Bà Trương Huệ Vân xin giảm nhẹ án cho cấp dưới

20/03/2024 - 20:36

PNO - Chiều 20/3, các luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo trong vụ án sai phạm tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức liên quan tiếp tục trình bày các luận điểm của mình với Hội đồng xét xử (HĐXX).

Luật sư bào chữa cho bà Trương Huệ Vân (Tổng giám đốc Công ty Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) không tranh luận về tội danh, nhưng đề nghị HĐXX xem xét lại mức án đại diện Viện kiểm sát (VKS) đề nghị là quá nghiêm khắc.

Bà Trương Huệ Vân bị đề nghị mức án 19 - 20 năm tù cho tội "tham ô tài sản".

Luật sư cho rằng, bà Trương Huệ Vân không làm việc trực tiếp với SCB nên không thể biết rõ các sai phạm liên quan. Được bà Trương Mỹ Lan nuôi ăn học từ nhỏ, bà Vân hoàn toàn tin tưởng và nghe lời bà Lan. Bản thân bà Trương Huệ Vân cũng tích cực hợp tác với cơ quan điều tra ngay từ đầu, cũng là người tham gia nhiều hoạt động xã hội.

Trình bày bổ sung với HĐXX, bà Trương Huệ Vân xin được khoan hồng, xem xét giảm nhẹ trách nhiệm cho các bị cáo là cấp dưới của mình tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Bào chữa cho ông Nguyễn Văn Du (nguyên quyền Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng nhà nước), luật sư đề nghị HĐXX xem xét về hoàn cảnh của ông Du khi đó mới tiếp nhận công việc, các kết quả thanh tra đều đã được thông qua.

đại diện VKS đề nghị xử phạt ông Nguyễn Văn Du 3 - 4 năm tù về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đại diện VKS đề nghị xử phạt ông Nguyễn Văn Du 3 - 4 năm tù về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo luật sư, ông Du chỉ là người ký ban hành sau cùng về mặt thủ tục, vì tin tưởng cấp dưới nên đã thiếu sót dẫn đến hậu quả hiện nay. Ngoài ra, kết quả thanh tra đã bị làm sai lệch nên cũng rất khó để phát hiện.

Ông Nguyễn Văn Du là người có chức vụ quyền hạn duy nhất trong vụ án không nhận tiền, không được hưởng lợi, cũng hoàn toàn không có yếu tố vụ lợi, đây thực sự là một “vấn đề rủi ro”. Luật sư đề nghị cho ông Nguyễn Văn Du được hưởng án treo, như vậy cũng đã đủ sức răn đe.

Ông Tạ Chiêu Trung bị đề nghị mức án 22 - 24 năm tù cho 2 tội “tham ô tài sản” (15 - 16 năm tù) và “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” (7 - 8 năm tù).
Ông Tạ Chiêu Trung bị đề nghị mức án 22 - 24 năm tù cho 2 tội “tham ô tài sản” (15 - 16 năm tù) và “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” (7 - 8 năm tù).

Các luật sư bào chữa cho ông Tạ Chiêu Trung (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT SCB) đề nghị xem xét thêm các tình tiết giảm nhẹ để có mức án khoan hồng nhất.

Ông Trung chỉ là người làm công ăn lương, không được hưởng lợi, đã chủ động khai báo từ khi vụ việc xảy ra. Khi thấy các sai phạm, ông Trung cũng đã có ý thức phản đối và không thông qua các cuộc họp HĐQT nhưng không kết quả, cho thấy vai trò của ông Trung trong vụ án không đáng kể.

Các luật sư bào chữa cho ông Nguyễn Thanh Tùng (Chủ tịch Công ty CP Dầu khí Đông Phương) và ông Đào Chí Kiên (Phó Tổng giám đốc Công ty CP Dầu khí Đông Phương) đề nghị xem xét hoàn cảnh các bị cáo, áp dụng thêm các tình tiết giảm nhẹ, xử phạt mức hình phạt thấp hơn mức mà đại diện VKS đề nghị.

Ông Nguyễn Thanh Tùng bị đề nghị mức án 6 - 7 năm tù và ông Nguyễn Chí Kiên bị đề nghị mức án 4 - 5 năm tù về tội “vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.

Với 3 bị cáo đang trốn truy nã là Đinh Văn Thành (nguyên Chủ tịch HĐQT SCB), bà Nguyễn Thị Thu Sương (nguyên Chủ tịch HĐQT SCB), và ông Trầm Thích Tồn (nguyên thành viên HĐQT SCB), các luật sư cho biết, đã tích cực liên hệ gia đình đề nghị cung cấp các chứng cứ gỡ tội nhưng không được hồi đáp.

Ông Đinh Văn Thành hiện đang trốn truy nã.
Ông Đinh Văn Thành hiện đang trốn truy nã, bị đề nghị mức án chung thân.

Các luật sư không tranh luận về tội danh mà cáo trạng truy tố, cũng không biết được ý chí của các bị cáo khi thực hiện hành vi thế nào, vì không được phản hồi. Việc kết tội chỉ dựa trên các hồ sơ, lời khai của các bị cáo khác.

Theo luật sư, các bị cáo đều tuân theo sự chỉ đạo của cấp trên, đều là người làm công ăn lương, nếu không thực hiện thì cũng có người khác thực hiện. Các bị cáo cũng không hưởng lợi từ việc phạm tội, giữa các bị cáo không có sự thỏa thuận cụ thể về việc phạm tội. Từ đó, đề nghị HĐXX xem xét khách quan, hợp tình hợp lý, để có phán quyết khách quan, phù hợp, toàn diện, nhân văn nhất.

Trước đó, đại diện VKS đã đề nghị mức án chung thân cho ông Đinh Văn Thành với 2 tội danh “tham ô tài sản” (chung thân) và “vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” (20 năm tù); đề nghị mức án 16 - 17 năm tù cho bà Nguyễn Thị Thu Sương và mức án 15 - 16 năm tù cho ông Trầm Thích Tồn cùng với tội danh “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Nối tiếp việc bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan, luật sư Phan Minh Hoàng đề nghị xem xét lại thành tích, đóng góp của bà Trương Mỹ Lan cho sự phát triển kinh tế TPHCM.

Bà Trương Mỹ Lan tự nguyện dùng toàn bộ tài sản hợp pháp để khắc phục hậu quả vụ án.
Bà Trương Mỹ Lan tự nguyện dùng toàn bộ tài sản hợp pháp để khắc phục hậu quả vụ án.

Luật sư đề nghị HĐXX xem xét nhận thức, thái độ hợp tác và cam kết, tự nguyện phối hợp xử lý tài sản, nhằm giải quyết hậu quả vụ án (nếu có) của bà Trương Mỹ Lan và gia đình. Bà Lan cũng tự nguyện dùng toàn bộ tài sản hợp pháp của mình, tự nguyện kêu gọi bạn bè, người thân cùng phối hợp giải quyết hậu quả vụ án.

Cũng cần xem xét và ghi nhận một số thành tích, đóng góp của bà Trương Mỹ Lan trong sự phát triển kinh tế TPHCM và các hoạt động thiện nguyện cộng đồng.

Cụ thể, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã đầu tư các dự án trọng điểm liên quan đến y tế, giáo dục, từ thiện phục vụ cho lợi ích cộng đồng (các lễ hội, tết, chợ hoa Nguyễn Huệ).

Đặc biệt, trong thời điểm đại dịch COVID-19, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã tài trợ 25 triệu liều vắc-xin, xây dựng bệnh viện dã chiến khoảng 10.000 giường bệnh với đầy đủ trang thiết bị y tế trong vòng 1 tháng, khoảng 20 xe cứu thương, và 2.000 chiếc máy thở (Nhật Bản). Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất vắc-xin đặt tại huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội).

Ngoài ra, bà Trương Mỹ Lan cũng có nhiều thành tích được các cơ quan Nhà nước, tổ chức ghi nhận và khen thưởng.

Luật sư Phan Minh Hoàng đề nghị HĐXX xem xét bối cảnh, nguyên nhân xảy ra vụ án, sự nhìn nhận trách nhiệm, sự tự nguyện của bà Lan và gia đình trong vấn đề xử lý tài sản cũng như nhân thân, thành tích đóng góp của bản thân bà Trương Mỹ Lan, để từ đó có đường lối xử lý khoan hồng, nhân đạo.

Nếu được, xin tạo điều kiện và cơ chế phù hợp cho bà Trương Mỹ Lan được tiếp tục phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng để xử lý tài sản, góp phần giải quyết hậu quả của vụ án (nếu có).

Tuyết Hoa Bích

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI