Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Cần giáo dục các nguyên tắc cốt lõi của hoạt động thiện nguyện

20/05/2022 - 10:09

PNO - Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, đó chính là sự minh bạch và trách nhiệm giải trình ở tất cả các giai đoạn của hoạt động từ thiện - thiện nguyện.

 

Bà Tôn Nữ Thị Ninh - Chủ tịch HPDF - phát biểu tại buổi công bố báo cáo “Thực tiễn về hệ sinh thái thiện nguyện tại Việt Nam” chiều 19/5. Ảnh: Quốc Ngọc
Bà Tôn Nữ Thị Ninh - Chủ tịch HPDF - phát biểu tại buổi công bố báo cáo “Thực tiễn về hệ sinh thái thiện nguyện tại Việt Nam” chiều 19/5 - Ảnh: Quốc Ngọc

Chiều 19/5, Quỹ Hòa bình và phát triển TPHCM (HPDF) - trực thuộc Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị TPHCM (HUFO) - đã công bố báo cáo “Thực tiễn về hệ sinh thái thiện nguyện (HSTTN) tại Việt Nam”.

Đây là một công trình khảo sát được thực hiện khá bài bản, công phu và nghiêm túc trong bối cảnh hoạt động thiện nguyện hai năm vừa qua khá sôi động kèm không ít những lùm xùm, tai tiếng.

Với đợt lũ lụt thảm khốc năm 2020 ở miền Trung và tác động nghiêm trọng đến con người, kinh tế - xã hội của đại dịch COVID-19 trong năm 2021, đã chiếu sáng và làm nổi bật văn hóa và thực hành thiện nguyện đang chuyển biến ở Việt Nam.

Từ đó, HPDF triển khai cuộc khảo sát thực tiễn mang tính định tính với mục đích phân tích và đánh giá hệ sinh thái thiện nguyện hiện nay ở Việt Nam. Kết quả cho thấy, có nhu cầu cao về một môi trường tạo điều kiện thuận lợi hơn cùng với sự công nhận thích đáng từ các cơ quan nhà nước đối với hoạt động thiện nguyện ở Việt Nam.

Nhiều chủ thể của HSTTN mô tả khó khăn khi phải hoạt động trong khung pháp lý hiện hành. Nguyên nhân do văn bản hướng dẫn không đầy đủ hoặc yêu cầu thực thi luật pháp và quy định hiện hành không rõ ràng hoặc không nhất quán về việc đăng ký, phê duyệt, gây quỹ, báo cáo, và chính sách thuế ưu đãi cho các loại hình chủ thể thiện nguyện khác nhau.

Nền thiện nguyện tại Việt Nam khát khao được tạo thuận lợi và phát triển năng lực. Các chủ thể trong HSTTN quan tâm và sẵn sàng dành thời gian, thậm chí nhiều nguồn lực khác, để cải thiện HSTTN ở Việt Nam. Sự quan tâm và cam kết này thể hiện rõ qua mức độ tham gia của các chủ thể vào quá trình khảo sát, cũng như qua những quan ngại của họ về hệ lụy đối với thiện nguyện từ việc thực hiện không đúng hoặc quản lý yếu kém.

Ngoài ra, báo cáo cũng đề cập quan ngại gia tăng về tính minh bạch và hiệu quả của hoạt động thiện nguyện. Với sự phát triển của các chủ thể HSTTN và phương thức gây quỹ cộng đồng tự phát ở Việt Nam, ngày càng có nhiều lo ngại liên quan đến tính minh bạch và hiệu quả hoạt động của các chủ thể HSTTN. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng thiết yếu của việc xây dựng và duy trì lòng tin giữa các bên liên quan chủ chốt.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh - Chủ tịch HPDF - đánh giá tầm quan trọng cốt yếu của việc truyền thông kịp thời, rõ ràng và chính xác để có được và duy trì sự ủng hộ của các bên liên quan trong công tác thiện nguyện. Một ví dụ về thành công của công tác này là lời kêu gọi ủng hộ Quỹ vắc xin đã thu hút được những đóng góp lớn của các tập đoàn doanh nghiệp cùng vô số các khoản quyên góp cá nhân.

Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, cần giáo dục công chúng về các nguyên tắc cốt lõi của sự minh bạch và trách nhiệm giải trình ở tất cả các giai đoạn của quy trình làm từ thiện - thiện nguyện để có thể giúp cộng đồng giám sát việc sử dụng các khoản đóng góp của họ.

Điều này cũng nhằm nhắc nhở những người kêu gọi đóng góp cộng đồng, dù là cá nhân hay tổ chức, rằng họ chỉ là những bên trung gian được ký thác các khoản đóng góp và họ bị ràng buộc về mặt đạo đức, pháp lý bởi các nguyên tắc nói trên trong quan hệ với cả người đóng góp lẫn người thụ hưởng.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI