ chồng bị can thống nhất dùng tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai tại dự án để đảm bảo cho các khoản vay đứng tên cá nhân, tổ chức do bà Lan chỉ định.

Với vai trò là Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Times Square, ông Cơ ký các biên bản họp đại hội đồng cổ đông và nghị quyết chấp thuận việc thế chấp, bảo lãnh cho các khoản vay do vợ chỉ đạo tại SCB.

Năm 2017, do các khoản nợ đến hạn, ông Cơ tiếp tục ký biên bản họp đại hội đồng cổ đông của công ty mình để đảm bảo đối với khoản nợ 35.541 tỉ đồng theo danh sách khách hàng khống của SCB.

Khai với cơ quan điều tra, ông Cơ thừa nhận việc ký các thủ tục bảo lãnh khoản vay kể trên là làm theo chỉ đạo của vợ mà không có quan hệ với các cá nhân đứng tên vay vốn.

Bị can này nhận thức việc ký các biên bản, nghị quyết của Công ty CP đầu tư Times Square là thủ tục bắt buộc, phải ký mới đủ điều kiện pháp lý để vay vốn tại SCB và dự án tòa nhà Times Square cũng được hình thành từ nguồn vốn vay của SCB, các khoản tiền trả nợ cũng lấy của nhà băng này.

Với chuỗi hành vi vi phạm nêu trên, ông Chu Lập Cơ bị cáo buộc gây thiệt hại 39.217 tỉ đồng, gồm cả tiền gốc và lãi vay của Ngân hàng SCB.

Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI