Ba tôi đánh cược tính mạng với nghề bắt rắn để nuôi con ăn học

26/08/2020 - 14:03

PNO - Hẳn nhiều người cười chê sự quê mùa và không kiến thức, thậm chí huỷ hoại môi trường sinh thái, tàn sát động vật hoang dã… Nhưng ít ai hiểu rằng, miếng cơm manh áo đã buộc những người như ba tôi và anh Tâm phải lựa chọn đánh cược mạng sống.

 

Những ngày qua báo chí, cộng đồng mạng không khỏi xót xa trước câu chuyện anh Phan Văn Tâm, người đàn ông ở Tây Ninh vì cái nghèo, cái khó mà phải đánh đổi mạng sống cho con cái học hành bằng việc bắt rắn.

Hình ảnh người đàn ông ôm chặt con rắn hổ đến bệnh viện cấp cứu, gợi trong tôi hình ảnh cha cách đây hai mươi năm. Vì cái ăn, cái học của bốn đứa con nheo nhóc, cha tôi phải làm công việc giống hệt anh Tâm.

Ngày tôi bước vào tuổi trung học cơ sở, ba đứa em lần lượt cắp sách tiểu học. Gia cảnh làm nông quần quật cơm ăn không đủ no, nói gì đến việc đi học. Ba tôi vì quyết cho con có "cái chữ" bằng bạn, bằng bè nên không ngại công việc gian nguy, vất vả. Ban ngày làm đồng, ban đêm ông đi bắt rắn trong những cánh rừng.

Mùa vụ thu hoạch xong, ba đi đào hang rắn cùng các chú trong xóm. Ngày tháng trôi đi, không biết từ bao giờ nghề bắt rắn đã không còn là nghề phụ của ba nữa. Mưa gió, bão bùng, rắn độc, nước độc gần như không làm khó được sức mạnh vì con của ba. Việc kiếm thêm tiền trên từng ki-lô-gam rắn để có tiền cho con đi học đã nuôi chị em chúng tôi trưởng thành và có nghề nghiệp đàng hoàng như hôm nay.

Ngày ấy, tôi là chị lớn nên được ba “ưu tiên” cho đi soi (đốt đèn đêm đi rừng bắt rắn). Tôi không thể nào quên cảm giác đi phía sau ba, lầm lũi một cô bé nhỏ con, đen nhẻm. Chúng tôi miệt mài đi hết khu rừng này đến cánh rừng nọ, trong màn tối mênh mông, chỉ có ánh sáng chiếc đèn soi yếu ớt.

Hôm nào may mắn, hai cha con bắt được vài ki-lô-gam rắn các loại, hổ mây, hổ hành, rắn lục. Về đến nhà cũng hơn 0 giờ đêm. Sáng hôm sau, người thu mua sẽ đến gom rắn, trả tiền.

Hai người đàn ông miền Tây đang mở bẫy bắt rắn. Ảnh: kienthuc.net.vn
Hai người đàn ông miền Tây đang mở bẫy bắt rắn. Ảnh: kienthuc.net.vn

Thảm nhất là những đêm hai cha con dầm mưa ướt sũng, lạnh run, người bê bết bùn... Nhưng có một nghịch lý là dân bắt rắn khá thích trời mưa. Như ba chia sẻ, mưa càng to rắn càng thích lên cây ngủ. Dễ bắt, dễ soi.

Hôm nào mưa to, cha con tôi mở cờ trong bụng vì trúng lớn. Một đêm đi soi ba tôi cũng kiếm ít nhất gần một trăm ngàn. Vài con rắn lục thì tầm 2-3 ngàn đồng một con hoặc dành treo giàn bếp, làm thuốc giúp bà con trị bệnh. Có hôm chúng tôi cũng ê chề về với cái bao trống không.

Trong quá khứ vất vả ấy, không ít lần ba bị rắn cắn. Tôi nhớ mãi có lần ba trên đường đi soi, dẫm con rắn lục đuôi đỏ, bị nó mổ vào chân. Vài tiếng sau toàn thân ba sưng to, đau nhức, hoa mắt. May mắn, ba cũng học được vài bài thuốc trị rắn cắn nên tự chữa trong dăm ba ngày là khỏi độc. Người đời hay nói, sinh nghề tử nghiệp, nhưng tôi biết ba chưa bao giờ xem đấy là nghiệp, nếu không vì nghèo khó.

Với ba tôi, nghề sẽ dạy người, ba tôi học hỏi những người lớn tuổi chế thuốc rắn để tự cứu mạng mình cũng như cứu mạng người. Nhiều lúc cứu được cả mạng con bò, chó trong làng bị rắn cắn.

Ba tôi hành nghề bắt rắn cũng 7-8 năm, đến tận khi tôi bắt đầu vào đại học. Các em tôi cũng lớn dần, cứ thế chị đi trước, em theo sau, gồng gánh nuôi nhau học hành. Bốn chị em chúng tôi có nghề nghiệp sinh sống, may mắn là không ai phải theo nghiệp bắt rắn khổ cực.

Nghề nông không đủ sách áo cho chị em chúng tôi, nên cha tôi phải đi bắn rắn kiếm thêm. Ảnh: freepik
Nghề nông không đủ sách áo cho chị em chúng tôi, nên cha phải đi bắn rắn kiếm thêm. Ảnh: freepik

Tôi lập gia đình. Một lần về quê chồng, thấy con rắn hổ mây to đùng bò vào nhà, tôi nhanh tay chộp bắt. Chồng tôi hô hoán: "Nó cắn chết em đấy!". Tôi cười to: "Em là con thầy bắt rắn mà". Dù đùa với chồng cho qua chuyện, nhưng quả thật quá khứ ấy "con thầy bắt rắn" tôi luôn mang bên mình để thầm cảm ơn ba, mẹ đã vất vả với bốn chị em tôi.

Khi tôi kể chuyện này, ắt hẳn nhiều người cười chê sự quê mùa và không kiến thức, thậm chí hủy hoại môi trường sinh thái, tàn sát động vật hoang dã, vi phạm pháp luật… Mấy ai hiểu rằng, cái nghèo, miếng cơm manh áo đã đưa những người như ba tôi và anh Tâm tới bước đường cùng, đành phải chọn cảnh sống liều. Chẳng ai muốn đánh cược tính mạng của mình với những nọc độc vô tình, ác nghiệt ấy đâu!

Trương Bích (TPHCM)

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI