Từng là trẻ tự kỷ và mắc chứng khó đọc, giờ đây, bà Tô Thụy Diễm Quyên - CEO của Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển Giáo dục InnEdu - được biết đến là 1 chuyên gia giáo dục toàn cầu - người hướng dẫn các phương pháp giáo dục tích cực để học sinh hạnh phúc khi học tập. Ở tuổi 56, bà được Forbes Việt Nam bầu chọn là 1 trong 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2023, là “người truyền lửa sáng tạo”.
|
Bà Diễm Quyên chia sẻ tại chương trình Khoảnh khắc cuộc đời |
Từng là một phụ nữ thất bại
Phóng viên: Theo dõi các buổi nói chuyện của bà với mục đích truyền cảm hứng cho phụ nữ, tôi thấy bà hay đặt 3 tấm ảnh của mình ở 3 giai đoạn khác nhau (năm 28 tuổi, 40 tuổi và 56 tuổi) trên cùng 1 khung hình. Mục đích của việc đó là gì?
Bà Tô Thụy Diễm Quyên: Ít ai có cơ hội nhìn lại mình trước đó để nhận thấy bản thân thay đổi ra sao. Tôi cũng từng bị cuốn vào những vòng xoáy cuộc sống mà không có thời gian nhìn lại chính mình. Cho tới một ngày, ngồi xem lại hình cũ, vô tình đặt mình năm 40 tuổi và mình của hiện tại cạnh nhau, tôi mới giật mình. Hình ảnh của tôi năm 40 tuổi sao mà khắc khổ, già nua dù tôi đang mỉm cười bên cạnh chiếc bánh kem cùng các con. Bất giác, tôi cảm thấy tội nghiệp chính mình.
* Tôi không thể tưởng tượng bà của năm 40 tuổi như thế nào bởi trước mặt tôi là người khác hoàn toàn những gì bà đã tự miêu tả mình ở đoạn đời đó…
- Từ năm 40 tuổi trở về trước, tôi là một phụ nữ thất bại, đau khổ, thường xuyên cảm thấy bế tắc. Thật ra, tôi rất mong manh, dễ vỡ. Từ nhỏ, tôi đã sống trong một gia đình hạnh phúc với vật chất đủ đầy; được cha mẹ, anh chị hết sức cưng chiều. Chính vì quá hạnh phúc mà tôi không có kỹ năng để nhận diện những điều có thể làm cho mình tổn thương. Sau đó, tôi đã bị tổn thương vì rất nhiều thứ không đáng. Thậm chí, khi đi dạy, chỉ cần đang đi trên hành lang, thấy ai đó nhìn mình bằng ánh mắt không thiện cảm, chắc chắn đêm ấy tôi sẽ mất ngủ.
|
Chụp cùng thầy giáo Ukraine ở diễn đàn giáo dục toàn cầu tại Barcelona tháng 3/2014 |
Trong hôn nhân, việc thiếu kỹ năng càng tai hại, khiến tôi không biết tự xây dựng cho mình giới hạn, từ đó dễ bị đối tác lấn lướt, đè nén, gia trưởng trong khi mình chỉ biết ráng nín nhịn và cứ nghĩ rằng người ta sẽ tự hiểu ra. Nhưng, hoàn toàn không phải như thế.
Đó là lý do trong những buổi nói chuyện sau này, tôi rất muốn chia sẻ những trải nghiệm của mình để phụ nữ hiểu rằng bước chân vào hôn nhân phải có kỹ năng chứ không nên xem đó là một cuộc may rủi. Khi có kỹ năng, ta sẽ sống tốt hơn, biết tự bảo vệ mình, cả tinh thần lẫn thể xác và vật chất.
* Theo bà, những kỹ năng hạnh phúc là gì?
- Phụ nữ cần có rất nhiều kỹ năng để bước chân vào hôn nhân. Quan trọng nhất là quản lý tài chính. Tôi không có kỹ năng đó nên có bao nhiêu xài bấy nhiêu. Khi không đủ xài, tôi cố “gồng lên” bằng cách làm thêm nhiều hơn để lo cho con cái và chi tiêu cho gia đình. Khi chồng không đưa tiền về vì thấy tôi làm ra tiền, tôi nghĩ cũng không sao.
Vì tôi thương yêu chồng con nên lúc nào cũng muốn hy sinh, lao vào làm việc. Nhà cửa vẫn đàng hoàng, tươm tất, cơm nước vẫn đầy đủ, lâu dần khiến chồng tôi nghĩ rằng anh không cần mang tiền về chia sẻ trách nhiệm với vợ, còn tôi thì thấy số tiền mình có là đủ.
Từ trải nghiệm đó, tôi nhận ra người phụ nữ khôn ngoan là người rạch ròi, biết cách quản lý tài chính gia đình chứ không phải chỉ quanh quẩn tài chính cá nhân. Phụ nữ không được phép nghĩ rằng họ không cần đi làm nữa bởi có thể dựa vào chồng. Đó là suy nghĩ có thể khiến họ thất bại. Hoặc cho rằng mình kiếm nhiều tiền hơn chồng thì cần gì tiền của chồng cũng không phải là suy nghĩ của một phụ nữ hạnh phúc.
|
Bà Diễm Quyên trẻ trung, hạnh phúc bên cạnh các con đều đã trưởng thành |
Dù ít hay nhiều, phụ nữ phải trân trọng đồng tiền chồng mang về. Đừng chần chừ chuyện lên kế hoạch chi tiết trong gia đình để chi tiêu cho đúng, phù hợp. Chi tiêu nên có sổ sách, bất đồng thì cùng ngồi xuống bàn luận cần giảm gì, tăng gì.
Bên cạnh đó, phụ nữ phải biết yêu quý bản thân, từ tinh thần cho đến thể xác. Không nên ngay cả việc cắt tóc hay mua cái áo cũng hỏi ý chồng. Những suy nghĩ đó của phụ nữ châu Á ngày nay không còn phù hợp và chắc chắn sẽ gây ra hệ lụy; tạo điều kiện để người chồng gia trưởng, áp đặt. Phải có chính kiến; tránh việc cái gì muốn làm cho bản thân cũng nghĩ xem chồng có hài lòng, vui vẻ không.
Tôi đã từng muốn cắt tóc nhưng vì chồng không đồng ý nên không dám cắt, tôi từng muốn đổi chiếc xe mới bằng tiền của chính mình nhưng bị chồng nói se sua nên tôi không dám đổi. Chai nước hoa tôi thích sẽ nằm im trong hộc tủ nếu một ngày, chồng tôi buột miệng: “Xịt nước hoa ra đường cho thằng nào ngửi?”.
Đa phần phụ nữ trong tình huống đó đều nghĩ mình được chồng quan tâm nên vui và cố gắng làm cho chồng hài lòng. Dần dần, họ càng không dám làm bất kỳ điều gì nếu chồng không đồng ý hoặc không hài lòng.
Nếu muốn thì bất kỳ độ tuổi nào cũng không muộn
* Tôi nhớ có một cuốn sách tựa đề Trưởng thành sau biến cố. Quyển sách kể lại hành trình đầy biến cố mà chính tác giả Rachel Hollis đã trải qua và cũng “nhờ” đó mà bà có được kỹ năng đối phó với những thay đổi của cuộc sống. Điều gì đã biến một người thất bại trở thành một trong 20 phụ nữ truyền cảm hứng ở thời điểm hiện tại, liệu có phải bà đã trải qua biến cố nào đó trong đời?
- Hơn 40 tuổi, tôi mới nhận ra và bắt đầu thay đổi cuộc đời mình ở ngưỡng 45. Có một cú sốc rất lớn để tôi sực tỉnh và hiểu rằng việc mình chấp nhận lùi bước là sai lầm. Trước đó, đã có ít nhất 2 lần tôi nghĩ quẩn. May mắn trong khoảnh khắc tôi đang phân vân, tình cờ một người bạn gọi điện thoại đến.
Đó là bạn chung của vợ chồng tôi. Bạn nói rằng sắp vào TPHCM và muốn đến thăm tôi, nói rằng bạn rất quý tôi và rất thích món ăn tôi nấu. “Mình có giá trị mà” - suy nghĩ đó lóe lên trong đầu tôi sau khi cuộc nói chuyện kết thúc. Tôi mới hiểu, hóa ra người phụ nữ giống như một cây đàn và người chồng là nhạc công. Nếu cây đàn vào tay người chơi đàn giỏi thì tiếng đàn sẽ hay, chứ không phải mình có lỗi, mình tầm thường hoặc đáng bỏ đi.
Trước đó, tôi vẫn kiếm tiền và chăm sóc con rất chu đáo; chỉ có điều tôi không hạnh phúc vì không biết cách tạo ra hạnh phúc và không biết cách bảo vệ mình. Tôi nghĩ mình phải phát triển bản thân nên bắt đầu đầu tư phát triển về chuyên môn. Năm đó tôi 44 tuổi. Khi quyết tâm thay đổi, tôi phát triển rất nhanh.
|
Tham dự diễn đàn giáo dục toàn cầu tổ chức tại Barcelona |
Năm 46 tuổi, tôi trở thành người đại diện Việt Nam đến diễn đàn giáo dục toàn cầu tại Barcelona (Tây Ban Nha) để tham dự. Năm 48 tuổi, tôi là người châu Á duy nhất có mặt tại diễn đàn giáo dục toàn cầu với tư cách giám khảo. Sự xuất hiện của tôi ở đó chứng minh một điều: Không có gì là không thể! Nếu ta muốn thì bất kỳ độ tuổi nào cũng không muộn.
* Bắt đầu ở độ tuổi 45, khi 3 con nhỏ vẫn cần được chăm sóc, bà đã làm thế nào để xoay trở?
- Để trở thành một chuyên gia giáo dục, mỗi ngày, tôi bắt đầu học từ lúc 12 giờ đêm, khi chồng con đã đi ngủ. 3 giờ sáng, tôi mới bắt đầu đi ngủ và 5 giờ 30 sáng thức dậy lo cơm nước cho các con đi học. Khi đã vào guồng, tôi cố gắng vượt qua vấn đề. Tôi không cảm thấy mình nỗ lực.
Tôi vừa đút cơm cho con gái út ăn vừa quay sang trái trả bài cho con lớn và quay sang phải bấm móng tay cho con giữa. Thời điểm đó, mọi người nhìn tôi chưng diện, điệu đà, tưởng tôi chỉ biết ăn chơi nhưng rồi thấy tôi làm cùng lúc nhiều việc, họ nói tôi là siêu nhân.
|
Theo bà Diễm Quyên, văn hóa gia đình cần được tạo dựng từ mỗi thành viên. Hình ảnh đại gia đình của bà Quyên |
Tôi từng là một đứa trẻ tự kỷ và bị chứng khó đọc nên không đăng ký tham gia lớp học nào. Tất cả những điều có được, tôi mò mẫm, tự học từ Google. Khi không có sự hỗ trợ từ ai, hãy dựa vào chính mình.
* Trước mặt tôi không còn một phụ nữ khắc khổ, già nua nữa, Tô Thụy Diễm Quyên ở tuổi 56 là một phụ nữ như thế nào?
- Hành trình trở thành người “truyền cảm hứng” là câu chuyện của nhiều năm. Rất nhiều người nói sau khi gặp tôi, họ có động lực trong nghề nghiệp, biết yêu thương hơn. Khi được Forbes Việt Nam lựa chọn, tôi càng cảm thấy mình phải có trách nhiệm hơn với những gì đang làm, đang chia sẻ. Gần đây, xen kẽ với việc chia sẻ về chuyên môn, công nghệ, phương pháp giảng dạy… tôi còn chia sẻ những điều rất phụ nữ như chăm sóc da thế nào để không tốn kém mà hiệu quả…
|
Bà Diễm Quyên tập huấn nâng cao năng lực sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy cho giáo viên |
Tôi ở thời điểm hiện tại vui vẻ, hạnh phúc và hài lòng với những thứ mình có. Tôi biết ơn những điều tốt đẹp đó. Khi chúng ta luôn nghĩ đến thất bại và đau khổ, chúng ta chỉ nhận được thất bại và đau khổ. Ngược lại, nếu mỗi ngày chúng ta luôn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc vì những điều đang có và sắp có thì mỗi ngày sẽ hạnh phúc hơn.
Mỗi đứa trẻ chỉ cần hơn chính mình ngày hôm qua
* Trước khi trở thành người phụ nữ truyền cảm hứng, bà được biết đến là một chuyên gia giáo dục toàn cầu có kinh nghiệm chinh chiến đông tây, được mời đi giảng dạy khắp nơi. Cơ duyên nào khiến sự lựa chọn của bà bắt đầu từ giáo dục?
- Không bước đi nào trong cuộc đời là thừa thãi, tất cả đều có giá trị nhất định ở một thời điểm. Ngoài biến cố riêng đã nhắc đến, câu chuyện của con trai là động lực rất lớn khiến tôi quyết định phải thay đổi, bắt đầu từ chính chuyên môn của mình.
Đó là ngày tôi đi họp phụ huynh về, nhìn thấy một bức tranh trên bàn học của con trai lớn - một đứa trẻ tự kỷ giống như mẹ của nó. Trong tranh, dưới gốc cổ thụ, em trai đang ngồi đọc sách say sưa còn bên kia là em gái đang ngồi xích đu, gió thổi tung mái tóc. Thế nhưng con lại vẽ mình là một đứa bé gầy gò, khắc khổ và… đang thắt cổ tự tử. Khoảnh khắc nhìn thấy bức vẽ, tôi giật mình và hiểu được áp lực của con. Con là một người tự kỷ nên khép kín, không chơi với ai. Sự ứng xử thô bạo của giáo viên khiến con sợ hãi trường học và sợ sự kết nối.
|
Bà Tô Thụy Diễm Quyên là diễn giả về chuyển đổi số trong giáo dục ở rất nhiều diễn đàn và hội thảo khắp Việt Nam |
Tôi không hỏi nhưng lén tìm nhật ký của con để đọc. Hóa ra mỗi ngày đi học của con là một gánh nặng tâm lý khủng khiếp. Thật ra, thằng bé là đứa trẻ ngoan và tử tế. Lúc đó, nhà tôi ở quận 7 nhưng con học ở quận 1. Con không muốn mẹ đưa đón vất vả nên xin tự đi xe buýt. Có hôm xong việc sớm, tôi ghé trường đón con, thấy thằng bé thất thểu vừa đi vừa kéo lê cặp nặng nề dưới đất, khuôn mặt như mất hồn. “Tôi đã làm gì với cuộc đời con mình?” - câu hỏi đó chính là động lực biến tôi thành chuyên gia giáo dục toàn cầu.
* 30 năm làm việc trong lĩnh vực giáo dục ở cả ba vai trò - giáo viên, chuyên viên đào tạo và chủ doanh nghiệp giáo dục InnEdu, chuyên về STEAM - triết lý quan trọng, cốt lõi nhất của bà trong giáo dục là gì?
- Chúng ta không đánh giá con người bằng năng lực mà bằng kiến thức, do đó, con tôi không được đánh giá cao trong trường học. Tôi nghĩ rất nhiều đứa trẻ giống con mình. Sau này, khi đào tạo, tập huấn cho giáo viên, tôi luôn muốn họ hiểu rằng kỹ năng, kiến thức, mỗi người có thể tự tìm hiểu nhưng thái độ đối với đứa trẻ là thứ bắt buộc phải thay đổi ngay từ bây giờ. Họ không được phép áp đặt, so sánh đứa trẻ này với những đứa trẻ khác. Mỗi đứa trẻ chỉ cần hơn chính bản thân của mình ngày hôm qua là đủ. Nếu phụ huynh có cùng suy nghĩ đó, phụ huynh cũng sẽ hạnh phúc.
Nhân đây, tôi cũng muốn nhắn gửi đến các bậc cha mẹ rằng đừng vội la mắng, kết tội con khi bị thầy cô giáo phản ánh. Hãy tìm hiểu để bóc tách từng lý do cho đến lớp cuối cùng, hiểu được bản chất vấn đề tại sao con mình như vậy. Nhiều người khi bị mắng vốn thì tức giận, nghĩ con mình hư và la mắng con là điều đầu tiên họ thực hiện. Như vậy, sự kết nối giữa cha mẹ và con cái sẽ bị đứt gãy.
Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa mình phải làm ngược lại: chê bai, chỉ trích thầy cô trước mặt con cái hay càng sai hơn nếu thể hiện sự tội nghiệp, thương cảm khi nghĩ rằng con đang bị “đì”. Theo tôi, cách tìm hiểu là đừng bỏ qua câu hỏi tại sao. Lúc con tôi học lớp Hai, Ba, cô giáo hay mắng vốn con lười biếng, không chịu chép bài. Tôi hỏi thăm bạn bè của con thì được biết con chỉ nhìn vào tập bạn để viết. Khi tôi hỏi thì con nói rằng con không đọc được chữ cô giáo trên bảng và viết theo không kịp. Lúc đó, tôi không hề biết con bị chứng khó đọc.
Với phụ huynh, cách ứng xử với con rất quan trọng. Nếu thô bạo, họ có thể đánh mất kết nối với con, hậu quả là không bao giờ dạy được con nữa.
* Mọi người đang lo lắng ChatGPT sẽ thay thế người thầy cũng như có những tác động tiêu cực đến môi trường giáo dục. Bà nghĩ sao về vấn đề đó?
- Đây là 2 phạm trù hoàn toàn khác nhau, giống như một đằng là món chính còn đằng kia là món tráng miệng. Ăn món tráng miệng thay cho món chính đâu được. Người thầy phải hiểu được rằng vai trò của họ ở thế kỷ XXI khác rồi. Trước đây, họ là người cung cấp kiến thức, là người trao gửi tri thức nhưng bây giờ, người thầy không làm vai trò đó nữa. Kiến thức, tri thức có đầy ở mọi nơi, ai cũng có thể tiếp cận. Vai trò người thầy phải thay đổi với những trọng trách sau:
Người thầy phải nhận diện được học sinh của mình là một đứa trẻ như thế nào, nghĩa là phải hiểu được học sinh của mình. Từ chỗ hiểu rõ học sinh, người thầy sẽ hỗ trợ để định hướng cho học sinh cần phát triển cái gì, cái gì thiếu, cái gì đủ, năng lực của em đang ở đâu. Làm tốt điều đó nghĩa là người thầy đang tạo động lực để học sinh chủ động trong việc học tập và tự phát triển bản thân.
Cuối cùng, người thầy có nhiệm vụ đánh giá học sinh để giúp các em tái tạo động lực, thay đổi chiến lược định hướng học tập phù hợp hơn. Bởi sau một thời gian sẽ có những vấn đề khác phát sinh hoặc đến một giai đoạn, đứa trẻ sẽ phát triển theo hướng khác ban đầu.
Những hoạt động đó phải xoay quanh đứa trẻ, người thầy không cần thể hiện mình là người “biết tuốt”. Một người thầy hiểu và theo dõi sát sao, chăm sóc về mặt tinh thần học sinh của mình là người thầy mọi đứa trẻ luôn cần đến.
Rô bốt có thể giỏi hơn người thầy gấp trăm, ngàn lần nhưng nó không có tình yêu thương của người thầy cho đứa trẻ. Nó chỉ là cỗ máy nhiều kiến thức. ChatGPT học từ con người mà. Người ta đang thần tượng hóa một thứ không thật sự long lanh như người ta nghĩ.
* Cảm ơn bà đã chia sẻ.
Thu Lê (thực hiện)
Ảnh: nhân vật cung cấp