Bà Tôn Nữ Thị Ninh - một người Sài Gòn chính hiệu

09/12/2024 - 06:45

PNO - Khi xem lại cuộc trò chuyện của bà Tôn Nữ Thị Ninh trên chương trình Khi ta 20 của HTV, tôi mới chợt nhận ra, người phụ nữ toàn cầu, đi Đông đi Tây, bốn bể toàn người quen này là một người Sài Gòn chính hiệu.

Tôi tên là Ninh, không có tên Tây

Thời học cấp III, bà ở Sài Gòn; rời Pháp về Việt Nam sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, bà cũng ở Sài Gòn; vừa kết thúc công việc nhà nước, bà cũng về sống ở Sài Gòn. Bà Chủ tịch quỹ Hòa bình và Phát triển TPHCM này mang theo trong người rất nhiều “tố chất người Sài Gòn” đặc biệt, không thể lẫn vào đâu được.

Điều ngạc nhiên đầu tiên của tôi khi gặp bà Ninh khoảng 20 năm trước là bà không có tên nước ngoài. Khi đó, tôi gặp bà để trò chuyện về việc liệu có thể đưa món ăn Việt Nam lên bàn tiệc quốc tế hay không. Bà nói nước mắm Việt Nam có thể đường hoàng xuất hiện trên các bàn tiệc tiếp đón những nguyên thủ quốc gia bởi mỗi giọt nước mắm chứa đựng bao nhiêu là tinh túy của biển, của sự khéo tay, của lịch sử, của làng nghề và của văn hóa xứ mình.

Tôi ngạc nhiên bởi người phụ nữ sống ở Pháp từ nhỏ tới lớn này lại không có tên Tây. Bà cười: “Đâu chỉ ở Pháp. Khi tôi về Sài Gòn học cấp III ở trường Marie Curie - một trường nói tiếng Pháp - bạn bè xung quanh đều có tên Tây, trước là để thầy cô người nước ngoài dễ gọi, sau là để tạo sự khác biệt của ngôi trường. Nhưng lúc đó, tôi vẫn tin rằng, cái tên Tôn Nữ Thị Ninh vừa hay, vừa đẹp, vừa dễ gọi, không việc gì phải đặt tên Tây”. Tôi nhận thấy, hình như ngoài giọng Huế ra, bà có rất ít chất tiểu thư khuê các kiểu cung đình xưa.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh tham gia chương trình Áo dài không biên giới do Báo Phụ nữ TPHCM phối hợp tổ chức năm 2011 tại dinh Thống Nhất, TPHCM - ẢNH: PHÙNG HUY
Bà Tôn Nữ Thị Ninh tham gia chương trình Áo dài không biên giới do Báo Phụ nữ TPHCM phối hợp tổ chức năm 2011 tại dinh Thống Nhất, TPHCM - Ảnh: Phùng Huy

Lúc đó, bà Tôn Nữ Thị Ninh đã kết thúc công việc Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và đang có một văn phòng nhỏ duyên dáng ở đường Ngô Thời Nhiệm, quận 3, TPHCM để thực hiện dự án đại học không vì lợi nhuận Trí Việt của bà. Văn phòng bà treo một bộ áo dài Việt Nam rất đẹp cùng rất nhiều vật lưu niệm mà bà mang về từ những chuyến đi, được đặt một cách có chủ đích trong ánh sáng vàng rất ấm và hầu như lúc nào cũng có khách đến thăm. Tôi thích lượn lờ ở văn phòng của bà và gọi vui đó là “văn phòng tiếp chuyên gia toàn cầu”.

Vừa chạy vừa xếp hàng, vừa vui

Theo mấy anh bạn làm báo phía Bắc, có lẽ bà Ninh là công chức nhà nước trả lại ô tô công vụ nhanh nhất. Bà trả xe ngay ngày có quyết định nghỉ hưu, hôm sau thong dong đi Anh dự hội nghị văn chương gì đó rồi về thẳng Sài Gòn luôn.

Làm dự án trường đại học tiêu chuẩn quốc tế, kết nối đủ mọi nguồn lực, lại thêm nhiều việc có tên và không tên nên bà lúc nào cũng tự nhận mình “vừa chạy vừa xếp hàng”. Thú thật, khi bà dùng cụm từ này lần đầu, tôi không thực sự hiểu mà phải hỏi lại, để hiểu ý bà nói về việc mình phải làm nhiều việc cùng một lúc trong điều kiện gấp gáp và thiếu thốn các nguồn lực. Đúng là một kiểu “người Sài Gòn” lúc nào cũng năng động, hối hả và cởi mở với những điều mới mẻ.

Trong sự bận rộn, lại có một điều khác rất Sài Gòn ở bà mà nhiều người biết: sự hào sảng và sẵn lòng giúp đỡ. “Let me make a few calls” (Để tôi gọi vài cuộc điện thoại). Câu cửa miệng của một người siêu kết nối như bà thực sự đã mở ra nhiều cánh cửa thần kỳ cho rất nhiều bạn trẻ, trong đó có tôi. Tôi sẽ chẳng bao giờ quên được việc nhờ bà giới thiệu mình với nhà báo Mỹ Tom Plate - người viết những cuốn sách đối thoại với các chính khách thế giới. Tôi không chắc là bà biết ông nhà báo này không cho tới khi bà viết một email kết nối, còn cẩn thận hỏi thăm vợ của ông Tom Plate.

“Bận thì bận nhưng công việc thì phải vui, và chúng ta phải biết thưởng thức cuộc sống chứ nhỉ?” - bà nói. Bà Tôn Nữ Thị Ninh mê say việc đi xem âm nhạc, đặc biệt là mê vở múa xiếc bằng dụng cụ tre nứa À ố show đến mức đi thưởng thức nhiều lần, cả ở TPHCM lẫn ở Paris. Còn một điều đặc biệt ở bà Ninh mà có lẽ ít người biết, là bà kể chuyện tiếu lâm siêu hay. Ông Tây bà đầm hay sinh viên gì cũng cười nghiêng cười ngả với những câu chuyện của bà về các ông sợ vợ. Mà bà kể tỉnh queo, chỉ có ánh mắt là cười.

Khoảng chừng 8 năm trước, lúc đó là Chủ tịch quỹ Hòa bình và Phát triển TPHCM, bà Tôn Nữ Thị Ninh rủ tôi tham dự một cuộc trò chuyện với doanh nhân về chủ đề bình đẳng giới trong doanh nghiệp, đặc biệt là trong đội ngũ lãnh đạo các công ty. Bà nói một ý mà tôi còn nhớ tới giờ: “Có những bức trần vô hình - chẳng hạn định kiến xã hội - đang cản trở phụ nữ trở thành lãnh đạo. Có khi, chính phụ nữ cũng tự trói mình vào cái bẫy mang tên “trở thành người thứ nhì xuất sắc nhất” rồi đánh mất không chỉ cơ hội cho mình mà cho cả tổ chức đó”.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh là một kiểu “người Sài Gòn” lúc nào cũng năng động, hối hả và cởi mở với những điều mới mẻ - Ảnh: Phùng Huy (chụp tại chương trình Áo dài không biên giới)
Bà Tôn Nữ Thị Ninh là một kiểu “người Sài Gòn” lúc nào cũng năng động, hối hả và cởi mở với những điều mới mẻ - Ảnh: Phùng Huy (chụp tại chương trình Áo dài không biên giới)

Có lần, quỹ của bà mời tôi đến dự buổi ra mắt tập sách về hệ sinh thái thiện nguyện của Việt Nam. Nếu không có bà chuẩn bị từ trước, giờ lấy gì mà doanh nghiệp có thứ để ghi vô báo cáo phát triển bền vững, báo cáo ESG (môi trường - xã hội và quản trị) để tiếp tục làm ăn với Mỹ, với châu Âu? Bà còn là Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ học bổng Huỳnh Tấn Phát. Những học trò nghèo được quỹ này cưu mang nay đã thành những kiến trúc sư tên tuổi, đoạt các giải thưởng kiến trúc quốc gia và quốc tế.

Tiếp tục giới thiệu Việt Nam với thế giới

Cũng 20 năm trước, nhà báo Huỳnh Sơn Phước gọi bà Tôn Nữ Thị Ninh là “giám đốc thương hiệu quốc gia Việt Nam” do những nỗ lực và tài năng phi thường của bà trong đối ngoại. Cho đến năm nay (2024), bà quay lại đúng vị trí này khi quyết tâm thực hiện diễn đàn “Thời khắc Việt” để tái kích hoạt thương hiệu Việt Nam.

Bà nói: “Tôi chú ý một xu thế đang ngày càng rõ nét. Các nhà khoa học, các nghệ sĩ, các doanh nhân người Việt bắt đầu “đi đi về về” giữa Việt Nam và các quốc gia khác một cách đều đặn, liên tục. Ranh giới giữa “Việt kiều” và người trong nước đang lu mờ dần khi sự giao thoa quốc tế ngày một mạnh mẽ hơn. Tôi nhận diện được một làn sóng những tài năng Việt đang tỏa sáng trên thế giới ngay từ trong cái nôi đào tạo nội địa chứ không chờ đến khi du học nước ngoài. Chúng ta có thể tự hào về các giá trị nội sinh của mình”.
Diễn đàn “Thời khắc Việt” là nơi hội tụ tài năng người Việt trên thế giới, xoay quanh 3 chủ đề liên hoàn là văn hóa, kết nối, sáng tạo, có không gian cho giới trẻ, có chỗ để trình bày các ý tưởng, có nơi để mọi người trao đổi và tương tác với nhau về câu chuyện thương hiệu quốc gia Việt Nam, căn tính Việt. Tôi tin là ai cũng tìm được một điều gì đó ở diễn đàn này để tiếp tục ngẫm nghĩ và hành động vì một cộng đồng Việt tốt đẹp hơn và hạnh phúc hơn.

Bung Trần

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.

Hạn chót nhận bài thi: 31/12/2024.


Cơ cấu giải thưởng:
- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.
- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.
- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.
- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.
- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.
- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.
- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.
- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.
Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.
Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây:
https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI