Ba tôi

24/05/2013 - 06:30

PNO - PNO - “Út, vợ chồng con gửi cho ba một triệu nữa để ba mua cám rau thực phẩm, heo ăn một ngày 30.000 tiền rau, 60.000 tiền cám, 50.000 tiền thực phẩm, 20.000 tiền gạo. Ba phải dồn hết cho heo để tháng sau bán cho chị mày lo đám cưới...

Tôi biết ba ở nhà không có tiền, chỉ phụ má nuôi mấy con heo. Đợt rồi heo mẹ sinh mười mấy con heo con, ba tiếc không bán, để dành nuôi. Rau, cám rồi thực phẩm, hằng ngày ba má tôi thay nhau lo cho bầy heo ăn nhiều mà lớn chẳng bao nhiêu. Ba tôi dồn sức vào bầy heo đó, hy vọng tích góp một món tiền để lo cho tôi ngày yên bề gia thất. Đùng một cái, dịch heo tai xanh đến, lần lượt từng con ra đi, chỉ còn vài con chống chọi được qua đợt dịch. Ba thẩn thờ ra vào, vừa tiếc công vừa tiếc của, vừa lo lắng vì sắp đến ngày đám cưới của tôi, không có tiền xoay sở.


Ba toi

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ba tôi là vậy, ít nói, chỉ làm và lặng lẽ lo cho bầy con của mình. Tuổi thơ ba khốn khổ, ông nội mất lúc ba chưa kịp chào đời nên ba không có điều kiện đi học tới nơi tới chốn, chỉ học được tới lớp đệ tam gì đó rồi nghỉ. Nhà nghèo ăn bữa có bữa không, bà nội quảy gánh gạo đi bán kiếm đồng lời mỗi ngày lo cho ba đang tuổi ăn tuổi lớn. Nhiều lần ba muốn nghỉ học nhưng sợ nội buồn nên cố cầm cự. Vậy mà ba học rất giỏi, giỏi có tiếng hồi đó và cũng nổi tiếng là “chúa cà lắt” trong xóm.

Bà nội kể, hồi đó ba hay ngồi núp trên bụi dúi già ở đầu xóm. Nhờ bụi dúi um tùm ngả cả ra ngoài đường đi, dáng ba lại nhỏ thó nên chẳng ai chú ý. Cứ bà nào đi chợ ngang qua, đội thúng là ba bốc vài cái bánh bò, bịch chè hay bịch kẹo cà. Nhiều bà về đến nhà mới thấy quái lạ, không biết bịch chè, cái bánh đi đâu mất. Buổi chiều đi học về ngang qua bãi đất trống có bầy vịt đẻ của ông phú Hương, ba dùng cái ống cây đâm xuyên qua cát, qua bờ rào gai tre. Mấy con vịt đẻ thấy có cái lỗ tưởng chỗ để đẻ, cứ chui tới đó lót ổ. Thế là mỗi bữa ba đi học về cứ ghé ngang chỗ đó, nhất định có một hai cái trứng vịt còn dính bùn. Có hôm, ba đi ngang sân của hợp tác xã, nhìn vào vườn nhà bà Năm Liêu thấy có mấy người trộm củi, ba la to “bớ làng xóm người ta mót củi trộm”. Nói rồi ba cười ha hả, bỏ chạy. Vậy mà, chiều về ba mới biết, mấy người đó xuống tận nhà mắng vốn bà nội, có người còn đòi bóp cổ nội. Ba đi chơi về, thấy nội bị người ta ức hiếp đòi bóp cổ, một thân một mình không đánh lại được, ba nuốt nước mắt, nuốt hận trong lòng. Hôm sau ba dứt khoát xin nội nghỉ học chữ, đi học võ. Ba nói, học võ để về bảo vệ bà nội, để không ai còn ăn hiếp hay đòi đánh ba nữa.

Ba học võ rất sáng, lang bạt khắp nơi học hết thầy này đến thầy khác, học đến chiêu cuối cùng của ông thầy rồi xin nghỉ. Ba giỏi võ nhưng không mở lớp dạy mà chỉ dạy những người thân. Ba dạy cho chú Chiến là anh em kết nghĩa của ba. Ba dạy cho cậu Mười là em của má, mới một tháng cậu đã đi đấu võ đài thắng trận, ôm bằng khen về treo ngay gian nhà thờ trước sự ngạc nhiên của ông ngoại. Sau này, tới phiên anh tôi cũng được ba chỉ cho vài chiêu phòng thân. Với cái tính háo thắng của trai trẻ, hễ chút là anh tôi đánh nhau, đến nỗi có người dắt con tới tận nhà mắng vốn đòi tiền cơm thuốc vì anh tôi đánh quá mạnh tay. Ba nói với anh “Học võ là để tự vệ chứ không phải để đánh nhau”. Từ đó, ba không dạy cho anh thêm bất kỳ chiêu nào nữa và cấm tiệt việc anh đánh nhau với bạn.

Ba toi
 

Có lẽ cuộc sống lang bạt nay đây mai đó đã giúp ba rèn luyện được bản lĩnh của người đàn ông trụ cột, cộng thêm cái máu văn nghệ bẩm sinh với giọng ca trời phú, ba nổi tiếng đào hoa. Nhiều cô trong xóm biết hoàn cảnh của ba, nguyện là người “nâng khăn sửa túi” nhưng ba chẳng chọn cô nào. Riêng má lúc đó, đẹp gái có tiếng, nết na thùy mị, mỗi ngày đi học may ngang qua nhà ba, má chẳng dám nhìn vào mà nghiêng nón che, bước vội. Ấy vậy mà không hiểu sao má phải lòng ba từ những câu bông đùa mỗi lần qua ngõ. Cuối cùng, má về làm vợ ba.

Cưới má về, lần lượt bảy chị em tôi ra đời, một tay ba lo toan hết từ trong ra ngoài. Ba lo cho chị em tôi được học hành đến nơi đến chốn, rồi ba lo chuyện đại sự cho từng người một. Giờ đến lượt tôi. Tôi chưa có cơ hội báo hiếu cho ba thì đã đến ngày theo chồng. Chưa kịp lo cho ba ngày nào giờ tôi còn phải để ba lo chuyện cưới xin dạm hỏi, nên thấy lòng buồn vô hạn. Chỉ còn gần một tháng nữa là đến ngày cưới, bất chợt nhận được tin nhắn của ba mới thấu hiểu nỗi cơ cực của ba.

Dù đã nửa đêm nhưng tôi cũng nhắn tin trả lời “Ba nhắn cho bé út mà nhầm vô máy con rồi. Thôi ba ngủ đi, đừng lo cho con nhiều, vợ chồng con chỉ tổ chức đơn giản chứ không làm khoa trương cầu kỳ”. Gửi xong tin nhắn cho ba, bất chợt hai hàng nước mắt tôi chảy dài trong đêm.
 

HUYỀN NGA

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI