Ba trẻ tại TP.HCM nhập viện do tai biến sau tiêm vắc-xin dịch vụ

21/11/2016 - 06:42

PNO - Ngày 20/11, nguồn tin riêng của báo Phụ Nữ TP.HCM cho biết, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM vừa có báo cáo điều tra ba trường hợp tai biến sau tiêm vắc-xin dịch vụ.

Ngày 20/11, nguồn tin riêng của báo Phụ Nữ TP.HCM cho biết, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM vừa có báo cáo điều tra ba trường hợp tai biến sau tiêm vắc-xin dịch vụ.

Cụ thể, sáng 22/10, bé gái L.G.H. (năm tuổi, ở Q.Tân Phú, TP.HCM) được mẹ đưa tới Trung tâm Y tế dự phòng Q.Tân Phú tiêm vắc-xin phế cầu PNEUMO 23. Sau khi tiêm 30 phút, về nhà bé ăn uống, vui chơi bình thường nhưng sáng hôm sau (23/10), bé khó cử động tay trái do vị trí tiêm bị sưng và đau. Sau đó, bé H. liên tục kêu đau cánh tay và ói, sốt.

Ba tre tai TP.HCM nhap vien do tai bien sau tiem vac-xin dich vu
Một trẻ đang được tiêm vắc-xin dịch vụ - Ảnh: Võ Chí

Lúc 1g ngày 24/10, bé H. được đưa đến Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 do sốt cao không giảm, nôn ói, vị trí tiêm bị sưng và đau. BV Nhi Đồng 1 chẩn đoán bé H bị sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết, viêm mô tế bào cánh tay trái sau tiêm ngừa vắc-xin phế cầu PNEUMO 23. Sau hai tuần điều trị, bé H. đã xuất viện.

Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM ghi nhận điều kiện bảo quản vắc-xin, cách tổ chức buổi tiêm chủng, việc tiêm chủng tại Trung tâm Y tế dự phòng Q.Tân Phú đúng quy định nhưng vẫn yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng Q.Tân Phú tạm ngưng tiêm vắc-xin phế cầu PNEUMO 23 số lô M74021V kể từ 15g ngày 24/10.

Trước đó, chiều 16/10, bé gái H.G.B. (10 tuổi, Q.Bình Tân, TP.HCM) được mẹ đưa tới BV Hùng Vương tiêm ngừa vắc-xin viêm não Nhật Bản bất hoạt mũi thứ hai. Sau khi khám, cháu B. được tiêm vắc-xin ở tay trái

nhưng chỉ 5 phút sau, cháu B. có hiện tượng mệt, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, hai bàn tay lạnh. BV Hùng Vương xử lý cấp cứu và chuyển đến BV Nhi Đồng 1. Tại BV Nhi Đồng 1, bác sĩ chẩn đoán cháu B. bị sốc phản vệ sau tiêm vắc-xin. Ngày 17/10, sức khỏe cháu B. ổn định nên được cho xuất viện.

Qua điều tra, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM ghi nhận điều kiện bảo quản vắc-xin, dung môi, cách tổ chức buổi tiêm chủng, thực hành tiêm chủng tại BV Hùng Vương đều đúng quy định. Kết quả điều tra còn cho thấy có 51 cháu được tiêm cùng loại, cùng lô vắc-xin đã tiêm cho cháu B. và có hai cháu quấy khóc sau tiêm.

Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM yêu cầu BV Hùng Vương tạm ngưng tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản số lô JM-010116 kể từ 14g ngày 16/10. Trung tâm này hiện vẫn chưa đưa ra nhận định ban đầu về nguyên ngân gây tai biến cho cháu B. sau tiêm vắc-xin.

Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, tỷ lệ tai biến nặng sau tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản bất hoạt chiếm từ 1 - 2,3/106 liều nhưng hiện chưa tìm thấy báo cáo hoặc thông tin liên quan đến tỷ lệ tai biến nặng sau tiêm vắc-xin phế cầu PNEUMO 23. Trung tâm này đề xuất Sở Y tế TP tổ chức họp hội đồng tư vấn chuyên môn để đưa ra kết luận chính thức về hai trường hợp bị tai biến sau tiêm vắc-xin dịch vụ này.

Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cũng đang điều tra trường hợp bé trai L.T.V. (7 tháng tuổi), bị tai biến nặng sau khi tiêm vắc-xin dịch vụ Infanrix Hexa (6 trong 1) mũi thứ ba tại trung tâm này. Theo chẩn đoán của BV Nhi Đồng 1, bé V. bị sốc nhiễm trùng - nhiễm trùng huyết sau tiêm vắc-xin.

Võ Chí

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI